“Ông Đồ” thời hiện đại
Mỗi ngày, ông Trần Ngọc Phương (62 tuổi) viết một câu danh ngôn lên giấy và dán sau lưng máy quẹt thẻ xe. Cứ sáng đến chỗ làm, ông Phương lại tháo câu của hôm trước ra rồi dán câu mới lên. Câu viết cho ngày thứ 6 sẽ được dùng cho thứ 7, chủ nhật. Như một thói quen, bất kể ai ra vào hầm giữ xe đều đưa mắt đọc qua dòng chữ mà ông Phương viết.
“Tôi thấy công việc của mình có thời gian rảnh rỗi, nên tôi lên mạng đọc mấy câu danh ngôn. Câu nào thấy phù hợp với thực tế cũng như là đạo lý của người Việt Nam thì viết ra. Có câu tôi nghĩ ra, nhưng ít thôi, chủ yếu là tôi tìm đọc trên mạng. Tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa, ăn cơm xong thì mình lên mạng đọc rồi ngồi viết, viết xong rồi dán lên”, ông Phương bộc bạch.
Ông Phương mở chiếc hộp đặt trên bàn nhỏ cạnh máy quẹt thẻ. Như những ông đồ thời xưa, đồ nghề không thể thiếu với ông Phương là bút lông, thước kẻ và giấy trắng. Thao tác nhanh nhẹn, ông Phương viết một câu danh ngôn ra giấy. Đặc biệt, cuối mỗi câu, ông Phương không quên ghi nguồn những câu danh ngôn sưu tầm được.
Sau lưng máy quẹt thẻ luôn có một tờ giấy ghi câu danh ngôn mà ông Phương tâm đắc. Mỗi ngày một câu, mỗi ngày một cách ông truyền động lực cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ Ảnh: Trịnh Thanh
|
Ông Trần Ngọc Phương làm công việc bảo vệ đã được 6 năm. Từ ngày về làm tại tòa nhà này cũng là lúc ông bắt đầu viết danh ngôn, tính ra cũng gần 2 năm Ảnh: Trịnh Thanh
|
Những câu danh ngôn ông Phương viết đều được ông lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh của số đông Ảnh: Trịnh Thanh
|
Viết chữ bằng cả đam mê, chỉ cần có việc phải nghỉ ở nhà một ngày là ông Phương liền cảm thấy áy náy. Bởi, mảnh giấy chứa những câu danh ngôn đầy triết lý sống của ông Phương đã trở thành niềm vui tinh thần không thể thiếu cho những người làm việc và sinh sống ở tòa nhà. Anh Trần Thành Toại (32 tuổi), nhân viên làm việc tại tầng 4 của tòa nhà chia sẻ: “Bản thân tôi làm ở đây được 3 tháng thì thấy ông viết rất ngắn gọn, súc tích trong 1 tờ giấy thôi nhưng rất là hay. Tôi là người trẻ mà đọc nhiều khi thấy nhói lòng. Đi làm cả ngày, chiều về lấy xe ra không quên ngó những câu đó, tôi thấy nó ý nghĩa”.
Nét chữ đẹp có một không hai
Cách ông Phương truyền tải ý nghĩa của những câu danh ngôn cũng rất đặc biệt. Mỗi câu sẽ được viết bằng hai màu mực xanh và đỏ. Theo ông Phương, màu xanh là dành cho từ bình thường, màu đỏ là từ khóa trong câu danh ngôn cần nhấn mạnh. Những câu cũ sẽ được gỡ ra và dán vào cột trụ ở xung quanh để ai cũng có thể đọc lại. Bản thân ông Phương cũng có câu danh ngôn mà mình thích nhất. “Cuộc sống không bao giờ bế tắc nếu mình có quyết tâm”, ông Phương đọc lớn.
Dưới mỗi câu ông đều ghi nhớ việc trích nguồn, câu nào không biết tác giả ông thì ông ghi “S.T” Ảnh: Trịnh Thanh
|
Cùng với những câu danh ngôn, nét chữ đẹp có một không hai của ông Phương để lại ấn tượng mạnh mẽ. Nét chữ như được đánh máy với một phông chữ định dạng sẵn bằng phần mềm hiện đại khiến ai nhìn qua cũng phải trầm trồ.
Được biết, ngày xưa khi còn đi học ông Phương đã nổi tiếng và thường đứng nhất, nhì trong lớp về chữ đẹp. “Không phải chỉ có từ bản năng mà mình còn phải học nữa. Học nhiều nét chữ khác nhau rồi về mình chan hòa với nhau cho ra nét chữ của mình. Ở nhà tôi cũng dạy con vậy. Bí quyết viết chữ đẹp thứ nhất là ở cái tâm của mình, thứ hai là mình phải trau dồi cái lối viết. Mình viết 1 tờ không được, mình sửa lại viết tờ thứ 2 tới khi nào hoàn chỉnh”, ông nói.
Ông Phương có một thời tuổi trẻ nhiệt huyết khi tham gia đội thanh niên xung phong, phục vụ tại mặt trận biên giới Campuchia. Do vậy, ông luôn mong muốn những người trẻ luôn sống hết mình, đừng tính toán, so đo thiệt hơn Ảnh: Trịnh Thanh
|
Mỗi câu danh ngôn là tâm huyết của ông Phương đặt vào đó, nắn nót, cẩn thận Ảnh: Trịnh Thanh
|
Sẽ viết cho đến khi nào hết làm mới thôi
Trong hầm giữ xe ngột ngạt nơi ông Phương ngồi thiếu ánh sáng nhưng lại không thiếu tiếng chào hỏi qua lại, những cái gật đầu thân thiện. Luôn vui vẻ và quan tâm người khác nên mọi người đều xem ông Phương là bạn, nhiều người kính trọng gọi ông bằng bố.
“Không phải mình lớn tuổi mình được quyền làm sai, mà mình lớn mình phải làm đúng, phải có văn hóa. Ban quản lý tòa nhà và gia đình cũng rất ủng hộ ”, ông Phương tâm sự.
Anh Trần Long Vũ (23 tuổi, bảo vệ ở hầm xe bên cạnh) chia sẻ: “Chú viết có nhiều ý hay. Chú già, trải nghiệm nhiều và có những câu nói là trải nghiệm thực tế trong cuộc sống của chú. Có thể những câu đó không phải do chú nghĩ ra nhưng là do chú tìm hiểu, lắng nghe từ những người khác để đem đến thông điệp cho những người trẻ”. Với anh Vũ, ông Phương là người mà anh ngưỡng mộ. Đôi lúc có người nói ông rảnh nên mới viết, nhưng anh Vũ đều để ngoài tai.
Lớn lên ở Sài Gòn, chứng kiến sự đổi thay của thành phố, ông Phương rất hiểu tâm lý của những người trẻ. Đã qua 60 năm cuộc đời, hằng ngày ông Phương vẫn đọc báo để trau dồi thêm kiến thức. Mang lại niềm vui cho mọi người, cũng là cách ông Phương mang lại niềm vui cho tuổi già của mình. “Tôi hứa với lòng là sẽ tiếp tục viết chữ cho đến cùng, cho tới khi nào không làm nữa mới thôi”, ông nói.
LÊ HỒNG HẠNH – TRỊNH THANH