26/11/2024

Câu chuyện giáo dục: Nội quy học sinh cần có tính định hướng giáo dục

Nội quy học sinh (HS) là văn bản không thể thiếu trong mọi trường học, để quy định mọi điều khoản cho HS về thi đua, học tập, rèn luyện hạnh kiểm, sinh hoạt, kỷ luật.

 

Câu chuyện giáo dục: Nội quy học sinh cần có tính định hướng giáo dục

Nội quy học sinh (HS) là văn bản không thể thiếu trong mọi trường học, để quy định mọi điều khoản cho HS về thi đua, học tập, rèn luyện hạnh kiểm, sinh hoạt, kỷ luật.

 
 
 

Ảnh minh họa /// Ngọc Dương

Ảnh minh hoạ  Ngọc Dương

 

 
Năm trước, có dịp dạy học một trường phổ thông, tôi thấy một bản nội quy dán ở góc bảng trong lớp của trường này giấy đã ố vàng do để đó từ nhiều năm trước. Học trò cho biết nhà trường vẫn đang sử dụng bản nội quy HS ấy cho dù thực tế có nhiều thay đổi.
 
Nhìn vào thực tế dễ thấy rằng, việc áp dụng nội quy HS hiện nay còn nhiều bất cập: lỗi thời, không thay đổi thường xuyên để phù hợp thực tế; quá sơ sài hoặc dài dòng; nhiều nội dung không rõ ràng, mơ hồ, mâu thuẫn, khó thực thi; còn rập khuôn giữa các trường, thiếu linh hoạt để phù hợp với địa phương. Ngoài ra, điều quan trọng nhất mà các nội quy chưa thể hiện được là không thấy rõ được mục tiêu, định hướng giáo dục trước mắt và lâu dài cho HS.
Chẳng hạn trong thực tế hiện nay việc sử dụng điện thoại di động và HS nữ THPT dùng son môi là không thể cấm tuyệt đối được. Vậy nên thay vì nội quy ghi cấm (nhưng HS vẫn làm) thì chỉ nên ghi rõ là “cấm dùng điện thoại trong giờ học” và “cấm trang điểm lòe loẹt” mà thôi. Việc cấm một cách cực đoan sẽ tạo ra khó khăn cho người quản lý vì bất khả thi, và HS cảm thấy quá gò bó, sẽ chấp nhận vi phạm để… được sử dụng.
 
Khi áp dụng, nếu coi nội quy giống như văn bản pháp lệnh, để trói buộc HS tuân theo sự quản lý khắt khe của nhà trường thì không ổn. Ngược lại, vì quá chiều chuộng người học, mà nội quy thoáng cho thoải mái thì cũng không hay. Một đằng thiếu sự hài hòa với lợi ích của HS, gò bó, mất tự do của các em. Một đằng chưa thấy hết được vai trò, trách nhiệm giáo dục của nhà trường. Cho nên, khi xây dựng và áp dụng nội quy, cần phải cân nhắc đến sự hài hòa, linh hoạt, có tính định hướng giáo dục. Chẳng hạn một số trường phổ thông tại TP.HCM đã có ý tưởng “đột phá” khi cho HS mặc trang phục tự do trong một số buổi học với suy nghĩ định hướng giáo dục của nhà trường là tạo cho các em ý thức về việc ăn mặc có văn hóa, tạo thói quen tốt khi ra đời, lên môi trường học tập bậc đại học.
 
Hiện nay, trong việc xây dựng nội quy của nhà trường chưa thấy vai trò của cha mẹ HS. Hầu hết nội quy của các trường thường không có đại diện cha mẹ HS góp ý nên nhiều khi thiếu sự đồng thuận của phụ huynh.
 
Nội quy làm ra để HS thực hiện chứ không nên để các em đối phó, tìm cách lén lút vi phạm.
 
 
 
 TRẦN NHÂN TRUNG