‘Mở đường’ cho nông dân làm giàu
Ngày 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại, giải đáp “nóng” nhiều câu hỏi của nông dân cả nước.
‘Mở đường’ cho nông dân làm giàu
Ngày 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại, giải đáp “nóng” nhiều câu hỏi của nông dân cả nước.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có khoảng 70% diện tích (tổng diện tích của HTX khoảng 570ha) đã được áp dụng máy cấy – Ảnh: NGỌC TÀI
Không né tránh các vấn đề “nóng”, Thủ tướng gợi ý 300 nông dân có mặt tại buổi đối thoại “hỏi càng cụ thể, thiết thực càng tốt”.
Nông dân “đói” thông tin thị trường
“Phát pháo” mở đầu buổi đối thoại, nông dân Trần Công Thanh giới thiệu mình trồng lúa ở Cần Thơ, rồi chất vấn: Qua lần đối thoại đầu tiên, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thông tin rộng rãi về giá cả nông sản, định hướng thị trường trên cổng thông tin của bộ; giao cho Bộ Công thương xây dựng chuyên đề kinh doanh, tiêu thụ nông sản. Đến nay “được mùa rớt giá” cứ tái đi tái lại. Thông tin nông sản, dự báo thị trường nhưng vẫn có tình trạng trên? Thủ tướng làm gì để giảm chi phí trung gian hiện còn khá cao?
Ông Trần Thanh Mẫn – chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – cũng nêu vấn đề “được giá mất mùa, được mùa mất giá” mà ông cho rằng nó trở thành ”bài ca”.
Ông Hà Công Tuấn – thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT – phản hồi: Hằng tháng đã có tổng hợp bản tin thị trường, đưa lên website.
“Chúng tôi đang xây dựng đề án, trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 1-2020 về ứng dụng công nghệ thông tin xác định nhu cầu, công bố rộng rãi, thông tin nhanh trên trang web của bộ” – ông Tuấn nói và cho biết Bộ NN&PTNT còn trình Thủ tướng phê duyệt 3 đề án gồm: đề án điều chỉnh thủy lợi khu vực ĐBSCL, chuyển từ quan điểm ngăn mặn trữ ngọt sang điều tiết ngọt – mặn phù hợp; đề án giống, cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tôm để đạt giá trị 10 tỉ USD vào năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì nhấn mạnh “được mùa mất giá” là câu chuyện mà thị trường ở các quy mô đều tồn tại. “Chúng tôi thấy rõ nhiệm vụ mà Bộ Công thương và các bộ ngành cần cải thiện. Mặc dù chúng ta liên tục tăng trưởng nhưng vẫn đối mặt khó khăn nếu chất lượng, đầu ra không ổn định. Vì vậy, công tác nghiên cứu, dự báo thị trường chắc chắn phải đẩy mạnh”.
Cho hay Bộ Công thương có xây dựng đề án cung cấp, bổ sung thông tin đầy đủ cho chính quyền các địa phương, các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản, ông Tuấn Anh đề nghị nông dân cũng tự đổi mới, sáng tạo, tranh thủ sự hỗ trợ để tái cơ cấu sản xuất.
Sửa luật, mở đường cho làm ăn lớn
Ông Nguyễn Trọng Thừa (Lâm Đồng) cho hay hợp tác xã của ông có nhu cầu mở rộng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất thì gặp khó do vướng quy định về đất đai. Ông hỏi: “Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên – môi trường nghiên cứu sửa đổi luật, việc này thế nào rồi?”.
Nông dân Nguyễn Văn Công (Nam Định) cũng cho rằng một số địa phương như Nam Định không có kế hoạch chuyển đổi từ đất lúa sang chăn nuôi hoặc trồng cây lâu năm, nên gặp bế tắc trong khâu chuyển đổi. Ông mong Thủ tướng và Chính phủ có cách tháo gỡ cho nông dân.
Giải đáp theo yêu cầu của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Lê Công Thành thừa nhận sự manh mún, số hộ sở hữu dưới 0,2ha đất nông nghiệp chiếm 36%, còn từ 5ha trở lên chỉ có 2%. Ông Thành công nhận: “Để tiến lên sản xuất lớn theo công nghệ cao, nhu cầu tích tụ đất đai là hết sức cấp bách”.
Ông Thành khẳng định Bộ Tài nguyên – môi trường đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về tập trung tích tụ đất đai, trong đó có nội dung khuyến khích tập trung đất đai thông qua thuê quyền sử dụng của nông dân; liên kết hợp tác quyền sử dụng đất để hình thành chuỗi giá trị (trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt từ vật tư đầu vào, lo đầu ra; nông dân tham gia góp vốn vào doanh nghiệp).
“Về lâu dài, bộ đang tích cực để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi Luật đất đai, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội vào tháng 5-2020” – ông Thành nói.
“Việt Nam cần một lớp nông dân đổi mới”
Sau ba tiếng rưỡi điều hành, lắng nghe và giải đáp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, khát vọng vươn lên của nông dân, đồng thời nhấn mạnh sẽ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.
Về dự báo còn yếu kém, tình trạng được mùa rớt giá vẫn còn, Thủ tướng yêu cầu trên trang web của các bộ: Công thương, Tài nguyên – môi trường, NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Đồng thời, cần nêu rõ những vật tư, hóa chất nào được phép sử dụng vì liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…
Thủ tướng cũng đề nghị bà con nông dân cần nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn. “Đất nước Việt Nam cần một lớp nông dân đổi mới” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng ghi nhận cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp nông dân, trước hết là những vấn đề cấp bách, bảo vệ chống sạt lở và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.