26/11/2024

Ngày kính lão ở Nhật Bản và bài toán dân số già

16-9 năm nay là Ngày kính lão (Keirō no Hi) ở Nhật Bản. Số người già Nhật Bản hiện chiếm hơn 28% dân số. Trước tình trạng già hoá dân số nghiêm trọng, các lao động nước ngoài ngày càng giữ vị trí quan trọng.

 

Ngày kính lão ở Nhật Bản và bài toán dân số già

16-9 năm nay là Ngày kính lão (Keirō no Hi) ở Nhật Bản. Số người già Nhật Bản hiện chiếm hơn 28% dân số. Trước tình trạng già hoá dân số nghiêm trọng, các lao động nước ngoài ngày càng giữ vị trí quan trọng.
 


Ngày kính lão ở Nhật Bản và bài toán dân số già - Ảnh 1.

Những người cao tuổi tập luyện trên sân một ngôi đền ở thủ đô Tokyo để chào mừng Ngày kính lão – Ảnh: AFP

 

Đây là ngày lễ được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những công dân cao tuổi. Kể từ năm 2003, Ngày kính lão được tổ chức vào ngày thứ hai lần thứ 3 của tháng 9. Trước đó, ngày này được tổ chức vào ngày 15-9 kể từ khi bắt đầu như một ngày lễ quốc gia vào năm 1966.

Trước đó một ngày, ngày 15-9, chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu cho thấy người già chiếm tới 28,4% dân số Nhật Bản và chiếm 12,9% lực lượng lao động của nước này trong năm 2018 – những con số mới cao kỷ lục, theo hãng tin AP.

Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản cho biết số công dân Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên đã lên tới 35,88 triệu người, tăng 320.000 người so với năm trước. Hiện Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Tỉ lệ người cao tuổi tại Nhật Bản vẫn cao hơn tại Ý (dân số già thứ 2 thế giới với tỉ lệ số người già là 23%) và Bồ Đào Nha (dân số già thứ 3 thế giới với tỉ lệ người già chiếm 22,4%).

Trong khi đó, số người Nhật từ 90 tuổi trở lên là 2,31 triệu. Con số này đã bao gồm 71.238 người từ 100 tuổi trở lên. Những người từ 100 tuổi trở lên đa phần là phụ nữ, chiếm tới 88,1%.

Cụ bà Kane Tanaka, công dân 116 tuổi đến từ thành phố Fukuoka, là người Nhật già nhất. Sinh vào tháng 1-1903, bà cũng được Sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là người còn sống cao tuổi nhất thế giới.

Viện nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản cho biết người già nước này sẽ chiếm tới 30% dân số vào năm 2025 và tới 35,3% vào năm 2040.

 

Tỉ lệ người cao tuổi Nhật Bản vẫn còn làm việc tiếp tục tăng năm thứ 15 liên tiếp khi đất nước Đông Á này đối mặt với tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Trong số 8,62 triệu người cao tuổi đang đi làm, có tới 3,5 triệu người là phụ nữ.

Ngành công nghiệp bán sỉ và lẻ là nơi thuê số người già nhiều nhất, với 1,27 triệu lao động cao tuổi. Theo sau đó là nông lâm nghiệp, với 1,07 triệu lao động cao tuổi.

Theo báo South China Morning Post, Nhật Bản đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khi số tuổi dân số quốc gia và số người chết ngày càng nhiều hơn số trẻ được sinh ra.

Năm 2018, có 921.000 trẻ được sinh ra, thấp hơn ngưỡng 1 triệu cần thiết để duy trì sự ổn định dân số năm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, hơn 1,36 triệu người chết, tăng năm thứ 6 liên tiếp. Đầu năm 2019, dân số Nhật Bản là 124 triệu người – ít hơn 433.239 người so với năm trước đó.

Trước tình trạng này, người nước ngoài được kỳ vọng sẽ lấp vào khoảng trống lao động ở nước này. Tính tới tháng 7 năm nay, có 2,66 triệu người nước ngoài đang sống ở Nhật Bản. Con số này tăng khoảng 170.000 người so với năm trước.

Sau 5 năm tăng liên tục, số lao động nước ngoài này hiện chiếm tới 2,09% dân số Nhật Bản. Các lao động nước ngoài ở Nhật Bản chủ yếu đến từ khu vực châu Á. Ba quốc gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

 

 

BÌNH AN