07/01/2025

Giúp người khuyết tật không bị… vô hình

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến – sáng lập và Giám đốc DRD – chia sẻ: Làm sao để người khuyết tật không vô hình nữa. Làm sao cho mọi người nhìn thấy, tiếp xúc với họ, từ đó thấu cảm và có những hành động thiết thực…

 

Giúp người khuyết tật không bị… vô hình

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến – sáng lập và Giám đốc DRD – chia sẻ: Làm sao để người khuyết tật không vô hình nữa. Làm sao cho mọi người nhìn thấy, tiếp xúc với họ, từ đó thấu cảm và có những hành động thiết thực…

 

 

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến (bìa trái) chia sẻ với các bạn trẻ về ý nghĩa cuộc thi /// Ảnh: Như Lịch

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến (bìa trái) chia sẻ với các bạn trẻ về ý nghĩa cuộc thi   Ảnh: Như Lịch

 

 

Từ nay đến ngày 24.11, Trung tâm khuyết tật và phát triển – DRD tổ chức cuộc thi làm phim ngắn về người khuyết tật. Với chủ đề ‘Chúng tôi hay Chúng ta’, cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn: Làm sao để người khuyết tật hòa nhập xã hội, để họ không còn bị lạc lõng và vô hình.

“Chỉ có chúng ta thôi!”

Theo Ban tổ chức cuộc thi, cho đến nay người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội cũng như tham gia những hoạt động mà người khác xem là hiển nhiên. Ước tính người khuyết tật chiếm khoảng 10% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 0,1% người khuyết tật tốt nghiệp đại học hay cao đẳng, 30% người khuyết tật có công ăn việc làm tạo được thu nhập.
 
Bên cạnh đó, rất nhiều người khuyết tật không có được dụng cụ hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Đại đa số người khuyết tật không sử dụng được các phương tiện giao thông công cộng hiện nay để có thể đi học hay đi làm. Đặc biệt, người khuyết tật rất thiếu môi trường hòa nhập bình đẳng và công bằng để trở thành một phần của xã hội.
 
Phát động cuộc thi, tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến – sáng lập và Giám đốc DRD – nêu thực trạng: “Tại Việt Nam, các bạn vào mấy công ty, cơ quan có thấy người khuyết tật không? Hầu như không thấy. Vô trường học có thấy người khuyết tật không? Hiếm lắm. Vô rạp chiếu phim hay khu vui chơi giải trí cũng cực kỳ hiếm thấy họ… Như vậy, rất nhiều người khuyết tật bị coi như vô hình”.
 
Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến tiếp tục chia sẻ: “Mong rằng những bạn tham gia cuộc thi làm sao để người khuyết tật không vô hình nữa. Làm sao cho mọi người nhìn thấy, tiếp xúc với họ, từ đó thấu cảm và có những hành động thiết thực. Làm thế nào để không có ai bị bỏ lại phía sau. Nếu giúp người khuyết tật thực sự hoà nhập xã hội thì sẽ không có khái niệm chúng tôi – những người khuyết tật lạc lõng. Thay vào đó, chỉ có chúng ta – một thế giới chung công bằng và bình đẳng cho mọi người mà thôi!”.
 
Giúp người khuyết tật không bị... vô hình - ảnh 1

Nhiều bạn trẻ quan tâm cuộc thi     Ảnh: Như Lịch

 

Theo tiến sĩ Hoàng Yến, cuộc thi này không chỉ dành cho người khuyết tật mà cũng là bước chuẩn bị cho những người “chưa khuyết tật”. Bởi trong cuộc sống hiện nay, không thể lường hết những tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bệnh tuổi già… có thể khiến bất cứ ai trở thành người khuyết tật. Khi đó, nếu không được chuẩn bị sẵn (nhất là về mặt tâm lý, tinh thần) thì những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, đặc biệt là tự tử.

Chạm tới trái tim theo hướng tích cực

Cuộc thi làm phim ngắn về người khuyết tật “Chúng tôi hay Chúng ta” có sự hỗ trợ của Ban cố vấn gồm một số đạo diễn, diễn viên nổi tiếng.
 
Nhiều bạn trẻ thắc mắc các vấn đề liên quan cách thực hiện tác phẩm dự thi, như: ý tưởng, kỹ thuật, thông điệp… và đã nhận được những lời khuyên hữu ích.
 
Nằm trong Ban cố vấn, đạo diễn Văn Công Viễn cho rằng cuộc thi này mở rộng đề tài, để ai cũng có thể có câu chuyện tham gia. Chất lượng phim không quan trọng trong cuộc thi này. Điều quan trọng là hãy đặt mình vào nhân vật muốn làm, để truyền đạt những cái cần thiết và từ đó sẽ chạm tới trái tim của nhiều người. Theo anh Viễn, với ý tưởng hay, dù chỉ với một chiếc máy quay đơn giản nhất cùng những kiến thức trong thời đại số, các thí sinh vẫn có thể thực hiện được một tác phẩm tốt.
 
Đạo diễn – giảng viên điện ảnh Lê Thu Hằng chia sẻ: “Các bạn phải hiểu tâm tư của người khuyết tật và làm câu chuyện thật nhất về họ. Làm sao chạm tới trái tim người xem nhưng không phải tập trung khai thác hình thể và câu chuyện mang đầy tính nước mắt”.
 
Đồng cảm với các ý kiến trên, đạo diễn – diễn viên trẻ Huỳnh Lập cho rằng thí sinh phải đặt mình trải nghiệm cuộc sống của người khuyết tật để hiểu thật rõ chủ đề. Huỳnh Lập nêu kinh nghiệm: “Không phải mình làm vấn đề nào đó cứ lấy nước mắt khán giả là hay. Hãy khai thác với cái nhìn tích cực, có nhiều góc nhìn khác nhau, kể cả đưa chất hài vào một cách tinh tế và mang nhiều cảm xúc đến cho khán giả”.
 
Giải thưởng gần 60 triệu đồng
Tổng giải thưởng cuộc thi gần 60 triệu đồng, gồm: hạng mục Phim ngắn (1 Giải nhất 15 triệu đồng, 1 Giải nhì 10 triệu đồng, 1 Giải ba 8 triệu đồng, 2 Giải lan tỏa 5 triệu đồng/giải); hạng mục Kịch bản (15 triệu đồng, được sản xuất với sự tham gia của diễn viên chuyên nghiệp).
 
Trong tháng 9 này, đạo diễn – diễn viên Hồng Ánh và cố vấn tổ chức Vũ Thị Thu Thuỷ tham gia các hoạt động tập huấn cho thí sinh. Ngày 15.10: Lựa chọn top 20 cho mỗi hạng mục; ngày 8.11: Hạn nộp tác phẩm của top 20. Ngày 24.11 trao giải và tháng 3.2020 sẽ công chiếu các tác phẩm đoạt giải.
 
 
 
NHƯ LỊCH