Khi xem trận bóng đá giữa Nam Định – Hoàng Anh Gia Lai (trên sân Thiên Trường, vào ngày 4.8), một cháu bé đã bị ngất xỉu tại chỗ. Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động ngay lập tức bế cháu ra khỏi đám đông. Nhận thấy cháu bé có dấu hiệu bị co giật, một chiến sĩ đã đưa tay vào miệng cháu để tránh hiện tượng… cắn lưỡi.
Hình ảnh trên được cộng đồng ủng hộ vì hành động đẹp. Tuy nhiên, về mặt y khoa, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chèn ngón tay hay bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân khi động kinh, co giật vì có thể gây nguy hiểm.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: “Khi thấy một người bị co giật (động kinh cơn toàn thể) thì thái độ xử trí tốt nhất là… chỉ đứng quan sát và không can thiệp gì hết. Cơn co giật sẽ tự hết sau 30 giây đến 1 phút”.
Bình thường lưỡi nằm gọn trong cung răng. Khi co giật, có thể chỉ làm xây xát nhẹ phần rìa lưỡi và mặt trong mà thôi. Các xây xát này sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bệnh nhân lên cơn co giật không thể cắn đứt lưỡi
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM
Bác sĩ Hiển cho biết: Cơn co giật sẽ trải qua 4 giai đoạn là co cứng, co giật, ngưng thở và hôn mê. Quan trọng nhất là sau giai đoạn co giật, bệnh nhân có tự thở được hay không; rất hiếm trường hợp ngưng thở, khi đó mới cần can thiệp (hô hấp nhân tạo). Khi bệnh nhân đang trong cơn co giật, việc can thiệp chẳng những không giúp ích gì mà có khi còn gây hại.
Việc khi lên cơn co giật, bệnh nhân có thể tự cắn lưỡi mình gây nguy hiểm đến tính mạng, theo các bác sĩ đó cũng chỉ là “truyền thuyết” theo quan điểm dân gian và hoàn toàn không có trường hợp đó. “Bình thường lưỡi nằm gọn trong cung răng. Khi co giật, có thể chỉ làm xây xát nhẹ phần rìa lưỡi và mặt trong mà thôi. Các xây xát này sẽ tự khỏi sau vài ngày. Bệnh nhân lên cơn co giật không thể cắn đứt lưỡi”, bác sĩ Hiển khẳng định.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông thường, các cơn co giật, động kinh diễn ra rất nhanh. Do vậy phụ huynh nên bình tĩnh theo dõi cơn co giật của trẻ. Điều cần lưu ý là cần tạo không gian thông thoáng, an toàn quanh người bị co giật. Nếu cơn động kinh co giật kéo dài hơn 5 phút thì cần cho trẻ đi khám sớm.
Đặc biệt, “không được cạy răng, chèn muỗng đũa, ngón tay hay bất cứ vật gì vào miệng người đang co giật; cũng không được vắt chanh vào miệng hay cạo gió”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Các việc không nên làm khi bệnh nhân bị co giật
Bác sĩ Hiển lưu ý những quan điểm, sai lầm trong sơ cấp cứu một người bị co giật mà mọi người hay gặp phải, không nên làm.
Vắt chanh vô miệng với quan niệm là sẽ làm chấm dứt cơn co giật: Quan niệm này hoàn toàn sai, cơn co giật sẽ tự hết mà không do bất cứ can thiệp nào. Ngược lại, vắt chanh vô miệng bệnh nhân còn gây nguy hiểm vì có thể làm bệnh nhân hít nước chanh hay hột chanh vào phổi.
Tì đè bệnh nhân trong lúc co giật: Cũng không làm hạn chế co giật mà có thể làm bệnh nhân bị sai khớp.
Cố đút vật gì đó vào giữa hai hàm răng: Là một việc làm khó khăn và không cần thiết vì ít khi lưỡi bị chấn thương nặng (chỉ là trầy xước và sẽ tự khỏi).
Việc cố chèn đút vật gì (muỗng, đũa, ngón tay) vào miệng bệnh nhân trong lúc hai hàm răng bệnh nhân đang cắn chặt có thể làm gãy răng hay làm tụt răng (với răng giả) của bệnh nhân vào trong, càng gây nguy hiểm.
Việc cố chèn trong lúc hai hàm răng đang nghiến chặt cũng có thể làm sai khớp thái dương, hàm.
Tất nhiên cũng không nên đưa ngón tay của mình vào cho bệnh nhân cắn vì vừa gây nguy hiểm cho bệnh nhân, vừa gây nguy hiểm cho mình.
Không di chuyển bệnh nhân trong lúc đang co giật.
Không được cạy răng, chèn muỗng đũa, ngón tay hay bất cứ vật gì vào miệng người đang co giật; cũng không được vắt chanh vào miệng hay cạo gió
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Xử trí đúng cách bệnh nhân co giật:
Theo bác sĩ Hiển, khi bệnh nhân bị co giật, việc sơ cấp cứu cần: Quan sát bệnh nhân có tự thở được sau cơn co giật hay không? Nếu bệnh nhân không thở được (rất hiếm xảy ra trường hợp này) thì khi đó mới cần can thiệp bằng cách hô hấp nhân tạo.
Nếu sau 2-3 phút mà cơn co giật vẫn tiếp tục thì cần đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
Chờ cho bệnh nhân hồi tỉnh (sau giai đoạn hôn mê) hỏi bệnh nhân có tiền sử động kinh hay không, có đang điều trị và khuyên bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện tâm thần.
Cầm máu vết thương (nếu có) do bị té ngã lúc co giật.
Bác sĩ Phương lưu ý thêm: Khi phát hiện trẻ lên cơn co giật, động kinh, phụ huynh không nên hốt hoảng quá mức, tránh tụ tập quá đông quanh bé. Nới lỏng quần áo, cởi bớt khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Mở cửa phòng cho không khí thoáng mát (trong trường hợp ở trong nhà).
Cần bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và ngiêng về một bên để tránh bị sặc đường thở.
Nếu bé đang có thức ăn trong miệng thì nên móc ra, không cho ăn uống bất kỳ thứ gì khi trẻ đang bị cơn.
Bình tĩnh theo dõi biểu hiện cơn động kinh của trẻ là cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái không, có trợn mắt không hay mắt nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngừng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…
“Nhà có trẻ bị bệnh động kinh, phụ huynh cần tạo không gian thoáng cho trẻ khi ở nhà. Mài bằng các cạnh nhọn của vật dụng trong nhà tránh khi trẻ bất ngờ lên cơn co giật sẽ bị va trúng gây tổn thương. Ngoài ra, cần che chắn trước nơi có lửa, nước sôi, không để bé ở một mình khi ở vị trí cao. Nếu trẻ đi học, phụ huynh cũng phải thông báo cho thầy cô hay bảo mẫu ở trường biết bé có bệnh động kinh để tiện xử trí ban đầu và giúp các bé khác hiểu tình trạng bệnh của bạn để tránh kỳ thị. Trao đổi với y tế nhà trường về những loại thuốc bé đang dùng”, bác sĩ Phương lưu ý thêm.
VIÊN AN