11/01/2025

Bệnh tiểu đường loại 1,5 là gì, có đáng sợ không?

Bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 là hai căn bệnh ảnh hưởng đến sự kiểm soát đường huyết. Nhưng một loại bệnh tiểu đường khác – bệnh tiểu đường loại 1,5, đang bắt đầu chiếm ưu thế, theo Express.

 

Bệnh tiểu đường loại 1,5 là gì, có đáng sợ không?

Bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 là hai căn bệnh ảnh hưởng đến sự kiểm soát đường huyết. Nhưng một loại bệnh tiểu đường khác – bệnh tiểu đường loại 1,5, đang bắt đầu chiếm ưu thế, theo Express.
 
 
 /// ShutterStock
ShutterStock

Bạn có biết bệnh tiểu đường loại 1, loại 2?

Bệnh tiểu đường loại 1 là rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào tuyến tụy, gây ra sự thiếu hụt insulin và tăng lượng đường huyết.
Ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, các triệu chứng sẽ xuất hiện rất sớm và ở độ tuổi khá trẻ, thường là ở trẻ nhỏ hay tuổi vị thành niên, thường dưới 30 tuổi.
Còn bệnh tiểu đường loại 2 là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% – 95% bệnh nhân tiểu đường, còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trưởng thành. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, tụy còn khả năng sản xuất insulin, nhưng không đủ, theo Express.
Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, trên 30 tuổi, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao, nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi.
Khi mắc tiểu đường loại 2, các tế bào trở nên đề kháng với insulin, và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của bạn, theo Express.

Bệnh tiểu đường loại 1,5 là gì?

Nhưng một loại bệnh tiểu đường khác đang bắt đầu được công nhận – bệnh tiểu đường loại 1,5 – và bác sĩ Adrian Vella, bác sĩ nội tiết tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota (Mỹ), đã giải thích cho Express.co.uk chính xác loại bệnh tiểu đường này là gì.
Có những bệnh nhân không thuộc vào bệnh tiểu đường loại 1 mà cũng không hẳn thuộc vào bệnh tiểu đường loại 2. Họ thường phát bệnh từ giai đoạn nhỏ tuổi đến giữa tuổi trưởng thành, có thể không nhất thiết bị béo phì và cần insulin tương đối sớm trong quá trình điều trị bệnh. Nhóm bệnh nhân này được xem là mắc bệnh tiểu đường loại 1,5.
Thông thường những bệnh nhân này có kháng thể với các thành phần của tuyến tụy và bệnh đôi khi được mô tả như là bệnh tiểu đường loại 1 tiềm ẩn ở người lớn.
Về cơ bản, những bệnh nhân này có khuynh hướng gần với bệnh tiểu đường loại 1 nhưng biểu hiện muộn hơn và theo cách nhẹ nhàng hơn.
Dấu hiệu để nhận ra bệnh tiểu đường loại 1 nhẹ hơn này, là bệnh nhân không béo phì, khởi phát tương đối đột ngột, uống thuốc không hiệu quả ngay từ đầu và cần phải chích insulin, bác sĩ Vella giải thích,
Bác sĩ Vella khuyên biện pháp tối ưu là tập trung vào việc hạ thấp nồng độ đường trong máu một cách an toàn và hiệu quả bằng thuốc uống hay insulin.
Cần lưu ý rằng bệnh tiểu đường loại 1 không thể chữa khỏi. Tương tự, bệnh tiểu đường loại 1,5 cũng không thể chữa khỏi, theo Express.
Trong khi bệnh tiểu đường loại 2 có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống.
Tuy nhiên, bác sĩ Vella cho biết vẫn có thể kiểm soát đường huyết bằng các biện pháp như giảm cân, cải thiện thói quen ăn uống như hạn chế đường bột và dầu mỡ, không uống rượu, ăn thịt nạc, nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, hoặc tăng cường tập thể dục theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh tiểu đường loại 1,5 cũng được trang web về bệnh tiểu đường của Anh – Diab.co.uk công nhận, và đã giải thích tại sao bệnh tiểu đường thường xuất hiện ở giai đoạn trưởng thành giống tiểu đường loại 2.
Trang này cho biết bệnh tiểu đường loại 1.5 cũng khởi phát chậm, tương tự như bệnh tiểu đường loại 2, nên thường được chẩn đoán nhầm là bệnh tiểu đường loại 2.
Và khoảng 15 – 20% bệnh nhân tiểu đường loại 2 thực sự có thể mắc bệnh tiểu đường loại 1,5, chứ không phải loại 2.
Cần chú ý, đối với bệnh tiểu đường loại 1,5, các loại thuốc giúp giảm kháng insulin không có tác dụng như đối với bệnh tiểu đường loại 2, vì những người mắc bệnh loại 1,5 có ít hoặc không có khả năng kháng insulin, theo Express.
 
THIÊN LAN