Tăng cường kết nối hàng không trong ASEAN và Trung Quốc
Hai nghị định thư quan trọng về hàng không giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN – Trung Quốc được ký kết là kết quả quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội.
Tăng cường kết nối hàng không trong ASEAN và Trung Quốc
Hai nghị định thư quan trọng về hàng không giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN – Trung Quốc được ký kết là kết quả quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội.
Với 2 nghị định thư hàng không vừa được ký kết, các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng cơ hội hợp tác, liên doanh về dịch vụ vận tải hàng không trong khu vực ASEAN cũng như tăng điểm được lấy khách tại các nước ASEAN và Trung Quốc để đi nước thứ 3 – Ảnh: TUẤN PHÙNG
Công bố kết quả hội nghị sau các phiên làm việc vào ngày 14 và 15-11, bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tại hội nghị các Bộ trưởng đã ký kết 2 nghị định thư quan trọng về hàng không gồm:
Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ để tạo thuận lợi cho việc triển khai Hiệp định nhằm tự do hóa hơn nữa các dịch vụ phụ trợ hàng không trong khu vực;
Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 (hãng hàng không quốc gia thứ nhất được phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu gửi giữa quốc gia thứ 2 và quốc gia thứ 3) giữa các bên ký kết thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN – Trung Quốc.
Theo bộ trưởng Thể, nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không có nội dung các nước ASEAN cam kết mở cửa mới hoặc nâng cao mức mở cửa thị trường hàng không như dịch vụ thủ tục hàng hóa, dịch vụ thủ tục hành lý , dịch vụ tra nạp xăng dầu, dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay.
Theo cam kết này, Việt Nam sẽ cho phép các doanh nghiệp của các nước ASEAN khác được tham gia cung cấp dịch vụ làm thủ tục hàng hóa tại Việt Nam với điều kiện thành lập liên doanh với doanh nghiệp của Việt Nam và tỉ lệ vốn góp tối đa của bên nước ngoài không quá 30% vốn pháp định…
Liên quan đến nghị định thư số 3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thêm: trước khi ký nghị định thư số 3 này, Trung Quốc và ASEAN đã ký tự do hóa một phần thương quyền 5.
Gói cam kết số 3 đã mở rộng thương quyền 5 của ASEAN thêm 8 điểm còn Trung Quốc thêm 8 điểm ở ASEA, nâng tổng số điểm thực hiện thương quyền 5 của ASEAN tại Trung Quốc là 36 và của Trung Quốc tại các nước ASEAN là 18.
“Nghị định thư số 3 với Trung Quốc rất quan trọng khi thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất đối với ASEAN. Riêng Việt Nam dự kiến năm 2019 có gần 30 triệu hành khách đi các nước ASEAN, chiếm khoảng 38% tổng thị trường của các hãng không nước ta. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có thị trường hàng không đứng thứ hai đối với Việt Nam khi các hãng Việt Nam mỗi tuần có 260 chuyến bay tới Trung Quốc.
Tổng lượng hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đến Trung Quốc dự kiến năm nay đạt xấp xỉ 7 triệu khách. Đây là cơ hội rất lớn để các hãng hàng không chúng ta tiếp cận thị trường và cũng tạo sự cạnh tranh rất lớn. Nhưng các hãng hàng không và các nước ASEAN cũng đã nghiên cứu và tính toán các lộ trình”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Đặng Ngọc Hòa – phó tổng giám đốc của Vietnam Airlines, hãng hàng không này hiện bay đến 12 điểm thường lệ và 20 điểm bay thuê chuyến tại Trung Quốc, trung bình 1 tuần có 110 chuyến bay tới Trung Quốc. Còn Vietjet Air, theo ông Vũ Phạm Nguyên Tùng – giám đốc phát triển dự án, đang khai thác 50 điểm đến ở Trung Quốc.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã thông qua nghị định thư số 1: Chứng nhận Thiết bị huấn luyện mô phỏng chuyến bay (FSTD) thuộc Thỏa thuận ASEAN công nhận lẫn nhau đối với Giấy phép người lái máy bay nhằm công nhận lẫn nhau các Thiết bị huấn luyện mô phỏng chuyến bay đã được cấp chứng chỉ.
Ban hành Tuyên bố về việc thông qua Khung triển khai Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT). Thông qua Chiến lược tàu biển xanh ASEAN để giảm phát thải khí nhà kính…
Tại hội nghị các Bộ trưởng đã nghe báo cáo tiến độ đàm phán Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN – Nhật Bản; thảo luận về kết quả đàm phán Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN – Hàn Quốc; cập nhật tình hình đàm phán nội dung Dự thảo Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN – EU cũng như các dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của EU đối với lĩnh vực GTVT ASEAN.