10/01/2025

Niêm yết giá: không thể cứng nhắc

Quy định niêm yết giá phải bao gồm thuế, phí đang gây tranh luận. Lý do đơn giản vì tại nhiều nước và ngay tại VN, nhiều hãng lớn vẫn niêm yết giá không gồm thuế.

 

Niêm yết giá: không thể cứng nhắc

Quy định niêm yết giá phải bao gồm thuế, phí đang gây tranh luận. Lý do đơn giản vì tại nhiều nước và ngay tại VN, nhiều hãng lớn vẫn niêm yết giá không gồm thuế.


 

Niêm yết giá: không thể cứng nhắc - Ảnh 1.

Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines – cũng niêm yết giá vé chưa bao gồm thuế, phí trên trang web bán vé. Trong ảnh: khách hàng của Jetstar Pacific mua vé máy bay – Ảnh: T.T.D

 

Quy định thì dễ nhưng phù hợp, tạo đồng thuận và tổ chức thực hiện tốt để đúng thông lệ thế giới, lại giải quyết được bài toán né thuế, tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng… là không dễ.

Nếu hiểu theo quy định của nghị định 177/2013, giá bán hàng phải là giá đã bao gồm thuế, phí. Như vậy, tất cả hàng hóa trong siêu thị, món ăn trong nhà hàng, các quảng cáo bán xe hơi, hay các trang thương mại điện tử… sẽ đều phải niêm yết giá có thuế.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp không làm như vậy. Ngay tại các siêu thị, các cửa hàng thường xuyên bị kiểm tra, cơ bản đều niêm yết giá bán, sau đó khi tính tiền mới cộng thêm thuế VAT và phí, tiền vận chuyển (nếu có). Nhiều hãng bán hàng trực tuyến trên thế giới của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng không niêm yết giá bán đã gồm thuế.

Nếu hành vi sai có thể bị xử phạt, các hãng nổi tiếng về đặt phòng trực tuyến như Agoda sẽ bị cơ quan chức năng VN phạt bởi đang niêm yết giá ban đầu không gồm thuế trong phiên bản tiếng Việt; chỉ khi khách kích vào chọn sản phẩm, ở trang tiếp theo giá có thuế mới xuất hiện.

Éo le là ngay Vietnam Airlines – hãng vừa có văn bản “tố” Vietjet, Bamboo Airways niêm yết giá không đúng quy định khi không bao gồm thuế, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng… thì ngay chính tại hãng bay Jetstar Pacific – đơn vị mà Vietnam Airlines đang nắm quyền chi phối – cũng đang niêm yết giá vé không gồm thuế, phí. Vietnam Airlines đã chụp màn hình trang giới thiệu giá của các đơn vị này gửi kèm công văn tới Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhưng lại “quên” Jetstar Pacific.

 

Theo một chuyên gia hàng không, Vietnam Airlines “tố” như vậy khá lạ. Bởi trong lĩnh vực hàng không, có hai hình thức niêm yết giá được các hãng trên thế giới sử dụng phổ biến, là niêm yết tổng số tiền hành khách phải trả đã bao gồm thuế, phí, dịch vụ (gross fare) và niêm yết giá gốc (net fare). Cả hai hình thức trên đều đồng thời được sử dụng như thông lệ quốc tế và tất cả đều thể hiện tổng tiền mà khách hàng phải trả trước khi quyết định mua.

Không ít khách hàng bực mình khi thấy giá vé không gồm thuế, phí. Nhưng cũng có người cho rằng việc mặc định sản phẩm có thuế, phí là dễ hiểu, chẳng lẽ tất cả sản phẩm trong siêu thị, quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ… đều phải niêm yết giá có thuế, phí để tránh né thuế, trong khi nhiều hộ đang dùng thuế khoán?

Đã quy định là phải thực hiện. Tuy nhiên, các quy định cần tính đến thông lệ thế giới và đặc thù của VN, không nên quy định chung chung cho mọi loại đối tượng, tránh trường hợp quy định có nhưng hầu hết không tuân thủ. Điều này gây ra hiện tượng cứ có “chiến dịch” thì mọi người thực hiện, sau đó… thôi. Đặc biệt, nó cũng tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhảy vào thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, và đã thanh tra, kiểm tra là kiểu gì cũng có cái sai.

Đã đến lúc cần nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn về niêm yết giá. Không để tình trạng đa số làm sai nhưng hầu như không ai xử lý. Chỉ khi có sự vụ xảy ra mới thấy cơ quan chức năng nhảy ra kiểm tra, xử phạt, sau đâu lại hoàn đó.

 

 

TIẾN MẠNH