25/01/2025

Dự án 10.000 tỉ chưa chắc giúp TP.HCM thoát ngập

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đang gấp rút về đích kịp tiến độ vào quý 1/2020. Vì thế ngay từ lúc này, hiệu quả của dự án là vấn đề được người dân cũng như lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm.

 

Dự án 10.000 tỉ chưa chắc giúp TP.HCM thoát ngập

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đang gấp rút về đích kịp tiến độ vào quý 1/2020. Vì thế ngay từ lúc này, hiệu quả của dự án là vấn đề được người dân cũng như lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm.
 
 
 
 
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đã hoàn thành 76% tiến độ thi công /// H.Mai

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đã hoàn thành 76% tiến độ thi công  H.MAI

 

Hoàn thành chưa chắc hết ngập?

Sáng nay (14.5), Đoàn giám sát HĐND TP.HCM có buổi thực địa một số hạng mục thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ).
 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam thông tin toàn bộ dự án hiện đã đạt khoảng 76% tiến độ thi công. Hiện khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy phần đê kè đã được điều chỉnh dịch chuyển, giảm số hộ phải đền bù xuống khoảng 50% (giảm 97 hộ so với 238 hộ theo dự kiến ban đầu) nhưng vẫn còn vướng một số tổ chức, hộ dân tại khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè.

 
Bên cạnh đó, thời gian vay của hợp đồng đã ký liên quan đến nguồn vốn vay ưu đãi chỉ kéo dài đến hết tháng 6. Do một số vướng mắc về thủ tục trong thời gian qua, dự án đã chậm hơn so với tiến độ đề ra ban đầu.
 
Đáng chú ý, khi các thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi về tác động của dự án sau khi hoàn thành, có thể giúp TP.HCM hết ngập không, ông Tiến trả lời “có thể có, có thể không”. Giám đốc Công ty Trung Nam giải thích, năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Trong đó chủ yếu là các công trình, dự án nạo vét cống, kênh rạch, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đô thị. Tuy nhiên do nhiều sự thay đổi khách quan từ biến đổi tự nhiên, đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận.
 
“Dự án chúng tôi đang làm thuộc quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu trước đây thủy triều đạt mức 1,5 m – >1,7 m TP sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, có thể ngăn triều lên tới mức 3 m. Có thể hình dung dự án như lực lượng biên phòng bao quanh vùng diện tích 570 km² khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Nếu các dự án theo quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì hệ thống cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả. Do đó, người dân không nên hiểu nhầm dự án hoàn thành là TP.HCM sẽ hết ngập. Đây là công trình quan trọng nhằm bổ trợ cho loạt hệ thống công trình chống ngập của TP” – ông Tiến lý giải.
 
Dự án 10.000 tỉ chưa chắc giúp TP.HCM thoát ngập - ảnh 2

TP.HCM vẫn khó thoát mùa ngập năm nay  PHẠM HỮU

Cần đồng bộ thoát trong, bơm ngoài

Cung cấp thêm thông tin cho Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó ban Quản lý khai thác hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết đơn vị này đang tham mưu cho TP từng bước thực hiện hoàn thiện các dự án nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, xây dựng các khu vực trữ nước nhằm giải quyết bài toán thoát nước mưa, nước mặt, đồng bộ cùng công trình kiểm soát ngập do triều. Các dự án thuộc quy hoạch 1547 và quy hoạch 752 đang được triển khai song song, đồng bộ, đảm bảo tương hỗ, bổ trợ cho nhau

 
“Ngoài nhiệm vụ kiểm soát triều, dự án chống ngập 10.000 tỉ còn giúp giảm mực nước, hỗ trợ thoát nước phía trong TP. Tuy nhiên vẫn cần kết hợp với hệ thống thoát nước đô thị tốt, đồng bộ thoát trong, bơm ngoài mới có thể giải quyết bài toán ngập cho TP.HCM” – ông Dũng nói.
 
Sau khi nghe báo cáo từ phía chủ đầu tư và các Sở, Ban ngành, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM ghi nhận sự cố gắng của tất cả các đơn vị trong quá trình triển khai đã sốt sắng, chủ động để dự án “chạy” nhanh nhất trong khả năng có thể. Tuy nhiên bà Lệ vẫn e ngại quá trình giải quyết các kiến nghị liên quan thủ tục giải phóng mặt bằng, gia hạn vốn đầu tư có thể không đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết, khiến dự án kéo dài, tăng chi phí. Do đó, bà yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước không chỉ báo cáo, đề xuất trên giấy mà phải trực tiếp đeo bám, sát sao, làm sao đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư đảm bảo dự án “về đích đúng hẹn”.
 
“Trong lần thị sát dự án mới nhất do UBND TP tổ chức, các quận, huyện đã cam kết đến 30.6 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện cam kết dự án về đích vào cuối 2019, đưa vào hoạt động trong quý 1/2020 nhưng với tốc độ thực hiện như hiện nay, tôi e rằng khó. Các quận, huyện cần đeo bám, sốt sắng hơn nữa, thực hiện theo đúng cam kết vì đây là dự án quy mô lớn, tác động mạnh tới đời sống nhân dân. UBND sẽ sớm tổ chức buổi làm việc với các quận, huyện để trực tiếp lắng nghe khó khăn, tháo gỡ, tiếp sức cùng địa phương giúp đẩy nhanh tốc độ dự án” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ khẳng định.
 
 
HÀ MAI