26/11/2024

Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Phản đối các hành vi đi ngược luật pháp quốc tế trên Biển Đông

 

Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Phản đối các hành vi đi ngược luật pháp quốc tế trên Biển Đông


 
 

Các trưởng đoàn tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 4.11 /// TTXVN

Các trưởng đoàn tại Hội nghị cấp cao Đông Á ngày 4.11   TTXVN

 

Sau một loạt sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan với nhiều diễn biến sôi động, lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam đã chính thức diễn ra vào hôm qua (4.11) tại Thái Lan.
 
Lễ chuyển giao diễn ra ngay sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan. Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
 
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”.

Còn những sự việc đi ngược luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14. Các nước đánh giá EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực; đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen. Hội nghị đánh giá ý nghĩa tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
 
Tại hội nghị, các nước đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình Biển Đông chưa thật sự bền vững, vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không.
Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 20201

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha

Phản đối các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển

Sáng 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần 7. Thừa ủy quyền Tổng thống Mỹ Donald J.Trump, Cố vấn An ninh quốc gia Robert C.O’Brien chuyển tới các nước thư của Tổng thống Trump, khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực, hoan nghênh ASEAN triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Tổng thống Donald Trump mời lãnh đạo ASEAN thăm Mỹ trong năm 2020.
 
Trao đổi về tình hình quốc tế, Cố vấn An ninh O’Brien khẳng định lại lập trường của Mỹ, phản đối các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tầm quan trọng của Biển Đông, trách nhiệm của các nước đối với đường biển huyết mạch của thế giới, với 3.400 tỉ USD lưu lượng hàng hoá vận chuyển hằng năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ.
 
Cũng vào sáng 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết thúc hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Sáng kiến kết nối các kết nối; thành lập website về ASEAN+3 để tăng cường nhận thức và thúc đẩy hữu nghị nhân dân các nước trong khu vực.
 
Chiều 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 22. Tối 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mê Kông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự Hội nghị cấp cao Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 11.
 
Chiều 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ đánh giá cao của Việt Nam đối với vai trò quan trọng của Ấn Độ tại khu vực, ủng hộ mạnh mẽ chính sách “Hành động hướng Đông”. Thủ tướng Modi chúc mừng Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Hai thủ tướng nhất trí cần thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc phòng, dầu khí, nông nghiệp, y tế, văn hóa, du lịch… Về vấn đề Biển Đông, hai thủ tướng khẳng định quan điểm cần duy trì môi trường hòa bình và an ninh theo UNCLOS 1982.
 
Trước đó, sáng 4.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
 

Việt Nam có lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông
 
Sáng 4.11, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Robert C.O’Brien, Đặc phái viên tổng thống, Trưởng đoàn Mỹ dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ.
 
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong năm tới, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại tăng trưởng trên cơ sở cùng có lợi. Đặc phái viên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien bày tỏ mong muốn của Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam và ASEAN, ủng hộ vai trò của các nước ASEAN, đẩy mạnh hợp tác tại Tiểu vùng Mê Kông, khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh và kinh tế tại khu vực.
 

Thị trường 3,5 tỉ người, GDP xấp xỉ 49.000 tỉ USD
 
Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Bangkok và Nonthaburi của Thái Lan, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ngày 4.11 khẳng định việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng và tất cả các nước tham gia RCEP nói chung.
 
Đây là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Đến hôm qua, các nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau.
 
Khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỉ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỉ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.
 
TTXVN