Sinh viên xét tuyển theo phương thức nào sẽ học tập tốt hơn?
Một số trường ĐH công lập thực hiện đánh giá kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng phương thức khác nhau để có sự đối chiếu. Kết quả cho thấy tình hình khác nhau ở các trường do tuỳ thuộc điều kiện đầu vào.
Sinh viên xét tuyển theo phương thức nào sẽ học tập tốt hơn?
Một số trường ĐH công lập thực hiện đánh giá kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng phương thức khác nhau để có sự đối chiếu. Kết quả cho thấy tình hình khác nhau ở các trường do tuỳ thuộc điều kiện đầu vào.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 NGỌC DƯƠNG
Xét học bạ, tuỳ thuộc từng trường
Khảo sát sinh viên (SV) xét tuyển bằng học bạ ở những trường khác nhau cho thấy kết quả không giống nhau.
Trường ĐH Nha Trang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong 2 năm 2017 và 2018. Nhưng sau 2 năm triển khai, thống kê chung có đến 20% SV (hơn 1.000 SV) xếp loại yếu kém. Các SV này nhập học rồi nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 – 2 học kỳ đầu. Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nói: “Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do trường sử dụng phương thức xét bằng học bạ, đặc biệt là chỉ xét điểm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển. Khi đó, người học không theo kịp chương trình học”.
Ông Phương lấy ví dụ nhiều SV có tổ hợp 3 môn xét bằng học bạ là 25 điểm nhưng điểm thi THPT của 3 môn tương ứng chỉ 8 – 10 điểm (tức là chênh lệch đến hơn 17 điểm). Đặc biệt, khi xem kết quả học tập sau 2 học kỳ trúng tuyển vào trường chỉ xếp loại trung bình.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện thống kê trên 5.200 SV trúng tuyển năm 2017 và gần 6.000 SV trúng tuyển khóa 2018 với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Số liệu thống kê kết quả học tập 2 năm học của SV khóa tuyển sinh 2017 (2017 – 2018 và 2018 – 2019) cho thấy, tỷ lệ xếp loại học lực từ khá trở lên của phương thức xét học bạ là thấp nhất trong các phương thức, tỷ lệ SV trung bình là cao nhất. Trong khi đó, thống kê kết quả học tập của SV xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (gọi tắt là xét điểm thi) khóa này cho thấy có tỷ lệ yếu kém cao nhất trong các phương thức. SV phương thức này tiếp tục học lên năm thứ 2 chiếm 90,8% so với năm đầu, tức tỷ lệ rơi rụng gần 10%.
Khóa 2018, tỷ lệ SV đạt loại khá, giỏi và xuất sắc của phương thức xét học bạ cao hơn so với kết quả thi. Hơn nữa, tỷ lệ SV diện yếu kém của phương thức học bạ cũng thấp hơn xét điểm thi. Lý do được trường nêu ra là điểm chuẩn phương thức học bạ khóa này khá cao.
Kỳ thi năng lực nhỉnh hơn ?
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa thực hiện đánh giá kết quả học tập của SV khóa 2018 trúng tuyển bằng 2 phương thức tuyển sinh khác nhau thông qua 2 học kỳ của năm học 2018 – 2019.
Kết quả này được đối chiếu dựa trên 3.797 SV trúng tuyển bằng điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và 411 SV trúng tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Kết quả học kỳ 1 năm học 2018 – 2019 cho thấy tỷ lệ xếp loại xuất sắc và giỏi của SV trúng tuyển bằng điểm thi năng lực nhỉnh hơn so với xét điểm thi. Cụ thể, tỷ lệ xuất sắc của SV trúng tuyển bằng kỳ thi năng lực chiếm 2,92% trong tổng số SV trúng tuyển bằng phương thức này, trong khi tỷ lệ này ở phương thức xét điểm thi chỉ chiếm 1,82%. Tương tự, SV xếp loại giỏi ở phương thức thi năng lực chiếm 8,76% trong khi xét điểm thi là 8%.
Thống kê này cũng chỉ ra SV xếp loại yếu và kém của phương thức thi năng lực chiếm tỷ lệ thấp hơn so với xét điểm thi. Ngay cả tỷ lệ SV xếp loại trung bình và trung bình khá, cách thức thi năng lực cũng cho thấy kết quả khả quan hơn với 56,7% (phương thức kết quả thi tỷ lệ này là gần 50%).
Ở học kỳ 2 của năm học này, tỷ lệ SV xếp loại xuất sắc và giỏi giảm mạnh ở cả 2 phương thức. Dù vậy, kết quả thi năng lực vẫn có tỷ lệ người học đạt cao hơn xét điểm thi. Ở nhóm học lực khá và trung bình khá, phương thức thi năng lực có xu hướng tăng lên trong khi phương thức điểm thi tiếp tục giảm xuống.
Vào ngành yêu thích, sinh viên học tốt hơn
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, kết quả học tập của SV thi năng lực có phần nhỉnh hơn so điểm thi THPT quốc gia. Không chỉ nhỉnh hơn mà SV trúng tuyển bằng điểm thi năng lực còn giữ được kết quả học tập ổn định hơn. Theo ông Thắng, lý do chính là kỳ thi năng lực đang thu hút thí sinh vào các ngành “nóng” nhất, điểm trúng tuyển ở mức cao.
“Điều này chứng tỏ kết quả thi năng lực không tệ hơn và có thể hoàn toàn thay thế cho phương thức xét điểm thi THPT quốc gia”, ông Thắng đánh giá.
Nhìn nhận về kết quả thống kê, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Phương thức xét học bạ ở các trường khác nhau sẽ cho ra kết quả học tập không giống nhau. Tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, SV trúng tuyển phương thức này với điểm trúng tuyển trên 25 điểm 3 môn gần như học lực giỏi. Trường chỉ cho phép đăng ký tối đa 3 ngành nên SV gần như trúng vào ngành mình yêu thích nên có kết quả học tập khá tốt”.
Ngược lại, với phương thức xét điểm thi, theo ông Dũng, khuyết điểm lớn nhất của phương thức này là cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có những người trúng tuyển ngành không yêu thích nên ảnh hưởng chất lượng học tập. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ yếu kém của phương thức này nhiều hơn và tỷ lệ này phần nhiều do SV học trong tình trạng chờ thi lại năm sau.
Trước thực tế này, ông Dũng kết luận: “Mỗi phương thức đều có giá trị riêng, vấn đề đang nằm ở chỗ SV trúng tuyển bằng nguyện vọng thứ mấy và có đúng ngành yêu thích để có động lực học tập hay không”.
Còn Trường ĐH Nha Trang đã ngưng sử dụng phương thức xét học bạ từ năm 2019. Thay vào đó là xét điểm tốt nghiệp THPT để có đánh giá toàn diện hơn từ nhiều môn học. Nhìn nhận về phương thức xét học bạ, ông Tô Văn Phương khẳng định: “Điểm học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đánh giá năng lực của học sinh”.
HÀ ÁNH