Làm gì để không phải ‘run sợ’ trước dịch sởi tái xuất?
Tiến bộ khoa học giữa các quốc gia, khu vực không đồng đều; các thành tích đạt được về tỉ lệ bao phủ văcxin ở cấp quốc gia có thể “che lấp” thực tế địa phương…, được xem là nguyên nhân “gốc rễ” cho sự trở lại của dịch sởi, theo WHO.
Làm gì để không phải ‘run sợ’ trước dịch sởi tái xuất?
Tiến bộ khoa học giữa các quốc gia, khu vực không đồng đều; các thành tích đạt được về tỉ lệ bao phủ văcxin ở cấp quốc gia có thể “che lấp” thực tế địa phương…, được xem là nguyên nhân “gốc rễ” cho sự trở lại của dịch sởi, theo WHO.Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay các nước trong khu vực châu Âu có nhiều trẻ em được tiêm phòng sởi hơn bao giờ hết. Nghịch lý là khu vực này có tỉ lệ tiêm văcxin gia tăng trong năm 2017 nhưng bệnh sởi vẫn bùng phát trong năm 2018.
Sởi bùng phát ở nước có tỉ lệ văcxin bao phủ cao
Theo đó, năm 2018, bệnh sởi đã giết chết 72 trẻ em và người lớn ở khu vực châu Âu. Báo cáo quốc gia hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 12-2018 cho thấy tại châu Âu có trên 82.000 người ở 47 nước mắc sởi đã phải nhập viện.
Năm 2018 là năm mà châu Âu có số người nhiễm virút sởi cao nhất trong thập kỷ này, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 15 lần năm 2016.
Điều đáng lo ngại là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi năm 2018 lại xảy ra ở thời điểm sau một năm khu vực châu Âu đạt được mức độ bao phủ ước tính cao nhất từ trước đến nay đối với liều văcxin sởi thứ hai (đạt 90% vào năm 2017).
Tuy nhiên theo WHO, những tiến bộ dựa trên thành tích đạt được về tỉ lệ bao phủ văcxin ở cấp quốc gia có thể che lấp những khoảng trống ở cấp địa phương, thường không được để ý cho đến khi dịch bệnh bùng phát.
Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy trong số các trẻ mắc bệnh sởi, trên 50% trẻ chưa tiêm chủng, gần 40% tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, 10% tiêm đủ hai mũi văcxin ngừa sởi – Ảnh: DUYÊN PHAN
Hình ảnh về bệnh sởi gia tăng trong năm 2018 cho thấy rõ rằng tốc độ tiến bộ hiện nay trong việc tăng tỉ lệ tiêm chủng vẫn không đủ để ngăn chặn bệnh sởi lưu hành.
Trên thực tế, dữ liệu cho thấy độ bao phủ tiêm chủng đặc biệt cao ở cấp khu vực, nhưng cũng là thời điểm có số lượng kỷ lục mắc bệnh sởi và tử vong do căn bệnh này.
“Điều này có nghĩa là những khoảng trống về tiêm văcxin ở cấp địa phương vẫn là ‘cánh cửa đang mở’ cho virút sởi tiếp tục tấn công cộng đồng. Điều này giải thích tại sao độ bao phủ tiêm chủng đã được cải thiện về tổng thể trong khu vực, nhưng vẫn còn nhiều người dễ mắc bệnh”, WHO đánh giá.
Ngăn ngừa bệnh sởi được không?
Bệnh sởi tưởng như đã trở thành đề tài của quá khứ khi nhiều quốc gia tuyên bố đã loại trừ nó. Nay nó lại bùng phát thành dịch ở Mỹ, châu Âu và châu Á, trở thành nỗi “run sợ” cho cả thế giới.
Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và loại trừ bệnh sởi, các quốc gia cần duy trì độ bao phủ tỉ lệ tiêm chủng quốc gia của từng địa phương với hai liều văcxin sởi.
Duy trì độ bao phủ tỉ lệ tiêm chủng quốc gia của từng địa phương với hai liều văcxin sởi – giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự trở lại của dịch sởi – Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo đó phải đảm bảo tất cả các nhóm dân cư trên cùng một địa bàn có quyền tiếp cận công bằng và thuận lợi đối với dịch vụ tiêm chủng, xác định những người đã bị bỏ sót tiêm chủng trong quá khứ để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và tiêm đầy đủ các loại văcxin.
Bên cạnh đó phải đảm bảo nhân viên y tế được tiêm văcxin để ngăn ngừa lây truyền trong các cơ sở y tế, được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng liên quan đến tiêm chủng và miễn dịch để cảm thấy tự tin khi tuyên truyền cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó là giải pháp tuyên truyền, giải đáp, củng cố niềm tin của người dân vào tiêm văcxin, các địa phương cung cấp văcxin kịp thời với giá cả phải chăng, đảm bảo an toàn khi tiêm văcxin…
Đặc biệt là cần cải thiện năng lực phát hiện và ứng phó ổ dịch để loại trừ trước khi lây lan, bùng phát.
Trên 50% trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng
Riêng tại Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay, dịch sởi đã bùng phát và có diễn biến khá phức tạp.
Theo cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu, năm 2018, đặc biệt 3 tháng cuối năm, có trên 9.700 người mắc sốt phát ban nghi sởi, số có xét nghiệm dương tính với bệnh sởi là gần 2.000 ca.
So với cùng kỳ 2017, số sốt phát ban nghi sởi cao gấp 21 lần, số có dương tính với bệnh sởi tăng 13 lần.
Trong các tuần đầu năm 2019, bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em được ghi nhận ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam – vùng vốn không có “truyền thống” của bệnh sởi – như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM cũng gia tăng mạnh.
Trong số trẻ mắc bệnh, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có trên 50% chưa tiêm chủng, gần 40% tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, 10% tiêm đủ hai mũi văcxin ngừa sởi.