Không chỉ khắc phục tư tưởng ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo, vốn tín dụng chính sách đã giúp họ tạo sinh kế, ổn định đời sống.
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn (TTKVV), gia đình ông Phạm Cang ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải (H.Ninh Hải, Ninh Thuận) được vay 40 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo từ NHCSXH H.Ninh Hải. Với số tiền trên, ông Cang mua cừu về chăn nuôi, đến nay đàn cừu đã hơn 40 con, trong đó hơn một nửa là cừu sinh sản. Với tốc độ phát triển của đàn cừu hiện nay, ước tính hằng năm nhà ông Cang bán cừu giống thu lãi hơn 40 triệu đồng. Ông Cang tâm sự: “Gia đình tôi có 5 thành viên, trong đó có 1 người con bị suy thận, không có sức khỏe lao động, hằng tháng phải chạy lọc thận chữa trị bệnh, tốn rất nhiều tiền. Chúng tôi muốn chăn nuôi nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế nhưng không có vốn. Nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước, những gia đình khó khăn như chúng tôi có đồng vốn phát triển kinh tế”.
Tín dụng chính sách giúp hàng triệu người dân thoát nghèo Ảnh: Hải Bình
|
Từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ, anh Nguyễn Văn Lượng (dân tộc Cadong), Tổ trưởng TTKVV thôn 2, xã Trà Linh, H.Nam Trà My (Quảng Nam) cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng sâm, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, anh Lượng đã trở thành tỉ phú trên đỉnh núi Ngọc Linh, có cuộc sống khá giả nhất nhì xã. “Tôi mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã vào rừng tìm củ sâm về bán kiếm sống. Năm 2005, tôi được NHCSXH H.Nam Trà My cho vay 30 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi mua thêm giống và thuê nhân công mở rộng vườn sâm của gia đình. Lấy ngắn nuôi dài, sau gần 30 năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, đến nay vườn sâm có diện tích trên 10 ha. Hằng năm thu nhập từ bán củ và giống sâm thu về hàng chục tỉ đồng”, anh Lượng chia sẻ.
Bà đỡ quan trọng để giảm nghèo bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), những năm qua, NHCSXH đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, để tạo sinh kế, việc làm cho người nghèo và đối tượng chính sách, với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, có trên 85% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ông Lý cho biết: “Thông qua vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá: “Vai trò của NHCSXH và tín dụng vay vốn cho người nghèo là một điểm sáng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Điều đó hoàn toàn được khẳng định từ tấm lòng, từ thành quả lao động của người nghèo. Vốn cho người nghèo là “bà đỡ” quan trọng để chúng ta thực hiện Chương trình giảm nghèo ở giai đoạn đầu, đến bây giờ gọi là Chương trình giảm nghèo bền vững”.