26/01/2025

Kinh doanh vì tương lai dân tộc

Cuối năm cũ, một sự kiện từ Nhật Bản gây tranh luận sôi nổi về văn hoá kinh doanh, về tư chất của lãnh đạo doanh nghiệp, về tinh thần doanh nghiệp và về kinh doanh trong thời đại toàn cầu hoá.

 

Kinh doanh vì tương lai dân tộc

Cuối năm cũ, một sự kiện từ Nhật Bản gây tranh luận sôi nổi về văn hoá kinh doanh, về tư chất của lãnh đạo doanh nghiệp, về tinh thần doanh nghiệp và về kinh doanh trong thời đại toàn cầu hoá.
 
 
 
 

Kinh doanh vì tương lai dân tộc - Ảnh 1.

Ở Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc đất nước mới phát triển

GS Trần Văn Thọ

Sự kiện xảy ra ngày 19-11-2018, cảnh sát Nhật bắt ông Carlos Ghosn (sinh năm 1954) – chủ tịch ba công ty xe hơi Nissan (Nhật), Renault (Pháp) và Mitsubishi (Nhật) – khi chuyên cơ của ông vừa đáp xuống sân bay Haneda (Tokyo). Ông Ghosn bị bắt vì bị tình nghi phạm luật giao dịch tài chính.

Từ chuyện thù lao của ông Ghosn

Theo Luật giao dịch tài chính của Nhật, các nhà kinh doanh, thành viên ban giám đốc công ty nếu được trả tiền thù lao trên 100 triệu yen (khoảng 900.000 USD) một năm thì phải ghi rõ trên báo cáo hằng năm của công ty (nộp cho Bộ Tài chính).

Từ năm 2010, mỗi năm Nissan trả thù lao cho ông Ghosn (thật ra kết quả điều tra cho thấy mức thù lao Nissan trả là do ông tự quyết định) 2 tỉ yen (khoảng 18 triệu USD), nhưng ông chỉ khai báo một nửa số tiền đó. Theo điều tra sau khi bị bắt, một nửa còn lại ông sẽ nhận sau khi hết làm việc cho Nissan.

Hiện nay, tại phòng tạm giam và trước cơ quan điều tra, ông Ghosn nói vô tội vì số tiền một nửa không khai báo đó ông chưa nhận nên không cần khai báo.

Cơ quan điều tra vẫn quy tội, vì luật định dù chưa nhận nhưng khi đã xác định được cụ thể số tiền thù lao thì phải khai báo đầy đủ. Cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ để chứng minh số tiền thù lao của ông Ghosn dù chưa nhận nhưng đã được xác định hằng năm.

Trong quá trình điều tra, người ta còn phát hiện nhiều vấn đề khác nữa xung quanh hành động không rõ ràng của ông Ghosn, liên quan việc dùng tiền của Công ty Nissan cho sinh hoạt riêng tư của mình hoặc ưu tiên cho bạn bè, người thân khi quyết định đối tác giao dịch với các hoạt động của Nissan.

Nhưng ở đây ta không đi sâu vào các vấn đề đó, chỉ bàn về số tiền thù lao của một lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi báo chí loan tin về số tiền thù lao hằng năm mà ông Ghosn nhận từ Nissan, người Nhật nói chung rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì số tiền quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Một nhân viên ở một công ty lớn khi được hỏi cảm tưởng đã nói là lương của anh ta cộng dồn lại suốt cuộc đời (làm việc độ 40 năm) có lẽ chỉ độ 300 triệu yen, nhưng chỉ một năm lương của ông Ghosn tại một công ty đã lên đến 2 tỉ, gần gấp 7 lần tiền lương suốt đời của nhân viên này.

Ngoài Nissan, mỗi năm ông Ghosn còn nhận tiền lương 700 triệu yen từ Renault và 300 triệu yen từ Mitsubishi.

Kinh doanh vì tương lai dân tộc - Ảnh 3.

GS Trần Văn Thọ (Nhật) – MH: THẾ THÔNG

Đến triết lý kinh doanh của Nhật

Nhưng cũng có hai ý kiến đồng tình với ông Ghosn.

Một là, ông là người có công cứu Công ty Nissan đang ở bờ vực phá sản. Năm 1999, Nissan lâm vào khủng hoảng, tiền nợ lên tới 2.100 tỉ yen, phải cầu cứu Công ty Renault của Pháp. Renault đã bỏ ra số vốn lớn mua 43% cổ phiếu của Nissan, trở thành chủ sở hữu chi phối và cử ông Carlos Ghosn, phó tổng giám đốc Renault, sang Nhật giữ vai trò tái kiến thiết Nissan.

Là người đứng đầu mới của Nissan, ông Ghosn đã đưa ra chiến lược 4 năm, dùng các biện pháp mạnh như đóng cửa ngay 5 nhà máy xét thấy không hiệu quả, sa thải 21.000 trong số khoảng 100.000 công nhân viên, cắt quan hệ với nhiều công ty vệ tinh để giảm 20% phí tổn mua linh kiện và sản phẩm phụ, thoái vốn trên 1.000 công ty con…

Với các biện pháp đó, Nissan phải giảm quy mô sản xuất trong nước, từ 2,4 triệu chiếc còn 1,65 triệu chiếc xe, nhưng sau 4 năm đã thoát khỏi khủng hoảng, trả hết tiền nợ và hồi phục lợi nhuận.

Hai là, ông Ghosn là nhà kinh doanh tầm cỡ thế giới, phải được nhận tiền thù lao tương đương với các nhà kinh doanh tài năng của Âu Mỹ.

Nhiều lãnh đạo kinh doanh của Mỹ còn nhận mức thù lao cao hơn ông Ghosn nhiều. Hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa, cạnh tranh gay gắt, các công ty phải trả lương rất cao mới thu hút những nhà quản lý, kinh doanh giỏi.

Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đúng là trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, nhân tài di chuyển dễ dàng đến những nơi đáp ứng tương xứng với đóng góp của họ. Nhưng nhìn toàn cục, chủ nghĩa thị trường tuyệt đối như vậy có mang lại hài hoà cho xã hội, cho thế giới hay không là vấn đề phải bàn thêm.

Phong trào dân túy ngày càng mạnh cho thấy sự bất bình của đại đa số dân chúng các nước trước tình trạng người thắng (trong cuộc cạnh tranh) chiếm hết (the winner takes all).

Để xã hội hài hòa, ổn định, có nên cần một triết lý kinh doanh khác, trong đó trách nhiệm xã hội cần được đề cao. Chính ông Ghosn cũng giải thích với cơ quan điều tra lý do ông muốn giấu đi một nửa tiền thù lao (để đến khi về hưu mới nhận) là ngại công nhân viên Nissan ganh tị, giảm động lực làm việc của họ.

Trường hợp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản có thể có nhiều điều để ta suy nghĩ về một triết lý kinh doanh khác, được xã hội tôn trọng, ngưỡng mộ. Triết lý kinh doanh của Nhật, tư chất chung của các nhà kinh doanh tiêu biểu của Nhật được thể hiện như sau:

Thứ nhất, mục tiêu kinh doanh của các nhà sáng lập công ty của Nhật là vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Ibuka Masaru trong diễn từ tại buổi lễ thành lập Công ty Sony năm 1946 đã nói một câu làm xúc động lòng người: “Ta phải đem công nghệ góp phần vào phục hưng tổ quốc chúng ta”.

Các nhà kinh doanh tiêu biểu khác như Matsushita Konosuke (sáng lập Panasonic), Toyoda Kiichi (sáng lập Toyota) và rất nhiều doanh nhân khác cũng có cùng triết lý đó. Ngày nay, những người kế tục sự nghiệp của họ cũng gìn giữ tinh thần vì đất nước, vì xã hội. Họ chỉ nhận mức thù lao vừa phải và lợi nhuận công ty dành ưu tiên cho tăng lương và phúc lợi cho toàn công nhân viên.

Chẳng hạn tổng giám đốc Công ty Toyota hiện nay là Toyoda Akio tuy là con cháu của người sáng lập và đang lãnh đạo công ty xe hơi hàng đầu thế giới với lợi nhuận rất lớn nhưng thù lao hằng năm chỉ trên dưới 200 triệu yen, mức cao nhất gần đây chỉ có 350 triệu yen, chỉ bằng 17% thù lao của Ghosn ở Nissan.

Thứ hai, lập luận cho rằng ông Ghosn đã cứu Nissan khỏi khủng hoảng nên đáng được hưởng thù lao lớn cũng xa lạ với văn hóa Nhật Bản. Trong tiếng Nhật có một từ rất hay là “ông tổ của thời trung hưng” (chuko no so) để chỉ những nhà kinh doanh không phải sáng lập công ty nhưng đã có công cứu công ty vượt qua khủng hoảng, hoặc có năng lực cách tân công nghệ hay năng lực kinh doanh làm cho công ty phát triển lên một tầm cao mới, đưa công ty bước vào thời đại mới.

Trường hợp này rất nhiều, chỉ kể các công ty nổi tiếng ta thấy có Toyoda Eiichi (1913-2013) của Toyota, Kaku Ryuzaburo (1926-2001) của Canon, Higuchi Hirotaro (1926-2012) của Công ty bia rượu Asahi, Kawamura Takashi (1939) của Hitachi…

Dù công ty thoát khủng hoảng hoặc phát triển mạnh nhờ tài năng của họ, nhưng các nhà kinh doanh này không nhận tiền thù lao đặc biệt, tiền lương hay thù lao của họ chỉ tăng ở mức như mọi thành viên khác của công ty. Thay vào đó, họ được vinh danh trong lịch sử của công ty, được tặng huân chương cao quý của nhà nước và được cả xã hội ngưỡng mộ.

Triết lý kinh doanh và luật định

Tại Việt Nam, ta thấy có hiện tượng mà báo chí gọi là “lương khủng” của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không có thành tích xuất sắc trong kinh doanh, thậm chí có trường hợp làm ăn thua lỗ cũng định cho mình mức lương quá lớn.

Theo tôi, ở Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc thì đất nước mới phát triển.

Nếu Việt Nam muốn trong tương lai có những công ty như Sony, Toyota, Honda… thì lãnh đạo doanh nghiệp nên tham khảo triết lý, văn hóa kinh doanh kiểu Nhật Bản. Ngoài ra, cần xác lập cơ chế kinh doanh tiên tiến, trong đó việc quyết định tiền thù lao của lãnh đạo doanh nghiệp phải có ý kiến của một cơ quan độc lập.

Thêm nữa, Việt Nam cần sớm ban hành đạo luật quy định các lãnh đạo doanh nghiệp, cả công và tư, phải báo cáo với Nhà nước và công khai trên truyền thông những mức thù lao vượt quá một giới hạn nào đó.

Mục tiêu tối thượng của kinh doanh

Honda Soichiro, người sáng lập Công ty Honda năm 1948, thường nói phải xem mục tiêu tối thượng của kinh doanh là giúp ích xã hội, phụng sự xã hội, góp phần phát triển đất nước.

 

GS TRẦN VĂN THỌ (Nhật)