16/01/2025

Dạy học trò ứng xử tử tế với môi trường

Dùng giấy màu, giấy báo bọc vở thay vì nilông như trước đây, không mang đồ ăn, quà vặt và nước uống trong các bao nilông, hộp xốp… các cô cậu học trò ở Quảng Nam đã biến trường học mình thành ‘trường học xanh’.

 

Dạy học trò ứng xử tử tế với môi trường

Dùng giấy màu, giấy báo bọc vở thay vì nilông như trước đây, không mang đồ ăn, quà vặt và nước uống trong các bao nilông, hộp xốp… các cô cậu học trò ở Quảng Nam đã biến trường học mình thành ‘trường học xanh’.


 

 

 

Dạy học trò ứng xử tử tế với môi trường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc (Điện Bàn) thu dọn vệ sinh, phân loại rác từ đầu nguồn – Ảnh: T.B.D.

 

Một buổi sáng sau giờ tan lớp, ông Đào Văn Quang – hiệu trưởng Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – đi kiểm tra, thấy một tấm áo mưa tiện lợi và một vỏ chai nước nhựa lăn lóc bên thùng rác, ông hiệu trưởng nhặt lên rồi tiến lại “nói chuyện” với nhóm học trò gần đó.

Từ câu chuyện ”khủng hoảng rác”

“Cả thế giới hiện nay đang có nhiều vấn đề nhưng nguy cấp rất lớn là môi trường. Mỗi hành vi của chúng ta hằng ngày đang quyết định đến tương lai, ngưng dùng túi nilông, đồ nhựa một lần chính là cách đầu tư tốt cho tương lai chính chúng ta” – thầy Quang vừa cầm trên tay tấm áo mưa tiện lợi và vỏ chai nhựa vừa nói với học trò. 

Học trò dường như rất háo hức với kiểu “giảng tại hiện trường” này, xúm lại vây quanh thầy giáo để thảo luận về câu chuyện mà cả thầy lẫn trò đều quan tâm.

Ở tỉnh Quảng Nam, từ rất sớm ngành GD-ĐT tỉnh này đã yêu cầu các trường kết hợp các giờ lên lớp để đẩy mạnh việc tuyên truyền, giảng dạy cho học sinh lối sống thân thiện, ứng xử tử tế với môi trường. 

Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc là một trong những nơi mà phong trào “nói không với đồ nhựa dùng một lần, rác thải nhựa không vào trường học” đang được các thầy cô “quán triệt” đến từng học sinh. 

Thầy Đào Văn Quang lấy hình ảnh một cây cầm kẹo bằng nhựa nêu dẫn chứng: “Mỗi cây kẹo có một que nhựa nhỏ bằng gân lá, dài bằng một ngón tay. Trường tôi có 1.200 em, chỉ cần một nửa mỗi ngày đến trường thải ra một thanh nhựa như vậy cũng đã thấy mức độ khủng khiếp của rác rồi. 

Tôi làm hiệu trưởng nhưng có những khoảng thời gian công việc bị khủng hoảng vì rác, rác ùn ứ quá nhiều khiến giáo viên lẫn học sinh phải học trong cảnh rác vây quanh trường hôi hám” – thầy Quang nói.

Đầu năm học 2019-2020, trường này đã đề nghị các phụ huynh không để con em bao vở bằng bìa nilông, không cho con mang chai nước bằng nhựa, quà vặt đến trường. 

Thay vì vậy, mỗi học sinh sẽ được cho ăn sáng ở nhà, nước uống hoặc đồ ăn mang vào trường phải được đựng bằng cặp lồng hoặc chai thủy tinh, có thể dùng nhiều lần… Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 100% cha mẹ học sinh.

Ngôi trường cấp II này như trở nên “nhẹ gánh”, trút bỏ được một gánh nặng về rác thải, sân trường tới phòng học luôn trong cảnh sạch sẽ, ngăn nắp trong sự thích thú của học sinh. Từ ngôi trường thải ra mỗi ngày vài tạ rác, tới nay mỗi ngày chỉ vài ký rác thải mềm, chủ yếu là giấy, rác hữu cơ, thể hiện được quyết tâm của thầy và trò.

“Hiện rác được phân loại ngay từ trong sân trường. Mục tiêu làm bớt gánh nặng cho môi trường là một chuyện nhưng chúng tôi muốn giáo dục cho các em học sinh ngay từ bây giờ phải sống tử tế với môi trường từ trong hành vi, sau này các em sẽ khác chúng ta hiện nay, đó mới là điều lâu dài” – thầy Đào Văn Quang nói.

 

Những ngôi trường không rác

Không riêng Trường Dũng Sĩ Điện Ngọc, câu chuyện “sống xanh, học xanh” và cư xử thân thiện với môi trường đã trở thành một tiêu chí thi đua và được rất nhiều trường học tại Quảng Nam đưa vào giờ học với những cách thức khác nhau.

Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết hiện hầu hết các trường học của huyện đã đưa vào nội dung tuyên truyền, giảng dạy ý thức, kỹ năng ngăn ngừa và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần. 

Thầy Nguyễn Phước Tài – phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn – cho biết trong kế hoạch triển khai chương trình năm học mới, các trường học cũng được yêu cầu triển khai mạnh mẽ việc giáo dục học sinh không dùng đồ nhựa một lần, hạn chế sử dụng các đồ vật gói bằng túi nilông và hướng đến việc bao sách vở cũng sẽ sử dụng giấy báo để không phát sinh rác thải nhựa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương – trưởng Phòng GD-ĐT TP Hội An (Quảng Nam) – cho biết chuyện giáo dục ý thức sống tử tế với môi trường đã được UBND TP Hội An cùng Phòng GD-ĐT triển khai về các trường để dạy cho học sinh. 

“Chúng tôi nhận thức rằng chính sự điều chỉnh ngay từ hành vi, ý thức lúc còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ là kiến thức cho mỗi công dân sau này và đó là cách giáo dục căn bản, lâu dài nhất” – ông Dương nói.

Theo ông Dương, khi phong trào nói không với rác thải nhựa chưa mạnh mẽ như hiện nay thì hai, ba năm trước học sinh Hội An đã được học các nội dung về giáo dục môi trường. Mỗi học sinh sẽ được cha mẹ hướng dẫn ngay từ trong bếp mỗi gia đình làm thế nào để phân biệt rác hữu cơ dễ phân hủy với rác cứng, rác khó tiêu hủy. 

Các em sẽ tự tách các loại rác ra rồi tập phân loại. Không dừng lại ở đây, học sinh còn được tham gia các chương trình ngoại khóa, các buổi học ngoài trời về ý thức bảo vệ môi trường.

“Tới nay, hầu như mỗi học sinh đến lớp đều có ý thức không mang đồ ăn, quà vặt và nước uống trong các bao nilông, hộp xốp. Nước uống các em cũng mang bình thủy tinh hoặc inox rồi tới trường rót ra từ các vòi nước sạch dùng chung. 

Kể từ năm học này, các trường học cũng đã không còn học sinh dùng sách vở bằng vỏ bọc nilông mà trở lại dùng giấy báo” – thầy Dương nói.

Hoài niệm… giấy báo bọc tập vở trở lại

 

111219g1 3(read-only)

Học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hội An) dùng giấy màu, giấy báo bọc vở thay vì nilông như trước đây – Ảnh: T.B.D.

 

Rất nhiều trường học tại Quảng Nam đã bắt đầu cho học sinh bao tập vở bằng báo cũ thay vì bọc nilông như trước đây. Tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hội An) từ vài năm học trở lại đây gần như trong cặp của mỗi học sinh mang tới lớp đã không còn bìa nilông trùm bên ngoài tập vở.

Thay vào đó, tập vở, SGK được bọc bằng giấy báo đen trắng, được gấp góc cạnh và dán nhãn bên ngoài. Một hình ảnh không chỉ gợi lên bao ký ức của người lớn mà gây thích thú không nhỏ đối với học sinh.

“Các em rất thích thú, không chỉ được khoe với thầy cô hành động giảm thiểu rác nhựa của mình mà nhiều em còn tỏ ra háo hức với việc tự gấp xếp, bọc giấy báo như một kỹ năng” – thầy Trần Hoàng, hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói.

 

 

THÁI BÁ DŨNG