08/01/2025

Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam: Yêu sách phi lý và hành động ngang ngược

Các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông là “vô căn cứ” bất chấp luật pháp quốc tế, và hành động của họ đang “vi phạm thô bạo” vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

 

Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam: Yêu sách phi lý và hành động ngang ngược

Các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông là “vô căn cứ” bất chấp luật pháp quốc tế, và hành động của họ đang “vi phạm thô bạo” vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
 
 
 
 

Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép ở khu vực bãi ngầm Tư Chính /// Ngư dân cung cấp
Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc khảo sát trái phép ở khu vực bãi ngầm Tư Chính    Ngư dân cung cấp
 

 

Vi phạm thô bạo vùng biển Việt Nam

Những tháng qua, Trung Quốc tiếp tục leo thang trong chính sách “ngoại giao chiến hạm”, trong đó có hành động ngang nhiên đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng đội tàu hộ tống hùng hậu đến khảo sát trên diện tích 31.000 km² ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam đã giao thiệp và phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc thông qua tất cả các kênh đối ngoại, kể cả tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Dư luận thế giới cũng kịch liệt phê phán hành động xâm phạm nguy hiểm của Trung Quốc.
 
Việt Nam hoàn toàn có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, trong đó có khu vực bãi Tư Chính, căn cứ theo Công ước luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam cũng có căn cứ vững chắc về pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng, có lợi ích chung với cộng đồng quốc tế về gìn giữ hòa bình an ninh khu vực và tự do hàng hải trên Biển Đông. Ngược lại, các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông là “vô căn cứ” bất chấp luật pháp quốc tế, và hành động của họ “vi phạm thô bạo” vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
 
Dư luận quốc tế đang rất bất bình và lo ngại về hành động ngang ngược và nguy hiểm của Trung Quốc khi họ ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào khu vực bãi Tư Chính. Hành động của Trung Quốc là coi thường luật pháp quốc tế, biến khu vực thuộc chủ quyền của nước khác – nơi “không có tranh chấp” trở thành “khu vực tranh chấp”, vi phạm các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Yêu sách vô căn cứ

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực bãi Tư Chính xuất phát từ yêu sách phi lý về cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, cùng với yêu sách chủ quyền phi lý đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại không nêu ra được căn cứ pháp lý của “đường 9 đoạn” là gì, dựa trên cơ sở nào? Từ bản đồ “đường 9 đoạn” nêu trên, Trung Quốc đã đòi hỏi quyền “lịch sử” đối với 80 – 90% diện tích Biển Đông.
 
Trước năm 2009, Trung Quốc chưa chính thức nêu yêu sách về “đường 9 đoạn”, họ chỉ vẽ “đường 9 đoạn” và không giải thích tính chất pháp lý. Từ 2009, sau khi Trung Quốc chính thức nêu yêu sách về “đường 9 đoạn”, tất cả các nước liên quan ở Biển Đông đều đã chính thức phản đối. Thực tế, các chuyên gia pháp lý quốc tế và nhiều quốc gia liên quan đều nhận định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý hoặc chứng cứ xác đáng để đòi hỏi chủ quyền với vùng nước trong phạm vi “đường 9 đoạn” cũng như với toàn bộ các đảo ở Biển Đông. Mọi phân tích đều khẳng định “đường 9 đoạn” không thể biện hộ cho đòi hỏi của họ về “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông vì nó vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.
 
Đặc biệt trong phán quyết ngày 12.7.2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa trọng tài quốc tế cũng đã bác bỏ cơ sở pháp lý của “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đòi hỏi theo “đường 9 đoạn”. Luận cứ của tòa cụ thể như sau: Thứ nhất, chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên biển thuộc EEZ đã được hội nghị luật biển xem xét kỹ lưỡng nhưng không được chấp nhận trong UNCLOS – chỉ có quyền đánh cá truyền thống được thừa nhận ở mức độ hẹp với một số vùng vịnh và chỉ trong trường hợp nước ven biển không đánh bắt hết – quyền lịch sử đối với các tài nguyên khác như dầu khí, khoáng sản thì hoàn toàn bị bác bỏ trong công ước. Thứ hai, các “bằng chứng” về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông như “phát hiện”, “đánh cá”, “khai thác” từ xa xưa chỉ là các hoạt động khai thác thực hiện ở vùng biển quốc tế trước đây, khi toàn bộ Biển Đông bên ngoài phạm vi lãnh hải là vùng biển quốc tế và các nước đều được tự do khai thác. Các quyền “lịch sử” này đương nhiên mất đi khi UNCLOS có hiệu lực. Bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra cũng giống như các hoạt động khai thác mà Nhật và các nước khác đã làm trong quá khứ, và Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử nào xác định chủ quyền và quyền kiểm soát độc tôn của mình ở Biển Đông, và không cho phép nước khác khai thác. Trên cơ sở đó toà kết luận Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, ngoại trừ các quyền được công ước thừa nhận.
 
Trung Quốc đã liên tục xuyên tạc rằng bãi Tư Chính là “một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan” thuộc chủ quyền của nước này. Năm 1992, Trung Quốc ngang ngược ký hợp đồng thăm dò dầu khí trên bãi Tư Chính của Việt Nam với một công ty tư nhân của Mỹ là Crestone. Hợp đồng phi pháp này đã bị Việt Nam và cả Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối. Theo ABS-CBN, ông Antonio Carpio, Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines, mới đây đã phát biểu rằng việc Bắc Kinh tuyên truyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc là “tin giả của thế kỷ”, “lời nói dối lịch sử”; và “nếu họ lặp đi lặp lại luận điệu sai trái này mà chúng ta không bác bỏ sẽ có những người nghĩ đó là sự thật”.
 
Thực tế, Trung Quốc vẫn đang cố tình mập mờ coi các đảo đá và bãi ngầm ở Trường Sa là một thực thể thống nhất, có quyền được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa 200 hải lý như lãnh thổ đất liền theo UNCLOS. Tuy nhiên, điều 121(3) của công ước đã quy định “Những đảo đá không thích hợp cho con người định cư hoặc không có một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Thêm vào đó, Toà trọng tài trong vụ kiện trên đã chính thức công bố phán quyết có ý nghĩa lịch sử liên quan đến quy chế pháp lý của các đảo và bãi ngầm ở Trường Sa. Lần đầu tiên kể từ khi có Công ước luật Biển, một cơ quan tài phán quốc tế đã đưa ra phán quyết về áp dụng và giải thích điều 121 của công ước, đặc biệt liên quan đến các tranh chấp phức tạp và nhạy cảm ở Biển Đông. (còn tiếp)
 
 
 
Nguyễn Quý Bình
(Giảng viên Trường đại học Hà Nội; nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ ở Geneva, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye)
NGUYỄN QUÝ BÍNH