24/01/2025

Phấn rôm trẻ em chứa amiăng: Nghe ai, tin ai?

Lần đầu tiên J&J ra quyết định thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em – sản phẩm gắn liền với tên tuổi của J&J – do nghi ngờ nhiễm độc amiăng. Đây cũng là lần đầu tiên FDA công bố phát hiện amiăng trong sản phẩm.

 

Phấn rôm trẻ em chứa amiăng: Nghe ai, tin ai?

Lần đầu tiên J&J ra quyết định thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em – sản phẩm gắn liền với tên tuổi của J&J – do nghi ngờ nhiễm độc amiăng. Đây cũng là lần đầu tiên FDA công bố phát hiện amiăng trong sản phẩm.


 

 

Phấn rôm trẻ em chứa amiăng: Nghe ai, tin ai? - Ảnh 1.

Bà Krystal Kim, một trong các nguyên đơn trong vụ kiện mà Johnson & Johnson bị buộc chi trả số tiền 4,69 tỉ USD do phấn rôm nhiễm amiăng – Ảnh: THE NEW YORK TIMES

 

Theo Hãng tin Reuters, Công ty Johnson & Johnson (J&J) quyết định thu hồi lô sản phẩm phấn rôm trẻ em Johnson’s Baby Powder gồm 33.000 chai ngày 18-10, một ngày sau khi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ phát hiện chất amiăng gây ung thư trong một chai phấn rôm của J&J mua trên mạng.

Đây là lần đầu tiên J&J ra quyết định thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em – sản phẩm gắn liền với tên tuổi của J&J – do nghi ngờ nhiễm độc amiăng. Đây cũng là lần đầu tiên FDA công bố phát hiện amiăng trong sản phẩm.

FDA bảo vệ Kết quả kiểm nghiệm

J&J cho biết họ nhận được thông báo từ FDA ngày 17-10 về việc sản phẩm có chứa amiăng và đã cho thu hồi lô sản phẩm này ngay lập tức. Công ty cũng đang rà soát lại hồ sơ về quá trình sản xuất, phân phối để xác định các sản phẩm trong lô hàng đã được bán đi những đâu.

Đồng thời, J&J làm việc với FDA về tính nguyên vẹn của lọ phấn rôm được dùng là mẫu kiểm nghiệm và các yếu tố liên quan đến chất lượng và độ tin cậy của kết quả.

Bà Nicholson – đại diện của J&J – cho biết: loại amiăng FDA phát hiện trong chai phấn không có mặt trong khu mỏ cung cấp nguồn nguyên liệu (talc – bột tan) cho công ty.

Theo bà Nicholson, chất amiăng được phát hiện có thể do xâm nhập từ môi trường bên ngoài, phổ biến trong vật liệu xây dựng và phụ gia công nghiệp. J&J khẳng định còn quá sớm để kết luận liệu có xảy ra nhiễm bẩn vào mẫu, từ đó gây ra dương tính giả, mẫu có được lấy trong chai còn nguyên niêm phong, được chuẩn bị trong môi trường có kiểm soát hay không.

Tại thời điểm này, J&J chưa xác nhận liệu sản phẩm được FDA thử nghiệm là sản phẩm chính hãng hay hàng giả mạo. Bà Nicholson cho biết: “Do đó, chúng tôi phải kiểm tra kỹ về mẫu để xác định nguồn gốc của chất amiăng”.

Theo J&J, hàng ngàn sản phẩm mà công ty vừa tự nguyện thu hồi chỉ liên quan tới lô hàng số hiệu 22318RB được sản xuất và xuất xưởng tại Mỹ trong năm 2018. Phía FDA bảo vệ độ tin cậy của kết quả kiểm nghiệm đã công bố và khuyến cáo người dùng ngưng sử dụng các sản phẩm phấn rôm trẻ em thuộc lô hàng nói trên.

Thông báo của FDA cho biết mẫu kiểm nghiệm mới nhất được thu thập trong quá trình kiểm tra amiăng trong mỹ phẩm mà cơ quan này bắt đầu theo dõi và báo cáo trong năm 2019. FDA cũng xác nhận một mẫu bột phấn rôm trẻ em thứ hai hiệu Johnson’s Baby Powder lấy từ một lô hàng khác cho kết quả âm tính với amiăng.

Bột tan và Amiăng

Talc – bột tan là một khoáng chất tự nhiên có chứa magiê, silicon, oxy và hydro. Về mặt hóa học, bột tan là một silicat magiê thủy tinh có công thức hóa học là Mg3Si4O10(OH)2. Theo công bố ngày 18-10 của FDA, bột tan có nhiều công dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Nó được sử dụng để hấp thu độ ẩm, ngăn ngừa tình trạng đóng bết trong phấn trang điểm, hoặc để cải thiện cảm giác về sản phẩm (cảm giác láng mượt). Bột tan trong phấn rôm trẻ em có tác dụng hút ẩm và giảm ma sát, ứng dụng để chống hăm tã cho trẻ nhỏ ở các vùng da dễ hầm hơi như cổ, nách, bẹn và mang lại cảm giác về một làn da em bé mềm như lụa.

Các tài liệu khoa học được xuất bản từ những năm 1960 đã nghi ngờ về liên hệ có thể có giữa việc sử dụng phấn có chứa bột tan và tỉ lệ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, FDA xác nhận những nghiên cứu này đã không đưa ra kết luận thuyết phục về khả năng này hoặc nếu có thì rủi ro đó do yếu tố nào gây ra. Hiện FDA Mỹ đang nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa có kết luận.

Amiăng cũng là một khoáng chất silicat có trong tự nhiên. Tuy nhiên, không giống như bột tan, amiăng đã được chứng minh là chất gây ung thư trung biểu mô, một bệnh ung thư của lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng. Theo FDA, có khả năng bột tan bị nhiễm amiăng.

Từ năm 2003, nguyên liệu bột tan trong phấn rôm trẻ em Johnson’s Baby Powder bán ở Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhà cung cấp Imerys Talc America, một thành viên của Công ty Imerys SA (trụ sở tại Paris) cũng là bị đơn trong các vụ kiện dính líu đến bột tan. Cả Imerys và J&J đều khẳng định bột tan xuất xứ từ Trung Quốc của họ là an toàn.

Tháng 2-2019, Imerys Talc America nộp đơn xin phá sản sau hàng loạt vụ kiện cáo buộc bột tan nhiễm amiăng gây ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô. Khoảng 90% các trường hợp mắc ung thư trung biểu mô là do phơi nhiễm amiăng. Đối với ung thư buồng trứng, liên kết nghi ngờ các phụ nữ dùng phấn trẻ em để vệ sinh cá nhân.

Điều tra của Reuters khẳng định J&J biết về sự có mặt của amiăng từ lâu nhưng cố tình che giấu. Cụ thể, hồ sơ nội bộ của công ty, lời khai trước tòa và các bằng chứng khác cho thấy chí ít là từ năm 1971 đến đầu những năm 2000, đôi khi, bột tan thô và bột thành phẩm của J&J có dương tính với một lượng nhỏ amiăng.

Giám đốc điều hành, quản lý mỏ, đội ngũ nhà khoa học, bác sĩ và luật sư của công ty đều quan ngại về vấn đề này và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên J&J không báo cho cơ quan quản lý và công chúng. Công ty liên tục khẳng định sản phẩm bột phấn rôm trẻ em của mình là an toàn và các kiểm nghiệm trong hàng thập kỷ đã chứng minh các sản phẩm của công ty không chứa amiăng và không gây ung thư.

Theo J&J, kiểm nghiệm của FDA vừa công bố phát hiện lượng amiăng trắng không lớn hơn 0,00002%. Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có ngưỡng tiếp xúc an toàn với amiăng. Mặc dù phần đông người tiếp xúc với amiăng không bị ung thư, với một số khác, chỉ cần tiếp xúc với một lượng nhỏ amiăng cũng đủ để gây bệnh cho họ trong nhiều năm về sau.

Phấn rôm trẻ em chứa amiăng: Nghe ai, tin ai? - Ảnh 2.

Phấn rôm trẻ em của Johnson & Johnson vướng nhiều lùm xùm – Ảnh: REUTERS

Hơn 15.000 vụ kiện

Đến nay, J&J đang đối mặt với hơn 15.000 vụ kiện từ người tiêu dùng, cáo buộc các sản phẩm phấn bột, trong đó có phấn rôm trẻ em Johnson’s Baby Powder, gây ung thư. Hàng ngàn đơn kiện chống lại J&J đã được tập hợp và trình lên tòa án liên bang ở bang New Jersey, nơi có trụ sở chính của J&J.

Thẩm phán đang xem xét khiếu nại của J&J về việc hủy tư cách nhân chứng là chuyên gia của nguyên đơn gồm người đứng đầu một phòng thí nghiệm đã kiểm tra amiăng. Nhân chứng này đã xuất hiện trong các phiên tòa trước đó khai rằng ông phát hiện có amiăng trong phấn rôm của J&J.

Larry Biegelsen – chuyên gia phân tích của Ngân hàng Wells Fargo (trụ sở ở Mỹ) – bình luận việc thu hồi sản phẩm có thể là khuyến khích nhiều người nộp đơn kiện J&J hơn, buộc công ty phải đi đến thỏa thuận lớn hơn với các nguyên đơn.

Jared Holz – chiến lược gia về chăm sóc sức khỏe của Công ty Jefferies – nhận định J&J đã thiệt hại khoảng 10 tỉ USD giá trị thị trường do những vụ lùm xùm liên quan đến bột tan nhiễm amiăng nhiều năm qua.

Theo Hãng tin UPI, cổ phiếu của J&J trong ngày 18-10 đã mất giá 6,23%. Tại sao J&J phải khổ sở với mặt hàng này đến thế khi nó chiếm chưa đến 1% doanh số chung, dự báo doanh số trong năm 2019 của J&J là 82 tỉ USD? Theo Reuters, J&J xem phấn rôm trẻ em là đại sứ cho thông điệp về sự chăm sóc cẩn thận tuyệt vời mà công ty đại diện.

Tháng 7-2019, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra về J&J để xác định liệu công ty có cố tình lừa dối công chúng về sự có mặt của sợi amiăng trong phấn rôm hay không. Tuy nhiên, cuộc điều tra này sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành nên có thể cũng kéo dài thỏa thuận bồi thường của những nguyên đơn với J&J.

Trong số các vụ kiện, tháng 7-2018, bồi thẩm đoàn tại Missouri (Mỹ) yêu cầu J&J trả số tiền kỷ lục là 4,69 tỉ USD cho 22 phụ nữ đã cáo buộc sản phẩm phấn bột của công ty bị nhiễm amiăng, khiến họ bị ung thư buồng trứng. Theo Reuters, đến nay, đây là bản án nặng nhất trong các bản án liên quan đến các đơn kiện về phấn rôm chứa bột tan của J&J.

Một nguyên đơn, bà Terry Leavitt cho biết mình dùng sản phẩm phấn rôm trẻ em của J&J nhãn hiệu Shower to Shower bán những năm 1960-1970. Bà phát hiện mình bị u trung biểu mô năm 2017.

Bồi thẩm đoàn nhận định các sản phẩm phấn rôm của J&J mà Leavitt sử dụng có khiếm khuyết. Công ty đã không cảnh báo cho người tiêu dùng về các rủi ro sức khỏe có thể có của sản phẩm. Tháng 12-2018, J&J thất bại trong mục tiêu đảo ngược phán quyết của tòa nhưng khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo.

Trong số 11 vụ kiện đã xử về sự có mặt của amiăng trong phấn rôm của J&J, ba trường hợp nguyên đơn thắng, J&J cũng thắng ba trường hợp, năm trường hợp ban bồi thẩm không thể đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bộ Y tế xem xét yêu cầu kiểm tra sản phẩm Johnson & Johnson

Trao đổi với TTCT, đại diện của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết: cơ quan này đang xem xét yêu cầu kiểm tra sản phẩm Johnson & Johnson nhập khẩu vào VN, sau khi lô bột phấn Johnson Baby của hãng này bị tạp nhiễm amiăng và phải tự nguyện thu hồi tại Mỹ.

Vị đại diện này cho biết ngay sau khi có tin sản phẩm bị thu hồi tại Mỹ, cục đã yêu cầu hãng báo cáo.

Thông tin từ nhà sản xuất cho biết kết quả kiểm nghiệm lô sản phẩm phải tự nguyện thu hồi tại Mỹ (Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ kiểm tra) cho thấy amiăng trong sản phẩm chỉ ở mức độ vết, lô hàng này chỉ có ở thị trường Mỹ, các thị trường khác kể cả ở VN không lưu hành lô sản phẩm này.

 

L.ANH

 

HỒNG VÂN