Đó là tâm sự của cô Trần Việt Cẩm Tú, giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM về vấn đề sử dụng mạng xã hội trong môi trường giáo dục.
Chỉ sử dụng mạng xã hội cho việc dạy học
Cô Cẩm Tú tâm sự nhớ hồi xưa tới những lễ kỷ niệm 20.11, học trò thường viết thư gửi những lời chúc đến thầy cô, làm như thế đọng lại cảm xúc nhiều hơn là việc lên mạng xã hội viết dòng chữ cụt ngủn, vô hồn. “Thật ra lòng mến mộ của học sinh dành cho giáo viên trong ngày 20.11 không phải thể hiện qua những phần quà, hay câu chúc ngọt ngào trên mạng xã hội mà điều đó được thể hiện qua các hoạt động trong năm học. Đó là việc các em vào học nghiêm túc, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, thầy cô…, điều mà bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn”, cô Cẩm Tú bày tỏ.
Thừa nhận mạng xã hội có mặt tích cực của nó, nhưng cô Cẩm Tú cho biết Mình ít giao tiếp với học sinh qua mạng xã hội, nếu có giao tiếp trên đó thì cũng chỉ trao đổi những vấn đề về bài vở khi gấp và cần thiết. Và cô vẫn thích trao đổi trực tiếp với học sinh hơn.
“Vì nói chuyện qua mạng xã hội nó hơi ‘ảo’ cho nên mình chỉ sử dụng cho việc dạy học thôi. Khi giao tiếp trực tiếp với học sinh, mình sẽ có biểu cảm khuôn mặt, ngữ âm rồi cả ánh mắt của mình dành cho học trò, hay những hành động vỗ vai, xoa đầu các em thì ở mạng xã hội không bao giờ có được…”, cô Cẩm Tú chia sẻ.
Giáo viên hãy là “những anh hùng núp”!
Cô Đỗ Phương Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM, tâm sự rằng ngày xưa giáo viên còn giao tiếp trực tiếp với các em, bây giờ có mạng xã hội thì vô tình làm mối quan hệ giữa thầy với trò có khoảng cách nhất định. Thoạt nhìn cứ tưởng là mạng xã hội để chia sẻ và tìm hiểu thông tin, nhưng bây giờ nó biến tướng quá nhiều và rất khó kiểm soát. Và khi không làm chủ được mạng xã hội, nó sẽ đem lại những tiêu cực cho giáo viên, học sinh.
“Mình thấy việc nói chuyện với học sinh thông qua mạng xã hội nó không hiệu quả, nhiều khi giáo viên cũng không kiểm soát được hành động hay lời nói của mình, vô tình mang lại tác dụng ngược. Thay vào đó, giáo viên nên sử dụng mạng xã hội để theo dõi các hoạt động của các em học sinh. Mình hay nói đùa rằng giáo viên là “những anh hùng núp” để khi biết được những thông tin của học sinh đăng trên mạng xã hội có chiều hướng tiêu cực là thầy cô có thể chia sẻ, hoặc báo về phòng giám thị, ban giám hiệu để kịp thời hỗ trợ các em”, cô Phương Thanh cho biết.
Giáo viên cần phải tăng cường tiếp xúc trực tiếp với học trò của mình để hiểu được tâm tư của các em. “Mình luôn luôn khuyên các em hãy trở về văn hóa đọc, rèn luyện thể chất hay là học kỹ năng mềm, chứ giáo viên hay phụ huynh không bao giờ thích hình ảnh các em học sinh ôm khư khư cái điện thoại vào người”, cô Phương Thanh chia sẻ.
Trên là chia sẻ của các thầy cô về tác động của mạng xã hội trong mối quan hệ thầy trò ngày nay. Qua những chia sẻ đó, chúng ta thấy mạng xã hội giúp cho quan hệ thầy trò ngày càng gần gũi hơn, là kênh thông tin giúp cho việc trao đổi bài vở giữa thầy và trò nhanh chóng, tiện lợi hơn. Đặc biệt đây còn là nơi để các em học sinh, sinh viên thổ lộ tâm tư, tình cảm ở lứa tuổi của mình với thầy cô để kịp thời nhận được những chia sẻ, tư vấn phù hợp…
Ở một góc nhìn khác, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến quan hệ thầy trò nếu lạm dụng, không có điểm dừng. Đã có nhiều câu chuyện không hay, đau lòng xảy ra từ những cách cư xử thiếu văn minh, những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy – trò, thầy cô – phụ huynh và cả hình ảnh người thầy trong xã hội.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy – trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ [email protected]. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
TẤN ĐẠT