Thủ tướng nhắc 3 lần, bộ ngành mới có kế hoạch hành động về CPTPP
Không những chậm trễ trong ban hành kế hoạch hành động triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các bộ ngành và địa phương còn xây dựng kế hoạch rất chung chung.
Thủ tướng nhắc 3 lần, bộ ngành mới có kế hoạch hành động về CPTPP
Không những chậm trễ trong ban hành kế hoạch hành động triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các bộ ngành và địa phương còn xây dựng kế hoạch rất chung chung.
Ông Ngô Chung Khanh – phó vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) – nêu thông tin này tại diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam VCCI tổ chức sáng 30-8.
Dẫn chứng là Thủ tướng đã phải nhắc nhở tới 3 lần. Lần đầu đưa ra thời hạn là 1-3-2019 nhưng chỉ có 10/28 bộ ngành và 32/63 tỉnh thành gửi báo cáo về chương trình hành động đến Bộ Công Thương; lần thứ 2 tăng lên 23 bộ ngành và 55 tỉnh và đến lần thứ 3 có 27/28 bộ ngành và 62/63 địa phương có báo cáo.
Dù mất nhiều thời gian hoàn thiện kế hoạch hành động triển khai CPTPP như vậy nhưng nội dung triển khai được xây dựng cũng không chi tiết, cụ thể,, phần nhiều dựa vào chương trình hành động được Thủ tướng, Bộ Công Thương ban hành.
Ông Khanh cho rằng bộ ngành địa phương vẫn chưa có sự chủ động, thậm chí là nhiều cơ quan chưa hiểu rõ hiệp định nên băn khoăn chưa biết triển khai thế nào, hoặc do e ngại thể chế, động chạm…
“Muốn lợi ích chuyển hoá thành hiện thực thì phải tập trung cải cách thể chế, tức là bộ ngành và địa phương phải tích cực vào cuộc, sửa văn bản pháp luật, sửa quy định cho phù hợp thúc đẩy phát triển”, ông Khanh nói.
CPTPP có hiệu lực thực thi tại Việt Nam từ đầu năm 2019, đã giúp cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào các nước trong CPTPP tăng nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan. Trong tổng số 190 triệu USD hàng hoá xuất khẩu vào CPTPP được hưởng ưu đãi, một số thị trường tăng mạnh như Canada là 118 triệu và Mexico là 54 triệu.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, tỉ lệ tận dụng còn thấp, khi chỉ đạt 1,17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang các nước CPTPP, trong đó, xuất khẩu đi Canada chỉ chiếm 6,45% và Mexico chỉ chiếm 4,16%.
“Khả năng tận dụng lợi ích đến đâu vẫn là câu hỏi. Đặt biệt, tôi kỳ vọng mặt hàng có thể tận dụng CPTPP là dệt may bởi lợi ích cốt lõi thì chỉ tận dụng được 0,03%, trong khi giày dép là 10,26%”, ông Khanh cho hay.