14/01/2025

Trung Quốc nhấn mạnh về đường lưỡi bò trong sách giáo khoa như thế nào?

Gần đây, việc tuyên truyền sai trái về “đường lưỡi bò” được Trung Quốc thực hiện ráo riết, đặc biệt trong các bộ sách giáo khoa chính thức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đã mạnh mẽ phản đối việc này tại cuộc họp báo chiều 8-8 ở Hà Nội.

 

Trung Quốc nhấn mạnh về đường lưỡi bò trong sách giáo khoa như thế nào?

Gần đây, việc tuyên truyền sai trái về “đường lưỡi bò” được Trung Quốc thực hiện ráo riết, đặc biệt trong các bộ sách giáo khoa chính thức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN đã mạnh mẽ phản đối việc này tại cuộc họp báo chiều 8-8 ở Hà Nội.


 

Trung Quốc nhấn mạnh về đường lưỡi bò trong sách giáo khoa như thế nào? - Ảnh 1.

Bìa sách lịch sử bậc cao trung bản cải cách của NXB Giáo dục nhân dân Trung Quốc

 

Việc Trung Quốc đưa đường lưỡi bò phi pháp trên các bản đồ, văn bản hành chính đã được thực hiện nhiều năm qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tuyên truyền sai trái về “đường lưỡi bò” của quốc gia này được thực hiện ráo riết, đặc biệt trong các bộ sách giáo khoa chính thức.

Từ mùa thu năm 2019, cấp tiểu học và sơ trung của Trung Quốc (tương đương tiểu học và THCS của Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 9) bắt đầu chính thức sử dụng một bộ sách giáo khoa chung, sau 2 năm thử nghiệm thống nhất ở một số tỉnh.

Ở cấp cao trung (tương đương THPT ở Việt Nam), việc thống nhất sách giáo khoa sẽ tiếp tục được thử nghiệm và dự tính hoàn thiện trên toàn quốc vào năm 2022. Bộ sách được chọn để sử dụng thống nhất là phiên bản của nhà xuất bản Giáo dục nhân dân.

Điều đáng nói, trong sách Lịch sử lớp 7 và 8 – một trong 3 bộ sách đầu tiên được chọn để dạy thống nhất trong nhà trường Trung Quốc, nhiều nội dung về lãnh thổ Trung Quốc được bổ sung.

Chẳng hạn, khi nói đến việc mở rộng lãnh thổ thời nhà Nguyên, sách giáo khoa mới nhấn mạnh: “Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, các tỉnh Đông Bắc, Đài Loan và các đảo thuộc Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam – người dịch) đều đã thuộc quyền cai quản của Trung Quốc từ thời Nguyên”.

Việt Nam phản đối sách giáo khoa Trung Quốc xuyên tạc chủ quyền ở Biển Đông

Về thông tin Trung Quốc ra mắt sách giáo khoa nói Biển Đông là “một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định đó là hành động không có lợi cho quan hệ hai nước.

 

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế… là không có lợi cho quan hệ hai nước”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 8-8 ở Hà Nội.

 

Trung Quốc nhấn mạnh về đường lưỡi bò trong sách giáo khoa như thế nào? - Ảnh 3.

Sách giáo khoa cấp tiểu học và sơ trung cải cách của Trung Quốc

Trong khi đó, theo Hướng dẫn thực hiện giảng dạy sách giáo khoa mới bậc cao trung của Bộ giáo dục Trung Quốc, riêng sách Lịch sử (nội dung bắt buộc) có 6 nội dung bổ sung trong phần Lịch sử Trung Quốc cổ đại:

– Những di tích văn hóa đại diện của Trung Quốc thời đồ đá

– Thời kỳ mở mang bờ cõi nhà Hán

– Khởi nghĩa nông dân trong thời kỳ mâu thuẫn xã hội nhà Tần

– Khai phá lãnh thổ, hòa hợp dân tộc, biến đổi của chính quyền thời kỳ Tam quốc, lưỡng Tấn, Nam Bắc triều

– Vai trò của các nhà nước của triều Liêu, Tây Hạ, Kim, Nguyên… trong quá trình thống nhất, phát triển của Trung Quốc

– Nội dung về thống nhất quốc gia thời kỳ Minh, Thanh, thêm phần các sách lược biên cương trong vấn đề về các đảo Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam - người dịch), Điếu Ngư Đài, đảo Đài Loan cũng như thêm bản đồ các quần đảo thuộc Trung Quốc (có đường 9 đoạn - người dịch).

Không chỉ vậy, theo thống kê các nội dung mới, có 10 lần vùng Biển Đông (dưới tên gọi các quần đảo thuộc Nam Hải) được đưa thêm vào sách giáo khoa và được khẳng định là lãnh thổ của Trung Quốc.

Bộ sách này bắt đầu cải cách từ 2017, dùng song song với các ấn bản của các nhà xuất bản khác. Hiện đã có 18 tỉnh, thành phố Trung Quốc áp dụng sách giáo khoa mới này.

Nếu so sánh ấn bản sách giáo khoa của nhà xuất bản Nhạc Lộc năm 2019, bộ sách sẽ không được sử dụng theo kế hoạch, thời kỳ Minh – Thanh không nhắc đến đường 9 đoạn cũng như các đảo Nam Hải (Biển Đông Việt Nam).

Chủ trương “đường 9 đoạn” (bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) đã được Trung Quốc nhắc nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng thực tế, đường này còn có tên khác là “đường hư tuyến”, mới chỉ xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ 1947. Năm 2016, tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc với lý do “không có cơ sở pháp lý”. Việc đưa đường này vào lịch sử thời Minh – Thanh rõ ràng là chi tiết sai sự thật.

Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố 2019 là năm kết thúc giai đoạn 30 năm một môn nhiều bộ sách của nước này.

Trước đó, có 5 nhà xuất bản được Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp phép in sách giáo khoa với nội dung khác nhau. Việc sử dụng sách sẽ tùy theo từng địa phương. Phổ biến nhất là sách của nhà xuất bản Giáo dục nhân dân Trung Quốc và nhà xuất bản Nhạc Lộc.

 

 

MAI NGUYÊN (tổng hợp)