Tráo xuất xứ, làm giả C/O…
Theo tôi, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc khi một mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, lẩn tránh thương mại. Cái khó của chúng ta là ở gần công xưởng thế giới, nên việc phòng chống lẩn tránh xuất xứ gian nan, nhưng không phải không làm được
TS Ngô Trí Long,
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC), cho rằng khi một sản phẩm xuất khẩu vào một thị trường chỉ cần tăng quá 3%, hoặc sản phẩm đó của nhiều quốc gia vào thị trường nói trên tăng quá 7% thì sẽ sớm bị đưa vào tầm ngắm áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Chẳng hạn, khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá mặt hàng giày dép vào thị trường Mỹ, xuất khẩu giày dép của VN vào Mỹ chỉ cần tăng hơn 3% so với kim ngạch trước thời điểm Trung Quốc bị áp thuế, giày dép VN sẽ bị đưa vào danh sách điều tra xem có hành vi lẩn tránh thuế tại Mỹ ngay nhằm ngăn chặn.
Thực tế đã có tình trạng tráo xuất xứ. Mới đây, ngày 9.7, một lô hàng gần 300 đôi giày thể thao nam nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike… do Trung Quốc sản xuất nhưng bên trong thân giày in xuất xứ “made in Vietnam” được phát hiện tại Lạng Sơn… Theo cơ quan hải quan, những hàng hóa này có thể được đưa vào tiêu thụ tại VN hoặc xuất khẩu nếu làm giả C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) thành công.
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, cuối năm 2018, lực lượng hải quan cũng đã bắt giữ hơn 600 loa thùng di động nhập từ Trung Quốc vào VN qua cảng Cát Lái, nhưng toàn bộ lô hàng ghi xuất xứ VN. Trong các tháng gần đây, cơ quan hải quan khu vực biên giới phía bắc liên tục bắt giữ nhiều vụ nhập lậu hàng áo quần, giày dép từ Trung Quốc vào VN nhưng trên sản phẩm ghi “made in Vietnam”. Trước đó, cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban Châu Âu (OLAF) cũng thông tin, hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan phát hiện một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập từ VN có dấu hiệu gian lận thương mại. OLAF nghi ngờ có khả năng doanh nghiệp (DN) Trung Quốc bán thép vào VN rồi để DN Việt xuất sang EU, cùng C/O VN để tránh thuế chống bán phá giá. Tại thời điểm đó, thép Trung Quốc bị các quốc gia này áp thuế chống bán phá giá 58%.
Số liệu từ Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, chỉ riêng trong năm 2018, cơ quan này đã nhận được hơn 100 thư khiếu nại từ hải quan nước ngoài yêu cầu thẩm tra 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi VCCI. Các mặt hàng bị khiếu nại xem xét lại C/O thường là đinh vít, lốp xe, xe, gạch men, găng tay, giày… Trong đó, 90% khiếu nại từ thị trường EU. Nội dung khiếu nại tập trung 2 nghi ngờ là C/O giả chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền ký và tổ chức cấp phát C/O. Thứ hai là nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ VN.
Theo Tổng cục Hải quan, một số chiêu lẩn tránh xuất xứ được ngành này thống kê có thể kể: hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào VN, thực hiện thêm vài công đoạn gia công đơn giản như đóng gói bao bì rồi gắn xuất xứ VN để xuất đi. Hoặc thương nhân nước ngoài đưa hàng hóa vào VN thuê gia công vào công đoạn đơn giản để lấy xuất xứ hàng hoá từ VN để xuất sang Mỹ. Hoặc các DN từ Trung Quốc có đầu tư vào VN, nhập nguyên liệu sản xuất hàng để xuất đi Mỹ.
Nỗ lực hội nhập “đổ sông đổ bể”
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng, xét về tính dự báo, VN phát hiện nghi vấn có lẩn tránh xuất xứ rất nhanh, tuy nhiên lại khá “đủng đỉnh” khi nhận được tin cảnh báo. Thép từ VN xuất sang Mỹ từng được cảnh báo 2 lần trước đó, nhưng cuối cùng cũng bị “dính” đòn phòng vệ thương mại. Với các nước, khi nhận cảnh báo sẽ có nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại, từ DN, hiệp hội ngành hàng, bộ quản lý, chính phủ đều dốc sức vào để củng cố thông tin chứng minh DN xuất khẩu có nguy cơ bị áp thuế lẩn tránh xuất xứ đó bị oan.
“Phải bằng mọi giá để chứng minh DN vô tội. Bảo vệ DN là bảo vệ cả ngành sản xuất đó. Theo tôi, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc khi một mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, lẩn tránh thương mại. Cái khó của chúng ta là ở gần công xưởng thế giới, nên việc phòng chống lẩn tránh xuất xứ gian nan, nhưng không phải không làm được”, chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh.
Trước làn sóng DN đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Hồng Kông vào VN tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, chuyên gia Phạm Chi Lan lo ngại: “Không phải tự nhiên mà các nhà đầu tư từ Trung Quốc rời công xưởng thế giới này để đến các nước lân cận một cách dễ dàng nếu không vì mối lợi lâu dài. Điều đáng lưu ý sau Mỹ, EU có thể là thị trường VN bị lợi dụng để lẩn tránh xuất xứ do một số mặt hàng như nông sản, gỗ… bị điều tra chống bán phá giá tại EU”.
Chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long nói rằng khe hở này liên quan đến chính sách hàng tạm nhập tái xuất tại VN. Vì thế các đơn vị, cơ quan quản lý và giám sát nhà nước phải nghiêm khắc có giải pháp và thực hiện ngay vì đều liên quan đến hoạt động giả xuất xứ, mượn xuất xứ của VN. “Các nước sau cảnh báo là “ra quân” toàn xã hội, VN sau cảnh báo cứ chờ đến khi bị áp thuế mới chứng minh”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG