Xin lỗi thầy, cảm ơn mẹ… !
“Ai khóc được thì cứ khóc đi, vì ngày mai sẽ không còn là ngày hôm nay nữa” – cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nói với học sinh tại lễ tri ân và trưởng thành.
Xin lỗi thầy, cảm ơn mẹ… !
“Ai khóc được thì cứ khóc đi, vì ngày mai sẽ không còn là ngày hôm nay nữa” – cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nói với học sinh tại lễ tri ân và trưởng thành.
Học sinh Trường THPT Yên Hoà, Hà Nội lưu luyến với cô giáo trước khi dấn bước trên con đường mới – Ảnh: CHU HÀ LINH
Cả sân trường vỡ òa. Những ánh mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt rơi. Nhóm này ôm nhau thành vòng tròn. Nhóm khác khoác tay lên vai cất lên bài ca truyền thống. Vừa hát, vừa khóc, vừa cười.
“Không phải hiệu ứng đám đông khiến chúng con khóc đâu cô. Ngày thường, cũng có lúc nghĩ đến, nhưng trong không gian đặc biệt này, mọi cảm xúc mọi khi dồn nén mới ào đến. Nước mắt tự chảy thôi” – một nữ sinh ngồi vẻ thẫn thờ trên sân trường chia sẻ, trong sự kiện mà nhiều năm nay được coi là đánh dấu sự trưởng thành của các học sinh cuối cấp.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ với các học sinh: “Cô mong bắt đầu từ ngày mai, nếu các con đi học về mà chưa có cơm ăn thì đừng phụng phịu, vùng vằng mà hãy đi nấu cơm vì chắc mẹ đang bị tắc đường chưa thể về nhà và vì các con đã 18 tuổi rồi. Nếu con thấy bạn không vui thì hãy đến bên bạn, nắm chặt tay và nói rằng “có mình đây rồi, mọi việc rồi sẽ tốt thôi”.
Nếu con biết chia sẻ với người khác thì sẽ có người chia sẻ với con, đừng đắn đo, do dự, đừng sợ thiệt thòi. Hãy nhớ: sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Lễ trưởng thành, không chỉ là những lời cảm ơn, xin lỗi, hay những cái ôm dành cho thầy cô mà còn là những tình cảm với các bậc sinh thành của những đứa con nay đã tròn 18 tuổi.
Trên sân khấu, cô hiệu trưởng cúi thấp đầu rồi nói: “Tôi xin được cúi đầu cảm ơn tất cả các phụ huynh đã luôn ủng hộ tôi và nhà trường, đã đồng hành, sát cánh cùng chúng tôi để dạy dỗ các con”. Phía dưới, nhiều phụ huynh không giấu được cảm xúc.
Trời bỗng đổ mưa, mưa ào ạt. Lúc này, những vòng tay của các học trò cuối cấp vẫn đang ôm thầy cô, cha mẹ. Mặc mưa, nhiều người vẫn đứng yên trên sân trường.
“Trong đời sẽ khó có lần nữa tắm mưa trên sân trường như thế, nên tôi hiểu đó là khoảnh khắc đặc biệt” – một học sinh Trường THPT Yên Hòa chia sẻ.
Cái tên “Hơn cả mây trời” là ý tưởng của học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) đặt cho chuỗi hoạt động cuối cùng, chia tay tuổi học trò, và cũng là chủ đề của lễ tri ân của nhà trường.
“Tôi muốn đó không chỉ là một buổi lễ mà thực sự là bài học cuối cùng có ý nghĩa chúng tôi tổ chức cho các em. Ở Trường THPT Yên Hòa, các thầy cô chỉ tư vấn, còn mọi hoạt động đều do học sinh chủ động thiết kế” – cô Nhiếp cho biết.
Ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), khi các học sinh tiến đến ôm cha, mẹ mình thì cô giáo Nguyễn Kim Anh đã tiến đến ôm một học trò. Đó là Đàm Ngọc Ánh, cô gái trong tốp 5 học sinh giỏi nhất lớp có hoàn cảnh đặc biệt. Bố qua đời, mẹ đi làm xa, Ánh ở với bà nhưng bà già yếu không thể đến lễ tri ân trưởng thành được. Nhưng Ánh không có một mình, cô đơn, vì không chỉ cô Kim Anh mà các bạn bè lúc nào cũng ở bên cạnh, với những cái ôm đằm thắm.
“Tôi ôm Ngọc Ánh không phải vì tôi là cô giáo chủ nhiệm mà tôi muốn Ánh cảm nhận được tình cảm của người mẹ. Vì mẹ em không về được nên tôi đã thay mặt mẹ em để chia sẻ tình cảm với em trong buổi ghi dấu trưởng thành của học sinh” – cô Kim Anh cho biết.
Rất nhiều tình cảm, rất nhiều bài học theo những cô, cậu học sinh tuổi 18 vào đời như thế. Khó khăn, thách thức và cả những áp lực, những tác động tiêu cực của cuộc đời sẽ đến, nhưng những ngọt ngào của tuổi học trò sẽ còn mãi.
“Lâu lắm rồi nó không nói yêu bố mẹ và tôi cũng ngượng ngập khi thổ lộ điều đó, nên hôm nay tôi rất xúc động” – một người bố đã tâm sự trong lễ tri ân trưởng thành của Trường THPT Phan Huy Chú.
“Thầy ơi! Đến bây giờ, khi chỉ còn một buổi cuối cùng ở dưới mái trường này, bọn con mới thấy nuối tiếc vì đã để thầy phiền lòng nhiều. Ước gì có thể quay ngược thời gian để bọn con sửa sai thầy nhỉ! Nhưng điều đó là không thể, nên lúc này bọn con chỉ biết mong thầy tha lỗi. Bọn con muốn thầy hiểu rằng cả lớp biết ơn thầy rất nhiều và sẽ nhớ thầy mãi”
Một học sinh lớp 12 thay mặt các bạn chia sẻ.
“Lúc đầu em có thật sự ghét thầy vì cái gì em vi phạm thầy cũng biết ngay, từ việc đi học muộn, không ghi bài, nghịch ngợm. Bây giờ em mới cảm giác tiếc nuối vì đã không học hành tử tế từ sớm mà cứ để thầy lo lắng”
Một cậu học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) viết trong lưu bút.
“Mẹ chẳng bao giờ đem chuyện “con nhà người ta” để gây áp lực với con. Mẹ thường bảo điểm số không phải thước đo duy nhất, chỉ cần thấy con cố gắng thôi. Con đã vô tư nhận tình cảm của mẹ, giờ bỗng thấy hối hận quá”
Một học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ trong lễ tri ân trưởng thành.