“Vành đai – con đường” thay đổi ra sao?
Sự thành bại của sáng kiến Vành đai – con đường (BRI) phụ thuộc vào việc liệu đầu nối Trung Quốc có thể gắn kết với các quốc gia phát triển châu Âu hay không.
“Vành đai – con đường” thay đổi ra sao?
Sự thành bại của sáng kiến Vành đai – con đường (BRI) phụ thuộc vào việc liệu đầu nối Trung Quốc có thể gắn kết với các quốc gia phát triển châu Âu hay không.Trung Quốc đồng ý cắt giảm khoảng 1/3 chi phí cho dự án ERCL của Malaysia từ 15.9 tỷ USD xuống còn 10.7 tỉ USD – Ảnh: New Straits Times
Câu hỏi này nhiều khả năng sẽ được giải đáp tại Hội nghị thượng đỉnh BRI lần 2 diễn ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 25 đến 27-4.
Điều chỉnh thể chế
Tháng 11 năm ngoái, khi phát biểu ở Hội nghị APEC 2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương không nên vay tiền Trung Quốc, bằng cách chơi chữ khi gọi BRI của Trung Quốc là sáng kiến “đai siết bụng, đường một chiều”.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi tương đối nhiều trong năm qua khi Trung Quốc có một số điều chỉnh mang tính thể chế, quy tắc, điều khoản cung cấp tín dụng, tính minh bạch và tính linh động trong việc thương lượng điều khoản hợp đồng.
Sự biến chuyển của sáng kiến BRI thể hiện nhu cầu của Trung Quốc muốn có các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn vốn đang được mong đợi bởi nhiều quốc gia khác.
Đầu tiên, Trung Quốc hiện đang cố gắng giảm nhẹ vai trò trung tâm của mình trong các dự án và thúc đẩy tính đa dạng của các quốc gia liên quan. Trong một cuộc họp đánh dấu kỷ niệm 5 năm BRI năm 2018, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sáng kiến BRI mang tính “dung nạp”.
Thứ hai, Trung Quốc cũng có các bước đi cụ thể để diệt trừ tham nhũng ở các dự án BRI, với hầu hết các nhà đầu tư là công ty nhà nước Trung Quốc. Tham nhũng chủ yếu xuất hiện dưới các hình thức chất lượng xây dựng thấp kém, hành vi lại quả cho các quan chức sở tại và có các hành vi đấu thầu không lành mạnh.
Theo số liệu của Uỷ ban Quản lý và giám sát vốn nhà nước (SASAC), các công ty nhà nước đã thực hiện 3.116 dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng BRI.
Chính vì vậy, trong nỗ lực mở rộng chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” sang các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài, SASAC và Ban kỷ luật Trung ương Đảng gần đây đã có các văn bản hướng dẫn yêu cầu các công ty nhà nước tăng cường giám sát các hoạt động đầu tư dự án BRI ở nước ngoài.
Song song đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiểm toán các dự án BRI của các công ty nhà nước, ngoài ra cũng thẩm tra pháp lý kỹ hơn trước khi thực hiện đầu tư.
Đây là các thay đổi mang tính thể chế nhằm tăng cường tính minh bạch cho các dự án BRI ở nước ngoài, trước các chỉ trích từ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF khi các dự án không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức đầu tư hay quy trình cấp vốn.
Muốn gắn chặt phương Tây với BRI
Ngoài ra, Trung Quốc ký kết các hợp tác thị trường bên thứ ba với các quốc gia phát triển như Pháp, Tây Ban Nha và Úc để cùng xây dựng các dự án BRI ở các quốc gia khác.
Trong hội nghị thượng đỉnh lần 2, Trung Quốc sẽ dự định ký kết tiếp các hợp tác dạng này với Anh, Thụy Sĩ và Áo để cùng chia sẻ lợi ích. Đây cũng là cách Trung Quốc gắn chặt các quốc gia phương Tây vào dự án BRI khi họ không thể vừa được lợi từ BRI và vừa chỉ trích BRI.
Không biến “nợ” thành “công cụ chính trị”
Trong một nỗ lực chứng minh sáng kiến BRI là một kế hoạch cùng lợi (win-win) cho cả hai bên, Bắc Kinh muốn thể hiện rằng mình cũng linh động, biết lắng nghe và sẵn sàng thương lượng lại đối với các dự án có vấn đề.
Ngay sau khi thắng cử vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Mahathir của Malaysia tuyên bố Malaysia không đủ khả năng để tiếp tục Đường sắt bờ biển phía đông (ECRL) với hầu hết vốn vay là từ Trung Quốc, được ký kết từ thời người tiền nhiệm Najib Razak. Dự án ECRL được coi là dự án lớn thứ hai trong sáng kiến BRI của Trung Quốc với số vốn gần 16 tỉ USD.
Đối với chính phủ của Thủ tướng Mahathir, dự án này quá tốn kém khi dân số khu vực bờ biển phía đông của Malaysia ít hơn bờ tây. Sau nhiều tháng thương lượng, ngày 12-4 vừa qua Malaysia và Trung Quốc đã ký phụ lục hợp đồng, đồng ý tiếp tục dự án ECRL với chi phí cắt giảm khoảng 1/3 cho dự án đường sắt hơn 600km từ 15,9 tỉ USD xuống còn 10,7 tỉ USD.
Vào cuối tháng 3-2019, Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, cam kết nước này sẽ giải quyết vấn đề nợ phát sinh thông qua tham vấn thân thiện và không bao giờ gây sức ép trả nợ, để biến “nợ” thành “công cụ chính trị” cho mình.
Mặc dù các thay đổi có thể chưa đủ sâu và triệt để có thể đánh tan các mối e ngại về sáng kiến BRI, nhưng Trung Quốc rõ ràng đang muốn thu hút các quốc gia khác tham gia vào một thể chế đa phương do mình đề xướng với các luật lệ rõ ràng hơn trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự thượng đỉnh BRI
Sáng 25-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao rời Hà Nội đi Bắc Kinh dự Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai – con đường lần 2 có chủ đề “Hợp tác Vành đai – con đường, định hình tương lai chung tươi sáng hơn”.
Thủ tướng dự kiến tham dự phiên khai mạc ngày 26-4 và phát biểu tại hội nghị bàn tròn thượng đỉnh một ngày sau đó.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc để tham dự diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh BRI lần 2 thu hút gần 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ tham dự, so với con số 29 ở hội nghị lần 1 vào năm 2017. Hội nghị có sự xuất hiện của lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, cũng như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ý Guseppe Conte, Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz.
DIỆU AN