26/01/2025

Giá xăng dầu thế giới lao dốc, trong nước vẫn… chờ!

Cơ chế điều hành với chu kỳ bình quân giá 15 ngày đang khiến giá xăng VN luôn bị lệch pha, lạc nhịp so với thế giới.

 

Giá xăng dầu thế giới lao dốc, trong nước vẫn… chờ!

Cơ chế điều hành với chu kỳ bình quân giá 15 ngày đang khiến giá xăng VN luôn bị lệch pha, lạc nhịp so với thế giới.
 
 
 
 

 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
 

 
Hơn nửa tháng nay, giá dầu WTI (dầu thô chất lượng cao) lao dốc rất mạnh, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn cứ phải đứng im nằm chờ.
 
Đã có rất nhiều kiến nghị của chuyên gia, kể cả doanh nghiệp, hiệp hội về việc cần phải sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về cơ chế điều hành giá xăng nặng về hành chính, thiếu tính thị trường. Song đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa thể đưa ra được phương án nào.

Méo mó, lạc nhịp với thế giới

Kể từ đầu năm 2019 đến ngày 15.8, giá xăng được điều chỉnh 15 lần với 7 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá. Tổng cộng, xăng tăng khoảng 18% từ mức giá 17.750 đồng/lít lên 21.010 đồng/lít; dầu diesel tăng với mức tương tự, từ 15.000 đồng/lít lên 17.230 đồng/lít.

Các nước trên thế giới đâu cần có quỹ bình ổn, nước lên thì thuyền lên, cứ để giá xăng dầu tiệm cận giá thế giới. Tăng cùng tăng, giảm cùng giảm như vậy mới gọi là thị trường
 
Tổng giám đốc một công ty xăng dầu tại Hà Nội

Cùng thời điểm này, giá dầu thế giới WTI tăng trên 10%. Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 4.2019 có một nhịp giá dầu tăng khá mạnh, từ khoảng 45 – 46 USD/thùng lên 66 USD/thùng, kéo giá xăng trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4.2019 đến ngày 15.8, dầu liên tục lao dốc, hiện chỉ còn đứng ở mức 55 USD/thùng. Trong khi đó, giá xăng trong nước có 4 lần tăng, 3 lần giảm theo xu hướng “tăng nhiều, giảm ít”.
 
Đơn cử, ngày 17.4, giá xăng Ron95 IV, tăng từ 20.180 đồng/lít lên 21.380 đồng/lít, tức 1.200 đồng/lít, tương đương gần 6%. Thời điểm này giá dầu thế giới dao động ở mức gần 64 USD/thùng.
 
Đến ngày 2.5.2019, giá xăng tiếp tục tăng 960 đồng/lít lên 22.340 đồng/lít, tương ứng gần 5% lệch pha khi giá dầu thế giới lại rơi mạnh từ gần 64 USD/thùng về khoảng hơn 61 USD/thùng ngày 2.5.
 
Hai cú tăng mạnh lên tới 11%, nếu đúng thời điểm giá dầu leo thang thì có thể chấp nhận được, nhưng khi đó giá dầu có 1 nhịp giảm 4,6% đặt ra nhiều dấu hỏi về cơ chế điều hành giá.
 
 
Giá dầu thế giới giảm mạnh, giá xăng trong nước vẫn “nằm chờ” Ảnh: Ngọc Thắng

Giá dầu thế giới giảm mạnh, giá xăng trong nước vẫn “nằm chờ”  Ảnh: Ngọc Thắng

 

Ở chiều ngược lại, khi giá dầu giảm mạnh giá xăng trong nước lại giảm chậm. Ngày 17.5, giá xăng được điều chỉnh giảm từ 22.340 đồng/lít xuống 21.740 đồng/lít, giảm 600 đồng/lít, khoảng 2,6%. Ngày 1.6, xăng giảm tiếp xuống 21.360 đồng/lít, khoảng 1,7%; ngày 17.6, giảm về 20.280 đồng/lít, khoảng 5%.
 
3 lần giảm liên tiếp, giá xăng cũng chỉ xuống khoảng 8,3%, trong khi giá dầu thế giới rơi từ 63 USD/thùng ngày 21.5 xuống chỉ còn 50 USD/thùng từ 12 – 17.6, tức giảm tới hơn 20%.
 
Kể từ đầu tháng 8 đến nay giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, từ mức 59 USD/thùng xuống còn 55 USD/thùng, nhưng cũng vì cơ chế điều hành hiện nay mà giá xăng trong nước chưa thể giảm được. Sự lạc nhịp này làm méo mó hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), không theo được thị trường; cũng như quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn.

Bất ổn Quỹ bình ổn

So sánh trên dĩ nhiên chưa tính tới việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, với riêng quỹ này, vừa qua khi điều tiết cũng để lại rất nhiều bất cập. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cho rằng việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi, khi về bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. Ngoài ra, việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu, không tạo ra được tính minh bạch trong điều hành, không tạo ra sự bình đẳng trong hệ thống DN đầu mối.
 
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 13.8, đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018” cũng đánh giá, số tiền trích quỹ được để lại cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, thực chất là một khoản thu trước của người dân và DN. Thực tế cho thấy cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF (bao gồm chi phí, tiền hàng, bảo hiểm), trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường). Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nay Chính phủ đang giao cho liên bộ Tài chính – Công thương xem xét, sửa đổi Nghị định 83 và quy định của quỹ bình ổn giá, trong đó có thể tính toán bỏ quỹ này. Trao đổi với Thanh Niên, tổng giám đốc một công ty xăng dầu tại Hà Nội cho biết, bản chất của quỹ này chỉ là “kìm” việc tăng giá trong một mức nhất định, sau đó giá cũng sẽ được điều chỉnh, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng tiền trước cho quỹ. Trong khi đó, DN phải gửi tiền vào một tài khoản cố định, hoàn toàn không được động vào số tiền này. Khi quỹ âm thì DN phải vay ngân hànghoặc bỏ vốn tự có bù đắp. “Các nước trên thế giới đâu cần có quỹ bình ổn, nước lên thì thuyền lên, cứ để giá xăng dầu tiệm cận giá thế giới. Tăng cùng tăng, giảm cùng giảm như vậy mới gọi là thị trường”, vị này chia sẻ.
 
Xăng, dầu là năng lượng thiết yếu, khi còn có sự chiếm lĩnh và chi phối thị trường của một vài DN lớn vẫn cần có sự điều tiết của nhà nước. Nhưng sự điều tiết này, theo PGS-TS Ngô Trí Long không nên lạm dụng các biện pháp hành chính. Ông Long đề nghị, cần phải bỏ quỹ bình ổn giá, và phải xem xét lại chu kỳ điều hành giá bình quân 15 ngày. Bởi nó đã làm giá xăng trong nước méo mó, lệch pha so với thế giới lại rất tù mù, gây bức xúc cho người dân.

Quỹ bình ổn âm gần 500 tỉ đồng

Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 2/2019 đang âm gần 500 tỉ đồng. Theo đó, trong quý 2 (từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6) tổng số trích quỹ bình ổn giá là 1.826,385 tỉ đồng; số sử dụng 1.706,498 tỉ đồng; lãi phát sinh trên số dư quỹ dương 1,075 tỉ đồng; lãi phát sinh trên số dư quỹ âm là 252 triệu đồng. Trước đó, số dư quỹ bình ổn giá đến hết quý 1/2019 âm 620,643 tỉ đồng. 
 
 
 
ANH VŨ