27/12/2024

Gỡ rối nỗi lòng bệnh nhân

Vào nhà vệ sinh bệnh viện, bà ngộp thở đến muốn xỉu. Rồi gặp sự gắt gỏng của bác sĩ, bà lại nặng lòng! Đó là chuyện trước đây của bà Đào Thị Xuân trong một lần “gõ cửa” Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Nhưng gần đây mọi chuyện đã có phần đổi thay…

 

Gỡ rối nỗi lòng bệnh nhân

Vào nhà vệ sinh bệnh viện, bà ngộp thở đến muốn xỉu. Rồi gặp sự gắt gỏng của bác sĩ, bà lại nặng lòng! Đó là chuyện trước đây của bà Đào Thị Xuân trong một lần “gõ cửa” Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Nhưng gần đây mọi chuyện đã có phần đổi thay…
 
 
 
 

Gỡ rối nỗi lòng bệnh nhân - Ảnh 1.

Bác sĩ cùng bệnh nhân vui vẻ chụp hình chung ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: CTV

Rất vui khi có bệnh viện và bác sĩ tận tình tổ chức các buổi tư vấn cho bệnh nhân. Nhưng tôi thấy vẫn còn một số bệnh viện chưa làm tốt câu lạc bộ này, thậm chí thái độ của bác sĩ rất khó chịu, phản cảm. Mong điều tốt đẹp sẽ lan tỏa dần.

Ông Nguyễn Văn Lâm, cựu cán bộ về hưu

Một ngày cuối năm, hội trường tầng 3 Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn chật ních người. Đa số là bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị nội trú, ngoại trú trong câu lạc bộ đái tháo đường. 

Cứ bốn tuần một lần, hôm nay lại đến ngày bệnh nhân tụ họp. Họ rất háo hức khi có mặt bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, phó giám đốc bệnh viện. 

Khác hẳn trước đây, giờ muốn “trút bầu tâm sự”, người bệnh dễ dàng được gặp cả giám đốc, phó giám đốc, các trưởng, phó khoa chuyên môn. Điều hiếm thấy trong hiện trạng quá tải bệnh viện đang nhức nhối.

“Cô bác cứ hỏi thoải mái”

Buổi sinh hoạt vui vẻ hẳn khi xen lẫn là những giọng ca, vần thơ từ chính người bệnh. Sang tuổi 79, bà Xuân còn rất minh mẫn, ngồi hàng ghế dưới cùng chăm chú lắng nghe giải đáp của bác sĩ Vui về căn bệnh tiểu đường kinh niên của mình. 

Rồi bà giơ tay xin tỏ lòng: “Hôm rồi tôi nhập viện nhưng bác sĩ cho cái gì đâu, điều trị hoài chẳng khỏi. May mà sau đó tôi vào đúng phòng số 1 có bác sĩ Hương khám, cho thuốc uống rất trúng, nhờ vậy tôi khỏe đến giờ”.

Hay tin bác sĩ Hương nghỉ, giọng bà Xuân chùng xuống, vẻ mặt buồn rầu: “Bác sĩ Hương nghỉ rồi giờ ai khám thay, liệu có dễ thương, giỏi giang bằng không?”. Cả hội trường ồ lên, vỗ tay rần rần. 

“Cảm ơn cô đã tin tưởng. Bác sĩ Hương nghỉ, nhưng cô cứ yên tâm bởi còn có bác sĩ khác phục vụ tốt như bác sĩ Hương. Nếu có gì chưa xuôi, cô cứ phản ảnh trực tiếp với cháu” – bác sĩ Vui lễ phép động viên. Bà Xuân nở nụ cười, gật gù.

Ngồi kế bên, bà Phạm Thị Danh – 73 tuổi, ở Q.Tân Bình – bị tiểu đường gần 20 năm nên rất băn khoăn chế độ ăn uống. Thắc mắc nhanh chóng được bác sĩ Bùi Thị Thu Hoài, trưởng khoa dinh dưỡng, giải đáp cụ thể về lượng cơm, thức ăn, rau xanh, trái cây. 

“Cháu khuyên cô nên ăn nhiều rau xanh, cố gắng mỗi ngày được khoảng 200gr rau bởi người tiểu đường hay bị táo bón” – bác sĩ Hoài nhiệt tình tư vấn.

Tự nhận mình “già cả, khó tính”, một bệnh nhân ngoài 60 tuổi còn góp ý phòng ốc bệnh viện chật chội, mỗi lần đến khám tìm ghế ngồi rất khó nên cứ phải ra cửa chờ. Bác sĩ Vui chân tình hứa sẽ cố khắc phục và mong được chia sẻ bởi diện tích bệnh viện có hạn. 

Bác sĩ còn hỏi thêm điều trị bệnh có hiệu quả không, bệnh nhân này vui vẻ trả lời: “Từ hôm có máy sóng ngắn, chất lượng điều trị tốt, tôi làm hai lần mà chân đỡ hẳn, đi được ngay”.

Bác sĩ Vui kể từ năm 2015 đơn vị đã cho ra đời các câu lạc bộ đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, truyền thông giáo dục sức khỏe. Số người tham gia các câu lạc bộ này đã trên 120 người, hoạt động luân phiên 4 tuần/lần. Người bệnh được hỏi thoải mái để bác sĩ giải thích cặn kẽ hơn về bệnh lý. Cơ hội kéo gần khoảng cách bác sĩ – người bệnh…

“Phụ nữ là để yêu thương”

Bên cạnh tư vấn chuyên môn, giải quyết vấn đề người bệnh bức xúc, nhiều bệnh viện đã có những bước đi âm thầm hỗ trợ tâm lý cho người bệnh chiến đấu với bệnh hiểm nghèo…

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tâm sự thấu hiểu nhu cầu thông tin bệnh ung thư, đơn vị đã cho ra đời chương trình “Trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa” để giúp an lòng người bệnh. 

Định kỳ mỗi tháng, các lãnh đạo bệnh viện, trưởng, phó khoa chuyên môn sẽ có buổi giải đáp tất tần tật thắc mắc của người bệnh lẫn thân nhân. 

Đến nay, chương trình trải qua bốn lần với các chủ đề bay bổng như “Phụ nữ là để yêu thương”, “Hiểu đúng bệnh – chữa đúng cách”, “Đừng để sức khỏe lên tiếng” và “Nâng cao nhận thức – điểm tô hi vọng”.

Mới đây, hay tin có buổi sinh hoạt “Phụ nữ là để yêu thương”, bà Nguyễn Thị Minh, TP.HCM, thấp thỏm mong đến ngày được trò chuyện cùng bác sĩ. Đặc biệt, buổi sinh hoạt còn có bác sĩ Phạm Xuân Dũng (giám đốc), bác sĩ Lê Anh Tuấn (phó giám đốc), bác sĩ Trần Nguyên Hà (trưởng khoa nội 4)…

Trước đó, trong đợt khám sức khỏe định kỳ, bà Minh phát hiện u nang vú. Bà lo sợ, khám nhiều nơi chỉ được bác sĩ tư vấn theo dõi định kỳ. “Tui tham gia buổi sinh hoạt vì muốn hiểu thêm bệnh để kịp thời có hướng điều trị, chứ cứ theo dõi không biết thế nào” – bà chia sẻ. Còn với chị Nguyễn Nữ Quỳnh Giao – người mang trong mình bệnh ung thư vú 4 năm qua, trải qua vô số lần điều trị, lại càng nặng nỗi lo.

Trong hiện trạng quá tải bệnh viện, việc gặp bác sĩ chuyên khoa để có được nhiều thời gian giải thích cặn kẽ là rất khó. Nhưng lần này thì khác, chị Giao có thể hỏi mọi thắc mắc và được giải đáp ngay. Các bác sĩ Dũng, Tuấn, Hà làm chị tạm an lòng, “thủ” cho mình những kiến thức bổ ích bấy lâu nay tìm kiếm. 

“Bác sĩ chia sẻ rất nhiều thông tin về bệnh lý ung thư vú, từ cách sớm nhận biết, những yếu tố nguy cơ đến giai đoạn bệnh, mức độ lan rộng bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay” – chị Giao trải lòng.

Làm thơ tặng bệnh viện

Vượt khỏi phạm vi tư vấn sức khỏe, nhiều người bệnh còn chia sẻ vui buồn suốt quá trình điều trị. Anh Dương Công Khanh đến từ An Giang vốn rất mạnh mẽ, nhưng khi được tâm sự hành trình cùng người bạn đời chiến đấu với bệnh tật, nước mắt anh cứ tuôn trào!

Từ đầu năm 2018 đến nay, khi vợ anh bị ung thư vú nhập viện cũng là chừng ấy thời gian anh Khanh bỏ tất cả để cùng đồng hành với bạn đời vượt qua đớn đau bệnh tật. Tham gia buổi sinh hoạt, được nghe nhiều chuyện nghị lực, hiểu thêm về bệnh ung thư, anh trải lòng rằng mình vững tin hơn để nắm chặt tay vợ trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.

“Cây đẹp nhờ có bông hoa. Bác sĩ đẹp nhờ có tấm lòng. Chúc cho cả viện một lòng. Các cô quản lý trong lòng nở hoa…”, là một nông dân quanh năm chỉ quen ruộng vườn, bài thơ do chính anh Khanh viết tặng bác sĩ mộc mạc mà tràn tấm chân tình!

Học tâm lý để hiểu người bệnh

 

bs1

Bác sĩ Trần Nguyên Hà (bìa trái) cùng bệnh nhân ung thư đồng ca bài Không thể và có thể – Ảnh: CTV

ThS Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết không chỉ tư vấn chuyên môn, ông có ý tưởng cử người đi học các lớp tâm lý để đồng cảm, hiểu hơn tâm lý bệnh nhân. Đặc biệt là bệnh nhân ung thư từ giai đoạn bắt đầu nghe tin, không chấp nhận rồi thoả hiệp.

“Khoảng 500 bệnh nhân khám mỗi ngày nằm ở các khoa giảm nhẹ, vào hóa chất. Tôi thấy còn phải làm rất nhiều điều để giúp họ an lòng chiến đấu với bệnh tật” – ThS Hiển nói.

Ngoài ra, hiện cũng có hàng trăm người bệnh tham gia các câu lạc bộ đái tháo đường, viêm gan B, máu không đông, tim mạch, suy thận… do Bệnh viện Q.Thủ Đức tổ chức. Việc ra đời các câu lạc bộ này, theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân – giám đốc bệnh viện, là cơ hội để người bệnh và bác sĩ cùng chia sẻ tận tình về bệnh lý.

“Tôi quan niệm người bệnh chính là thầy của bác sĩ. Do đó, được chia sẻ với người bệnh cũng chính là cơ hội của bác sĩ thấu hiểu, nâng cao tay nghề” – bác sĩ Quân trải bày.

 

HOÀNG LỘC