Thay đổi để DNNN làm ăn hiệu quả hơn
Từ nay trở đi phải làm thường xuyên, rõ ràng hơn để đảm bảo DNNN không đầu tư, làm ăn dàn trải, tràn lan
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế T.Ư
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp cao su VN, trăn trở tình trạng thời gian qua, những con sâu làm rầu nồi canh khiến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị “đánh đồng”, dư luận nhìn với con mắt thiếu thiện cảm. Thực tế, ngành cao su trong những năm qua ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phải đi đầu trong đầu tư vào Tây Bắc, Lào, Campuchia vì mục tiêu quốc phòng an ninh, lĩnh vực mà tư nhân không làm vì khó khăn. Tuy nhiên, cơ chế chính sách chưa đánh giá đúng, chưa có hỗ trợ đặc thù khiến DNNN cao su gặp không ít khó khăn. “Sau cổ phần hóa chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, chúng tôi mong muốn cơ chế chính sách phải thông thoáng hơn, để DN được giải phóng tốt nhất. Nhà nước phải ủy quyền, mạnh dạn giao trách nhiệm nhiều hơn cho tổ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN vì kinh doanh thay đổi từng ngày, từng giờ. Ai làm tốt thì nói tốt, ai không làm được thì xử lý và chịu trách nhiệm. Chứ như hiện nay người quản lý DNNN tâm lý bất an, lo lắng đề cao sự an toàn thì rất khó phát huy hiệu quả cao nhất”, ông Thuận chia sẻ.
Phó bí thư Đảng ủy VNPT Hoàng Đức Sơn băn khoăn, hiện nay VNPT hay các DNNN không chỉ tham gia sản xuất, kinh doanh với vai trò dẫn dắt, mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị như ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát, quốc phòng an ninh… Trên thực tế, dư luận nói đến yếu kém, làm ăn thua lỗ, rồi tất cả những bệnh tật gì mà xã hội đều nhìn vào mấy “ông” DNNN. Do đó, ông Sơn mong muốn cần có cái nhìn thiện chí hơn đối với khu vực DNNN, cùng với đó là cơ chế chính sách rõ ràng, đầy đủ để DNNN hoạt động, cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng.
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, trong lĩnh vực công nghệ viễn thông có VNPT, Viettel đã tạo ra hạ tầng mạng viễn thông hiện đại tương đương với thế giới; làm đầu tàu dẫn dắt các DN tư nhân. Ngành điện có EVN được thế giới đánh giá cao trong việc luôn đáp ứng đủ điện cho một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đồng thời là một trong những nước đi đầu trên thế giới về độ bao phủ điện với mạng lưới toàn quốc rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hay hàng không, trước kia chỉ có Vietnam Airlines, nhưng nhờ đầu tư sân bay, cụm cảng…, hiện hàng chục hãng hàng không tư nhân “trăm hoa đua nở” tham gia tạo sự cạnh tranh, giảm giá vé, người dân đi lại thuận lợi hơn. Trong lĩnh vực ngân hàng, từ 4 ngân hàng quốc doanh, nay đã có hàng chục ngân hàng cổ phần, hoạt động lành mạnh, an toàn. “DNNN cũng có những tồn tại bất cập. Điển hình là 12 dự án thua lỗ ngành công thương, vấn đề nằm ở khâu triển khai, thanh tra và giám sát chưa tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, vấn đề cần phải chỉ rõ hạn chế, yếu kém để sửa chữa, tái cơ cấu, thay đổi cho DNNN làm ăn hiệu quả, tốt hơn”, ông Bình khẳng định.
Khắc phục tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định, quan điểm của Đảng trong NQ12 rất rõ ràng: DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, NQ12 cũng tách bạch phân rõ vai trò, chức năng của chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý, chức năng quản trị DNNN nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trước kia. “Cha mẹ nào chẳng muốn con mình hay, che cái xấu, đẩy mạnh cái tốt. Mình quản lý nhà nước con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Thế là có đánh giá không đúng, không phản ánh kịp thời khó khăn vướng mắc của DNNN để xử lý từ trong trứng nước”, ông Bình ví dụ.
Về giải pháp, ông Bình cho biết thêm, Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; 5 năm, thậm chí hằng năm phải rà soát lại các DNNN, số lượng bao nhiêu, thực trạng ra sao, lĩnh vực nào then chốt, thiết yếu phải soi rọi lại. DN nào rơi vào lĩnh vực đã đặt ra thì phải giữ lại, DN nào phải cổ phần hóa, thoái vốn. “Từ nay trở đi phải làm thường xuyên, rõ ràng hơn để đảm bảo DNNN không đầu tư, làm ăn dàn trải, tràn lan”, ông Bình nói và lưu ý, đối với DN mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối thì tiến hành các giải pháp như cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, hoặc phá sản; còn những DN cần nắm giữ thì phải cơ cấu lại.
ANH VŨ