10/01/2025

Vay nóng, còn bao nhiêu cái chết nữa?

Có lẽ sẽ còn nhiều người bỏ nhà trốn nợ, nhiều vụ tự tử liên quan đến vay nóng, vay tiền “nhanh như chớp” hiện nay. Hàng loạt chiêu thức mời gọi người vay vẫn đang được thực hiện rầm rộ khắp nơi.

 

Vay nóng, còn bao nhiêu cái chết nữa?

Có lẽ sẽ còn nhiều người bỏ nhà trốn nợ, nhiều vụ tự tử liên quan đến vay nóng, vay tiền “nhanh như chớp” hiện nay. Hàng loạt chiêu thức mời gọi người vay vẫn đang được thực hiện rầm rộ khắp nơi.


 

Vay nóng, còn bao nhiêu cái chết nữa? - Ảnh 1.

“Chết là hết”, nhiều người chọn cái chết không chỉ để thoát nợ mà còn để thoát khỏi sự xấu hổ cùng các kiểu áp lực tinh thần bủa vây.

Những cái chết… giải thoát

Một gia đình ba người ở quận Thủ Đức, TP.HCM phải tự tử khi thiếu nợ 30 triệu đồng vào năm 2017, vì sao họ phải chọn cách này? Tại sao chỉ với số nợ 70 triệu đồng và 300.000 đồng tiền lãi mà cả gia đình bốn người ở Hà Tĩnh lại tự tử vào tháng 10-2018?

Và đây là câu chuyện từ một người từng chọn cái chết để giải thoát nhưng bất thành. Chị N.T.N.T. (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã chọn cách nhảy cầu tự tử nhưng được cứu sống hồi tháng 5 vừa qua, chị vay 100 triệu đồng nhưng bị tính luôn lãi lên đến 570 triệu đồng. Nhóm cho vay liên tục trấn áp tinh thần, chặn đường lấy xe cấn nợ… 

Khi chị được cứu, nhóm đòi nợ còn hăm dọa chồng chị nếu không trả tiền sẽ bắt con, phải chạy vạy kiếm 20 triệu đồng trả cho họ. Nhóm cho vay đã bị Công an TP Nha Trang bắt giữ lúc nhận tiền từ chồng chị T..

Anh N.V.L. (quận Thủ Đức, TP.HCM) có vay khoản tiền 2 triệu đồng từ một app vay tiền, số tiền thực nhận chỉ là 1.250.000 đồng. Tới ngày, anh chưa kịp thanh toán đúng hẹn, nhân viên của app này đã không tiếc những lời lẽ nặng nề nhất mắng chửi anh. “Đó là một cô gái, cô ấy dùng những lời lẽ chửi bới đến tận những người đã chết trong nhà tôi” – anh L. nói. 

Tôi đã được nghe ghi âm cuộc gọi nặng nề này và thật sự cảm thấy rùng mình với những ngôn từ của cô gái (nghe giọng vẫn còn trẻ kia). Mọi từ ngữ thậm tệ nhất, cô nhân viên đã thốt ra với anh L. đến nỗi “người chết cũng muốn đội mồ sống dậy”, chỉ với khoản nợ 2 triệu đồng đã như vậy…

Và trăm kiểu cho vay

 

Người quen của tôi, chị Nguyễn Thị H. (Bình Dương) vay 6 triệu đồng từ một app điện tử để gửi về quê chữa bệnh cho con, số tiền thực nhận là 4.300.000 đồng. Đến tháng, công ty chị chậm lương, không kịp trả, bị phạt gốc và lãi lên đến hơn 7 triệu đồng.

Ốm đau bệnh tật, cần tiền kinh doanh hay thậm chí là công ty nợ lương nhưng phải gửi tiền về nhà… Những lời quảng cáo êm tai tràn ngập, chỉ cần một cuộc gọi, vài dòng thông tin cơ bản trên máy, tiền sẽ đến tay. Vậy nên ai cũng chọn ngay thay vì phải đi năn nỉ bạn bè giúp.

Những người cho vay lãi suất cao luôn sẵn sàng hỗ trợ nhiệt tình những người có nhu cầu, và cách đòi tiền cũng “nhiệt tình” không kém. Vay bằng sim điện thoại, ảnh cavet xe, bảng lương, sổ bảo hiểm…, thậm chí chỉ cần đưa thẻ ATM là có tiền.

Không khó để bắt gặp một người cầm rất nhiều thẻ ATM ra trụ rút tiền sau ngày lãnh lương của công ty nào đó. Đó là những người cho vay bằng kiểu giữ thẻ ATM. Anh P.N.A. (Bình Dương) đang nằm viện, cần 15 triệu đồng chữa bệnh nên vay từ người trong công ty với mức lãi suất 15%/tháng. 

Anh vay gần một năm nay nhưng chưa trả được, tháng nào họ cũng rút tiền lãi bằng thẻ của anh, anh phải mang CMND ra ngân hàng rút phần tiền còn lại. Nghe câu chuyện của anh mới hiểu nỗi niềm của sự bức bối, bí lối của những người mắc nợ, bị xiết nợ giữa thời buổi vay nóng lãi suất cao đã vào đến công xưởng.

Biết bao người bỏ nhà trốn nợ, bao nhiêu gia đình sống dở chết dở vì bị đòi nợ phải cầu cứu đến cơ quan chức năng? Cứ sau một vụ tự tử vì nợ vay nóng lại nghe câu hỏi “dẹp được không?”. Có người lại hỏi sao không vay ngân hàng trả, sao không nhờ người nhà giúp đỡ mà phải vay nóng… Điều này chỉ có người trong cuộc mới rõ. Còn thực tế ngày càng nhiều kiểu đòi nợ rùm beng, khủng bố tinh thần, làm phiền đến người thân, đồng nghiệp của người vay nợ.

Các kiểu cho vay ngày càng dễ dàng, nhanh chóng đang là thách thức trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự xã hội.

Thời vay nóng tiếp thị siêu mạnh

Tờ rơi cho vay tiền “nhanh như chớp” phát đầy đường, dán khắp nơi. Chỉ cần gọi một cuộc, sau đó gửi hình ảnh và thông tin cần thiết qua Zalo, Facebook…, hơn một giờ đồng hồ sẽ nhận được tiền qua tài khoản hoặc tại nhà. Nếu người ta nói sữa là sản phẩm chi nhiều cho quảng cáo nhất thì có thể còn thua xa dịch vụ này. Từ phát tờ rơi, gửi tin nhắn điện thoại, tin nhắn Facebook, Zalo, chạy YouTube, Google…, thậm chí cả trên một số báo.

Chưa bao giờ thấy một dịch vụ nào được tiếp thị mạnh như vay nóng. Ai cũng biết đó là lãi suất quá mức cho phép, nhưng dịch vụ này vẫn rầm rộ tiếp thị công khai.

 

 

LÊ THẠC