06/10/2024

Nghề ‘cảm hoá’ người nghiện

Bà Trần Ngân Hoa nổi tiếng ở con phố này đã mấy chục năm nay. Gia đình nào không may có người nghiện đều tìm đến nhờ bà ‘cảm hoá’.

 

Nghề ‘cảm hoá’ người nghiện

Bà Trần Ngân Hoa nổi tiếng ở con phố này đã mấy chục năm nay. Gia đình nào không may có người nghiện đều tìm đến nhờ bà ‘cảm hoá’.  
 
Bà Trần Ngân Hoa và những hồ sơ theo dõi người nghiện trên địa bàn /// Ảnh: Vũ Thơ

Bà Trần Ngân Hoa và những hồ sơ theo dõi người nghiện trên địa bàn   Ảnh: Vũ Thơ

 
Những người nghiện ma tuý thường bị xã hội xa lánh, kỳ thị, thế nhưng có những phụ nữ vẫn kiên trì gần gũi để cảm hoá, giúp họ thoát khỏi lầm lỡ và trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Đó là những phụ nữ ở các đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn TP.Hà Nội. Công việc của họ không ít gian nan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng họ vẫn thầm lặng cống hiến, để mang lại cuộc sống bình yên cho nhiều gia đình.

Liều mình giải cứu “con tin”

Đến phố Nguyễn Siêu (P.Hàng Buồm, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi thăm bà Trần Ngân Hoa, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện, thì ai cũng biết vì bà nổi tiếng ở con phố này đã mấy chục năm nay. Gia đình nào không may có người mắc nghiện đều tìm đến nhờ bà “cảm hoá”. Người dân và chính quyền P.Hàng Buồm còn nhớ mãi vụ bà Hoa đã giải cứu thành công một em bé bị bố là một người nghiện giữ làm “con tin” khi mâu thuẫn với vợ.

Gia đình vẫn là nền tảng quan trọng nhất. Muốn họ cai nghiện thì gia đình cũng phải phối hợp mới thành công

Bà Trần Ngân Hoa

Cháu bé đó là con anh Nguyễn Trọng H. ở phố Nguyễn Siêu, một người nghiện nặng trên địa bàn. Bà Hoa kể, do mâu thuẫn với vợ nên anh H. khóa cửa giữ đứa con 10 tháng tuổi trong nhà, không cho vợ vào. “Hôm ấy, trời vừa mưa vừa rét, vợ H. đến gặp tôi cầu cứu: “Cô ơi con lo quá, con vừa đun một phích nước sôi, nhỡ tối chồng con lên cơn nghiện mà con bé đói quờ quạng phải phích nước hay nghịch vào ổ điện thì không biết chuyện gì xảy ra”. Nhưng khi ấy tôi cũng không thể nào tiếp cận được với H. vì điện thoại thì bị ngắt, cửa bị khóa và chắn ghế, không tài nào vào được. Tôi gọi cảnh sát khu vực, nhưng họ cũng không tiếp cận được”, bà Hoa kể.
Nghề “cảm hóa” người nghiện

Bà Trần Ngân Hoa (đầu tiên bên trái) trong một lần đưa những người nghiện tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ B93 của phường   Ảnh: NVCC

“Tôi lo quá, mất ngủ cả đêm. Sáng sớm, tôi gọi cho chủ tịch phường báo cáo sự việc và xin phép cho cộng tác viên dân số và trẻ em đến, mời công an đến lập biên bản…”, bà Hoa kể tiếp. Nhưng may mắn trong khi chờ đủ ban bệ xuống, thì bà Hoa về qua đó lại thấy cửa nhà anh H. hé mở. “Tôi gọi ngay cho tổ trưởng tổ dân phố thông báo và vào thẳng nhà H. nói đến thăm cháu bé, coi như không biết việc gì xảy ra. Khi ôm được cháu bé rồi, tôi mới hỏi chuyện gia đình và khuyên H. phải gọi vợ về để chăm con, nếu không tôi sẽ bế đứa bé đi. Lúc đầu H. bảo chết cũng không gọi… Sau đó, tôi đã khuyên giải, gọi cho vợ H. về và giao lại con cho hai vợ chồng. Cháu bé giờ đã lớn, vừa thi đỗ vào cấp ba rồi”, bà Hoa kể.
Hỏi vì sao bà lại liều mình vào bế cháu bé trong nhà một “con nghiện” như vậy, bà Hoa nói: “Tôi coi H. như con mình, mọi chuyện buồn vui của H. tôi đều biết hết”. Rồi bà cho hay, H. từng có một đời vợ và hai người có 1 đứa con, nhưng do anh dính nghiện nên vợ chồng bất hòa và tan vỡ. “Tôi không nhớ H. đi cai nghiện bao nhiêu lần, cứ ra rồi lại vào. Đến khi lấy vợ thứ hai, H. cũng nghị lực và nhiều lần đi cai nhưng rồi cũng không biết bao nhiêu lần tái nghiện”, bà Hoa kể. Và mỗi lần anh H. tái nghiện là mỗi lần bà Hoa lại là người phát hiện để khuyên anh đi cai. Có lần, vợ anh chán muốn bỏ chồng thì bà cũng là người động viên và “bày mưu tính kế” giúp chị giữ chân chồng ở nhà, không để anh bị chúng bạn rủ rê mà quay lại con đường cũ. Nhờ sự tận tâm theo dõi, chăm lo “quản thúc” của bà Hoa mà đến nay anh H. đã từ bỏ ma túy được 7 – 8 năm.

20 năm khóc cười cùng người nghiện

Với tình thương và trách nhiệm, suốt 20 năm qua, bà Hoa đã giúp được hàng chục người cai nghiện thành công. Năm nay đã bước sang tuổi 73 nhưng bà vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn của một cán bộ năng nổ và tâm huyết. Dẫn chúng tôi lên căn gác nhỏ nhà mình, bà Hoa mang ra một đống hồ sơ, sổ sách mà bà ghi chép để theo dõi về tình trạng của những người nghiện trên địa bàn. “P.Hàng Buồm trước đây có hơn 100 người nghiện. Đó là con số của phường quản lý thôi, còn thực tế “con nghiện” ở các phố khác đến ngồi ngất ngưởng đầy vỉa hè. Nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 14 người”, bà Hoa kể. Bà cho biết, con số giảm đi đó, có cả những người đã chết, người bỏ đi khỏi địa bàn, còn số bà giúp cai được chỉ khoảng hơn 10 người. “Việc cảm hóa một người nghiện vô cùng khó khăn, vì họ cai rồi lại nghiện, có người cai tới chục lần mới thành công”, bà Hoa tâm sự.
Hơn 20 năm làm công tác xã hội tình nguyện, bà Hoa đã nhận được hơn 60 bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành về việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Nhiều năm bà được UBND TP.Hà Nội tuyên dương Người tốt việc tốt và được Công an TP.Hà Nội tặng kỷ niệm chương Vì an ninh Tổ quốc.
Và điều bà nhớ nhất trong 20 năm làm nghề “cảm hoá” của mình không phải là những trường hợp thành công mà là những khi thất bại. “Đó là một phụ nữ nhà ở phố Hàng Buồm, cả 3 mẹ con đều mắc nghiện. Cô gái này là thành phần “cộm cán” của khu vực, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến giới nghiện nữ nên nhận giúp đỡ. Tôi đã gian nan thuyết phục được cô ấy tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ B93 (CLB dành cho những người nghiện) của phường, với hy vọng là sẽ quyết tâm cai nghiện để làm gương cho các con. Nhưng sau đó cô ấy bị bắt vì buôn bán thuốc phiện, hai đứa con cũng phiêu bạt không biết đi đâu”, bà Hoa ngậm ngùi kể.
Và còn một vài trường hợp nữa bà cũng bất lực do gia đình bao che. “Có một thanh niên ở phố Hàng Chĩnh đẹp trai lại hát rất hay, đóng kịch giỏi. Khi mới phát hiện mắc nghiện, tôi vận động gia đình cho đi cai nhưng bà mẹ vẫn không muốn để giữ sĩ diện với mọi người, vì vậy nó đã bán đến cả đèn thờ của gia đình, và ăn cắp xe đạp để mua thuốc…”, bà Hoa kể đầy tiếc nuối. Bà bảo, nghĩ đến những trường hợp đó bà thường mất ngủ vì không có cách nào cứu được. “Gia đình vẫn là nền tảng quan trọng nhất. Muốn họ cai nghiện thì gia đình cũng phải phối hợp mới thành công”, bà Hoa chia sẻ.

“Tôi coi bà Hoa như mẹ mình”

Nói về cơ duyên đến với đội tình nguyện, bà Hoa kể: “Trong một lần đi dự hội nghị về ma túy, tôi được tặng chiếc áo do các cháu ở trung tâm cai nghiện may tặng. Tôi rất cảm động, và từ đó quyết tâm giúp đỡ những thanh niên lầm lỡ”. Trong 20 năm qua, trên địa bàn mình phụ trách, có bao nhiêu đối tượng, tính cách, hoàn cảnh ra sao, bà Hoa đều thuộc lòng, rồi tận tình, không quản thời gian sớm tối để theo sát và cảm hóa họ bằng tình yêu thương. Vì thế mà có nhiều người trên địa bàn đã cai nghiện thành công và có một cuộc sống bình yên bên gia đình như: anh H. (đã nói ở trên), anh Nguyễn Mạnh C. (phố Phát Lộc), anh Lê Văn T. (phố Mã Mây), anh Nguyễn Văn M. (phố Tạ Hiện)…
Trong đó, anh H. là một trong những trường hợp được bà cảm h bền bỉ nhiều năm liền; hiện anh không chỉ từ bỏ được ma túy mà còn tình nguyện đến giúp đỡ những người cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc (H.Yên Thuỷ, Hoà Bình).
Chia sẻ với tôi, H. cho biết trong nhiều lần cai nghiện thì bài thuốc của cơ sở Tiêu Vĩnh Ngọc là hiệu quả nhất, nên bây giờ anh làm việc tại đây để giúp đỡ những người nghiện cùng cảnh ngộ như mình thoát khỏi sự hành hạ của ma túy. Kể về bà Hoa, anh H. xúc động nói: “Tôi coi bà Hoa như mẹ của mình. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tái nghiện nhưng nhờ sự động viên, theo sát của bà mà tôi đã cai nghiện thành công”.(còn tiếp)
VŨ THƠ