11/01/2025

Tại sao chúng ta không chịu được hơi thở có mùi tỏi?

Tỏi chế biến hoặc ăn sống đi vào dạ dày tiêu hóa khi thoát mùi ra ngoài qua hơi thở sẽ không còn ‘thơm’ như ban đầu. Quan trọng hơn, chẳng ai thích mùi hương từ hơi thở của người khác cả.

 

Tại sao chúng ta không chịu được hơi thở có mùi tỏi?

Tỏi chế biến hoặc ăn sống đi vào dạ dày tiêu hóa khi thoát mùi ra ngoài qua hơi thở sẽ không còn ‘thơm’ như ban đầu. Quan trọng hơn, chẳng ai thích mùi hương từ hơi thở của người khác cả.
 
 
 
 

Tại sao chúng ta không chịu được hơi thở có mùi tỏi? - Ảnh 1.

Hơi thở có mùi tỏi khiến nhiều người khó chịu – Ảnh: SCIENCE ABC

Tỏi là một loại thuốc, gia vị xuất hiện trong bữa ăn của con người từ ít nhất 5.000 năm trước. Hương vị cay nồng của tỏi thấy ở nhiều món ăn như cà ri, mì ống, khoai tây chiên, món xào, thậm chí là món tráng miệng. 

Theo báo Lives Science, nhiều người ăn tỏi sống, tỏi nướng và cảm thấy món ăn mất đi cảm giác ngon miệng nếu không có tỏi. Mùi hương món ăn đang nấu có tỏi cũng kích thích cảm giác thèm ăn.

Thế nhưng, nếu đứng nói chuyện cùng một người có hơi thở mang mùi tỏi thì ai cũng thấy khó chịu, thậm chí không chịu nổi.

Giải thích điều này, giáo sư Sheryl Barringer – chủ nhiệm bộ môn khoa học và công nghệ thực phẩm tại Đại học bang Ohio (Mỹ) – cho biết tỏi khi bị băm nhỏ sẽ giải phóng hợp chất hóa học sulfide. 

Những phân tử dễ bay hơi này có mùi “cay nồng đặc biệt” rất dễ nhận biết. Khi chúng ta chế biến tỏi, các phân tử sulfide hòa cùng mùi của thực phẩm khác bay lên không khí với mùi thơm dễ chịu. Khi ăn tỏi, vị thơm ngon đi qua cả khứu giác, vị giác khiến chúng ta thấy ngon miệng.

Thông thường, các hạt thức ăn còn sót lại trong kẽ răng khiến hơi thở có mùi hôi. Nhưng hơi thở có mùi tỏi thì chỉ xuất hiện khi phần thức ăn bắt đầu được dịch vị dạ dày tiêu hóa.

Tại đây, enzym phá vỡ thức ăn thành các phân tử nhỏ, giải phóng sulfide, vitamin và khoáng chất khác. Hầu hết các phân tử này sẽ tiếp tục được tiêu hóa khi đi qua ruột, nhưng phân tử allyl methyl sulfide (AMS) siêu nhỏ sẽ đi qua niêm mạc dạ dày để vào máu.

AMS lưu thông qua phổi và thoát ra khỏi cơ thể bạn qua hơi thở, cùng với CO2. Khi đó, mùi hương tỏi ban đầu không còn dễ chịu nữa mà trở thành một mùi khiến bạn phải nhăn mặt khó chịu.

Hiệu ứng ‘hơi thở mùi tỏi’ có thể tồn tại đến 24 giờ sau bữa ăn. Chúng ta có thể giảm bớt mùi này bằng cách uống trà xanh, ăn bạc hà hoặc nhai kẹo cao su. Những thực phẩm này chứa hợp chất phenolic, liên kết với các sulfide sẽ khiến chúng “nặng” hơn và không bay hơi trong không khí được.

Bên cạnh đó, giáo sư Barringer cũng nhận định rằng: “Hơi thở có mùi tỏi chưa hẳn đã hôi hơn mùi từ củ tỏi sống, nhưng đơn giản là chúng ta đều khó chịu với mọi loại mùi thoát ra từ miệng người khác”.

Tuy nhiên, theo giáo sư Wilfredo Colón – trưởng bộ môn hóa học tại Viện Bách khoa Rensselaer (New York, Mỹ), việc nhiều người thích ăn tỏi có thể do tiềm thức nhận biết lợi ích của thực phẩm. 

Một số nghiên cứu cho thấy hợp chất trong tỏi giúp giảm huyết áp và mang lại hiệu quả kháng khuẩn cao. Chúng ta có xu hướng thích những thứ tốt cho sức khỏe, nên dễ dàng ăn tỏi và ngửi mùi tỏi.

“Hơi thở mùi tỏi là không tránh khỏi. Nếu sợ, đơn giản là đừng ăn nó nữa”, giáo sư Wilfredo Colón khuyên nhủ.

 

MINH HẢI