Nan giải chuyện nước Anh Brexit: deal or no deal
Nếu quyết rời EU ‘cứng’ vào ngày 31-10, nước Anh sẽ mất tư cách thành viên của hàng chục cơ quan EU chi phối các quy tắc về mọi thứ, từ thuốc men đến nhãn hiệu thương mại của hàng hoá.
Nan giải chuyện nước Anh Brexit: deal or no deal
Nếu quyết rời EU ‘cứng’ vào ngày 31-10, nước Anh sẽ mất tư cách thành viên của hàng chục cơ quan EU chi phối các quy tắc về mọi thứ, từ thuốc men đến nhãn hiệu thương mại của hàng hoá.Trong vở bi kịch của Shakespeare, hoàng tử Đan Mạch Hamlet độc thoại “to be or not to be” để thể hiện sự băn khoăn trước số mệnh nan giải. Giờ không chỉ những người đồng hương của Shakespeare, mà cả khối EU cũng băn khoăn về Brexit: “deal or no-deal?” (thỏa thuận hay không thoả thuận).
Tới giờ, Thủ tướng Boris Johnson vẫn cam kết giữ nguyên ngày rời khối EU vào 31-10. Như vậy, hiện giờ Anh đang có hai kịch bản: một là “Brexit cứng” – như lời Thủ tướng Boris Johnson, Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào dù Viện Quý tộc (Thượng viện Anh) ngày 7-9 đã thông qua một đạo luật nhằm ngăn chặn điều này; hai là phe đối lập muốn gia hạn thời hạn Brexit.
Do vậy, để tránh Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10, Chính phủ Anh phải thông qua kế hoạch chia tay, đạt một gia hạn khác từ EU hoặc huỷ bỏ Brexit.
Hậu quả nhãn tiền
Với Brexit không thỏa thuận, Vương quốc Anh sẽ ngay lập tức rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan giữa các thành viên EU (không có kiểm tra và thuế đối với hàng nhập khẩu), rời khỏi các tổ chức EU như Toà Thượng thẩm châu Âu và cơ quan thực thi pháp luật Europol, chế độ bảo hiểm y tế châu Âu…
Nước Anh sẽ mất tư cách thành viên của hàng chục cơ quan EU chi phối các quy tắc về mọi thứ, từ thuốc men đến nhãn hiệu thương mại của hàng hóa.
Mặt khác, Anh sẽ không còn phải đóng góp cho ngân sách EU – khoảng 9 tỉ bảng mỗi năm – như hiện nay.
Theo The Guardian, tăng trưởng của nền kinh tế Anh đã giảm 0,2% ở quý gần đây nhất. Đây cũng là lần đầu tiên sau 7 năm nền kinh tế Anh suy giảm.
Theo ước tính của Tập đoàn tư vấn và kiểm toán KPMG, một Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn đến sự sụt giảm 1,5% trong nền kinh tế Anh vào năm tới và Anh rơi vào suy thoái, lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 5,5%, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 7% và lạm phát tăng lên 5,25%.
Với một Brexit không thỏa thuận, sẽ không có thời gian để đạt một thỏa thuận thương mại, dựa trên các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giữa Anh và EU.
Nếu điều này xảy ra, thuế quan – thuế đối với hàng nhập khẩu – sẽ được áp dụng cho hầu hết hàng hóa mà các doanh nghiệp Anh đưa sang EU, khiến hàng hóa của họ có khả năng mất đi tính cạnh tranh. Chính phủ Anh đã cho biết hầu hết các mức thuế sẽ được bãi bỏ đối với hàng hóa của EU đến Anh, nếu không có thỏa thuận. Có điều EU sẽ không phải làm như vậy.
Giao dịch theo các điều khoản của WTO cũng có nghĩa là hàng hoá sẽ bị kiểm tra tại biên giới, trong khi ngành công nghiệp dịch vụ của Anh sẽ mất quyền được bảo đảm vào thị trường EU. Thế nên các ngân hàng Anh đã chuyển một số hoạt động của họ từ London đến Frankfurt và Paris.
Muôn vàn nỗi lo
Søren Niegel, phó chủ tịch điều hành Tập đoàn thuốc đặc trị ALK của Đan Mạch, nói với báo Berlingske Business về sự dùng dằng giữa Brexit có “thoả thuận” và “không thỏa thuận”: “Đó là một sự không chắc chắn tạo ra một sự không chắc chắn khác”.
ALK vẫn duy trì nhà thầu phụ tại Anh, nhưng đã chuyển phần phân tích phát hành các viên thuốc của họ từ Anh sang Tây Ban Nha. Nếu không thì ALK sẽ không thể bán thuốc ở EU trong trường hợp Brexit không thoả thuận.
Tình trạng không chắc chắn là vô cùng nguy hiểm trong kinh doanh, nhất là đối với những quốc gia có nhiều quan hệ thương mại với Anh.
Số liệu của Cục Thống kê Đan Mạch cho thấy xuất khẩu của Đan Mạch sang Anh đã trở nên bấp bênh kể từ đầu năm 2018. Doanh số của một số công ty đã giảm, một số khác thì lại không đủ hàng cung cấp cho các doanh nghiệp Anh tích trữ.
Tuy nhiên, Brexit vẫn có mặt tích cực của nó. Quá trình hậu Brexit phức tạp khiến các đảng phái, phong trào chống EU tại Pháp, Ý, Hà Lan, Đan Mạch… đều tạm thời lắng xuống, chờ xem Anh sẽ xoay trở thế nào trong tương lai.
Quan trọng hơn là việc nền kinh tế lớn thứ hai trong khối quyết định rời đi khiến Brussels, dù thế nào, cũng phải nhìn lại mình. Viễn cảnh về một thị trường chung cho hầu hết các nước châu Âu thì thật tốt đẹp, nhưng với thời gian thì các vấn đề phức tạp dần nảy sinh, những bất đồng giữa các thành viên bộc lộ dần, thêm vào đó là sự thao túng của Đức và Pháp trong mọi chuyện.
Việc bốn nước Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovenia lập thành nhóm Visegrad, một liên minh trong lòng một liên minh, hẳn không phải chỉ vì tình hữu nghị mà thôi.
Đồng bảng Anh yếu dần…
Một nỗi lo nữa là trị giá của đồng bảng Anh sau Brexit. Nếu đồng bảng xuống giá mạnh thì hàng hoá nhập từ EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, sức mua sẽ giảm. Một số doanh nghiệp thì làm như Nestlé: giảm trọng lượng hộp kẹo Giáng sinh truyền thống của người Anh, Quality Street, từ 720gr còn 650gr.