23/12/2024

Ngân hàng cần đẩy nhanh ‘chip hoá” để tránh mất tiền trong thẻ ATM

Gần đây lại xảy ra hàng loạt vụ mất tiền trong thẻ ATM khiến chủ thẻ không kịp phản ứng. Các ngân hàng cần đẩy nhanh quá trình thay thẻ từ sang thẻ chip để tăng cường bảo mật cho khách hàng.

 

Ngân hàng cần đẩy nhanh ‘chip hoá” để tránh mất tiền trong thẻ ATM

Gần đây lại xảy ra hàng loạt vụ mất tiền trong thẻ ATM khiến chủ thẻ không kịp phản ứng. Các ngân hàng cần đẩy nhanh quá trình thay thẻ từ sang thẻ chip để tăng cường bảo mật cho khách hàng.

 
 
 
 
Ngân hàng cần đẩy nhanh chip hóa để tránh mất tiền trong thẻ ATM - Ảnh 1.

Hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang đẩy nhanh tiến độ “chip hoá” thị trường thẻ khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ (ảnh minh hoạ khách hàng đang rút tiền tại ATM) – Ảnh: T.L.

 

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, anh Đ.K.Thọ cho biết anh làm công nhân, dành dụm nhiều tháng dư được 8 triệu đồng. Khoảng 21h ngày 10-3, khi anh đang ở nhà liên tục có 4 tin nhắn trừ tiền trong tài khoản báo về, mỗi giao dịch 2 triệu đồng, tổng cộng tài khoản bị trừ hết 8 triệu đồng. 

“Chỉ trong vòng 1, 2 phút tài khoản của tôi bị rút sạch tiền, chỉ còn lại 55.000 đồng. Do ngân hàng quy định phải duy trì số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản nên đối tượng phạm tội không thể rút thêm được”, anh Thọ cho hay.

Cũng theo anh Thọ, thời điểm nhận tin nhắn anh rất hoảng hốt vì vẫn đang giữ thẻ trong bóp. Ngay sau đó anh đã gọi lên tổng đài yêu cầu khóa thẻ và đến ngân hàng trình báo vào sáng hôm sau. Ngân hàng cho biết đã ghi nhận sự việc và sẽ kiểm tra lại trước khi có trả lời chính thức. Nếu thẻ của anh bị tội phạm thẻ sao chép thông tin để chế tạo thẻ giả và rút tiền thì ngân hàng sẽ tạm ứng toàn bộ số tiền bị mất cho anh.

Một trường hợp khác cũng bị mất tiền là anh Đ.Đ.Q.. Anh Q. cho biết vừa qua anh làm thẻ tại chi nhánh một ngân hàng ở Q.7 và nộp vào 1,5 triệu đồng. Sau đó anh Q. rút ra 500.000 đồng để chi tiêu. Tuy nhiên chỉ 20 phút sau khi anh thực hiện giao dịch rút tiền thì tài khoản của anh bị trừ nốt 1 triệu đồng còn lại. “Số tiền 1 triệu đồng với sinh viên rất lớn nhưng ngân hàng nói phải chờ từ 5-7 ngày làm việc”, anh Q. bức xúc. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 13-3, đại diện ngân hàng nơi anh Đ.Đ.Q. mở thẻ cho biết đã kiểm tra xác nhận thẻ của anh Q. bị tội phạm thẻ sao chép thông tin và chế tạo thẻ giả để rút tiền. Trong ngày 13-3 ngân hàng sẽ hoàn số tiền 1 triệu đồng cho anh Q.. Trong khi ngân hàng phát hành thẻ cho anh Đ.K.Thọ cho biết vẫn đang kiểm tra. 

Hiện các nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang đẩy nhanh tiến độ “chip hóa” thị trường thẻ khiến Việt Nam trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua liên tục các vụ mất tiền trong thẻ đã xảy ra, có nhiều trường hợp ngân hàng đã bắt được các đối tượng tội phạm. 

Như cuối năm 2018 sau khi nhận được một số khiếu nại của khách hàng về việc không giao dịch nhưng bị trừ tiền trong thẻ ATM, một số trường hợp đã bị rút sạch tiền, VietinBank đã theo dõi trên hệ thống, khoanh vùng và phát hiện các đối tượng trộm tiền đã chế tạo thẻ giả và rút tiền tại ATM ở Lào Cai. Nhân viên VietinBank và bảo vệ ngân hàng đã vây bắt khi đối tượng người Trung Quốc đang rút tiền trong buồng ATM và giao cho cơ quan công an.

Ở thời điểm bắt quả tang, đối tượng đã rút ở một vài cây ATM được số tiền mặt hơn 100 triệu đồng. 

Các ngân hàng cho biết hiện các đối tượng tội phạm nghiên cứu rất kỹ quy luật hoạt động của ngân hàng. Các ngày trong tuần khi tiếp quỹ nhân viên ngân hàng cũng đồng thời kiểm tra kỹ buồng ATM xem có thiết bị lạ nào hay không. Do vậy các đối tượng này thường gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ và máy quay để quay lại mật khẩu vào thời điểm cuối tuần.

Ngoài ra chúng còn dùng chiêu đánh cắp thông tin thẻ ở một nơi và rút tiền ở một nơi khác nhằm đánh lạc hướng và cũng để dễ tẩu thoát. Chẳng hạn trong vụ việc VietinBank bắt quả tang ở trên, lấy trộm tiền khách hàng tại Ninh Bình, nhưng các đối tượng người Trung Quốc đến các cây ATM ở Lào Cai để rút tiền nhằm đánh lạc hướng và tiện bề tẩu thoát về nước sau khi thực hiện trót lọt phi vụ.

 

A.HỒNG