Mobile Money: thanh toán không tiền mặt không cần tài khoản ngân hàng
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dịch vụ Mobile Money, ngay lập tức 100% thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử.
Mobile Money: thanh toán không tiền mặt không cần tài khoản ngân hàng
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dịch vụ Mobile Money, ngay lập tức 100% thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử.
Mobile Money là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, không cần có tài khoản ngân hàng và không nhất thiết phải sử dụng smartphone – Ảnh minh hoạ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 6-11, ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cho biết đang phối hợp tích cực với các cơ quan hữu quan để hiện thực hoá chủ trương, kế hoạch của Chính phủ, đưa Mobile Money vào cuộc sống.
Lan tỏa rộng rãi, sử dụng thuận tiện
* Được biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai đề án, tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động Mobile Money. Xin ông cho biết khi nào thì doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm dịch vụ này?
– Sau khi Chính phủ chỉ đạo về việc nghiên cứu triển khai đề án thí điểm Mobile Money, Bộ đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện. Đề án đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và xin ý kiến của Bộ và các bộ, ngành có liên quan.
Hiện nay về cơ bản, các bộ, ngành đã có ý kiến đóng góp để Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi hy vọng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm Mobile Money.
Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, các doanh nghiệp viễn thông có thể ra mắt dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
* Vậy khi Mobile Money đi vào cuộc sống, những tác động của dịch vụ này đến nền kinh tế Việt Nam sẽ được lan toả như thế nào?
– Đối với nền kinh tế, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống). Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
* Theo ông, Mobile Money sẽ mang đến cho các thuê bao di động những tiện ích cụ thể nào cho người dùng? Họ có gặp khó khăn gì khi sử dụng dịch vụ mới này hay không?
-Theo thống kê hiện nay, hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch; từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
Ngay sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp phép cho các, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Bộ thông tin và truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị khung khổ pháp lý cho dịch vụ Mobile Money, một số nhà mạng cũng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ này – Ảnh minh hoạ.
Mobile money: Định danh khách hàng, bảo mật giao dịch là rất quan trọng
* Với sự tương tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà đại diện là các đại lý với khách hàng, từ kinh nghiệm các quốc gia đi trước, xin ông cho biết chúng ta phải lường trước và đề phòng rủi ro trong hoạt động này như thế nào?
– Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông, và các bộ ngành khác về vấn đề này. Bên cạnh những lợi ích mang lại, dịch vụ Mobile Money cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu không được quản lý tốt, đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải có sự chuẩn bị hết sức chu đáo để có thể cung cấp dịch vụ theo đúng các yêu cầu và chuẩn mực cũng như các quy định trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Một số rủi ro mà doanh nghiệp viễn thông có thể gặp phải trong quá trình cung cấp dịch vụ là công tác quản lý các đại lý, điểm giao dịch của doanh nghiệp viễn thông, do phải tiếp xúc với lượng tiền mặt vãng lai lớn hơn trước đây, sẽ phải tuân thủ và đáp ứng tất các các yêu cầu của điểm giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng nhà nước để đảm bảo an toàn kho, quỹ.
Rủi ro về thanh khoản cũng là một vấn đề các doanh nghiệp phải hết sức quan tâm khi phải chịu trách nhiệm quản lý số tiền trong tài khoản của khách hàng.
* Như vậy trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money được quy định cụ thể như thế nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng?
– Họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc xác thực, định danh khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ giao dịch, do đó ngay từ bây giờ phải tập trung xử lý vấn đề thông tin thuê bao nhằm đảm bảo định danh được khách hàng tham gia dịch vụ.
Vấn đề an toàn, bảo mật trong giao dịch cũng hết sức quan trọng, vì những nghiệp vụ này liên quan đến chuyển tiền, thanh toán, có liên hệ mật thiết với quyền lợi của mỗi khách hàng tham gia dịch vụ…
Tiềm năng của dịch vụ rất lớn, nhưng đi kèm với đó cũng là những yêu cầu khắt khe hơn rất nhiều đối với các doanh nghiệp viễn thông trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ, quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin và quan trọng nhất là nguồn nhân lực để cung cấp và khai thác dịch vụ mới, có nhiều điểm khác biệt so với việc cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay của các doanh nghiệp.
* Cần quy định đảm bảo những điều kiện gì để khách hàng có thể được cung cấp dịch vụ và sử dụng Mobile Money một cách an toàn, thưa ông?
– Một điểm rất quan trọng trong dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money là cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Các thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và các điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ cho mình. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ quản lý tài khoản tổng của các doanh nghiệp viễn thông để tránh rủi ro trong thanh toán.
Theo quan điểm của Bộ Thông tin và truyền thông, những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ này sẽ phải có thông tin thuê bao chính xác để định danh được. Bộ Thông tin và truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nếu không có thông tin thuê bao chính xác sẽ không được cung cấp dịch vụ này. Vì vậy, các nhà mạng phải nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng.
* Điều kiện đối với các nhà mạng tham gia cung cấp dịch chặt chẽ như thế nào, thưa ông?
– Sau khi được Thủ tướng đồng ý cấp phép thí điểm dịch vụ này, các nhà mạng sẽ phải xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ gửi tới Ngân hàng Nhà nước để xin cấp phép, đồng thời phải nhanh chóng hoàn thiện, xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng như quy trình nghiệp vụ, quy trình quản trị rủi ro, chăm sóc khách hàng…
Mọi người dân là khách hàng của doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cung cấp dịch vụ mobile money đều có thể tham gia sử dụng dịch vụ, bao gồm việc chuyển tiền giữa các thuê bao trong cùng hệ thống của doanh nghiệp viễn thông; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, bao gồm cả các dịch vụ nội dung số hợp pháp và các hàng hóa khác.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước mắt sẽ cấp phép cho những doanh nghiệp viễn thông đã có giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử). Trong 3 doanh nghiệp viễn thông lớn, hiện Viettel và VNPT đã có giấy phép. Còn MobiFone đang làm các thủ tục xin cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán.
Như đã trao đổi ở trên, Mobile Money là một dịch vụ mới, là dịch vụ trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, vì thế Mobile Money sẽ hỗ trợ cho tất cả các thuê bao di động, nhưng đặc biệt hữu ích cho những thuê bao ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Trước hết, ưu thế trong cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ thuộc về những nhà mạng có vùng phủ sóng rộng và tốt nhất. Tuy nhiên về lâu dài, theo tôi, điểm quyết định để chiếm ưu thế trong cung cấp dịch vụ sẽ là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất cùng với một quy trình cung cấp tổ hợp dịch vụ tối ưu, quản trị rủi ro chặt chẽ và đặc biệt đội ngũ chuyên gia, nhân viên được đào tạo có “nghề” về dịch vụ này.
Mobile money là gì ?
Mobile money được hiểu là người dùng dùng thiết bị điện thoại để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa trên môi trường kĩ thuật số. Mobile money là một phần của thanh toán điện tử, tuy nhiên nó có 2 điểm khác biệt với các giao dịch thanh toán điện tử khác là nó dùng thiết bị điện thoại di dộng và không cần có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch mua bán.
Có hơn 1 tỷ người trên thế giới dùng điện thoại nhưng không phải tất cả họ đều có tài khoản ngân hàng. Một trong những nguyên nhân là chi phí để ngân hàng mở chi nhánh hoặc đặt máy ATM ở các vùng nông thôn xa xôi rất đắt đỏ. Vì vậy, họ thường giao dịch bằng tiền mặt với giá trị rất lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với Mobile money, sẽ giúp họ dễ dàng chuyển tiền, tiết kiệm hoặc đầu tư vào các dịch vụ tài chính an toàn hơn.