Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – C – 2019: Lớn lên và trưởng thành trong Chúa Thánh Thần
Chúng ta cứ muốn sống mãi trong niềm vui Giáng Sinh với Chúa Giêsu Hài Đồng, chứ không ý thức rằng Chúa Giêsu phải lớn lên, lớn lên trong Người và lớn lên trong ta, để trở nên một người trưởng thành.
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – C – 2019
Lớn lên và trưởng thành trong Chúa Thánh Thần
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để kết thúc mùa Giáng Sinh và mở ra một giai đoạn mới mà chúng ta gọi là mùa Thường Niên. Nhưng rất nhiều người chúng ta cũng chưa ý thức được giai đoạn mới mà chúng ta phải thể hiện qua bí tích Rửa Tội. Chúng ta cứ muốn sống mãi trong niềm vui Giáng Sinh với Chúa Giêsu Hài Đồng, chứ không ý thức rằng Chúa Giêsu phải lớn lên, lớn lên trong Người và lớn lên trong ta, để trở nên một người trưởng thành đứng dưới dòng nước sông Jordan để thánh hoá dòng nước, và hoà nhập với dòng tội nhân đang chờ được thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn người. Đó là sứ mạng của chúng ta.
1. Tận điểm của mầu nhiệm Giáng Sinh
Quả thật, trong ngày Chúa giáng trần, chúng ta mừng Chúa Giêsu như một hài nhi bé nhỏ, được Mẹ Maria ôm trong lòng, giới thiệu cho những mục đồng nghèo khổ hay các vị đạo sĩ phương Tây giàu sang. Hôm nay cũng là ngày Giáng Sinh, là tận điểm của mầu nhiệm giáng sinh, Đức Giêsu đã trở thành một người trưởng thành và Chúa Cha ôm lấy Người, giới thiệu Người cho tất cả. Ngài nói với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu, với từng người chúng ta rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Lc 3,22). Đồng thời Chúa Giêsu được Thánh Thần xức dầu qua hình chim bồ câu ngự xuống trên Người, làm ta liên tưởng đến chim bồ câu thời ông Noe ngậm cành ôliu kết thúc lụt đại hồng thuỷ để bước vào một thời đại mới: thời đại cứu độ.
Người tín hữu chúng ta, cũng giống như Chúa Giêsu, được xức dầu bằng Thánh Thần, được ban tràn đầy ân sủng của Thánh Thần để ta tiếp bước Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thể vũ trụ và cộng đồng nhân loại. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4 16-19).
Như vậy, mùa Giáng Sinh đi từ Chúa Giêsu hài đồng đến Chúa Giêsu trưởng thành để mời gọi chúng ta gắn kết với Chúa Giêsu qua phép Rửa Tội mà chúng ta lãnh nhận. Chúng ta cũng đi từ thời thơ ấu thiêng liêng đến thời trưởng thành, để ta lớn lên trong Chúa Thánh Thần và cùng Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới.
Rất nhiều người tín hữu, dù đã nhận được phép rửa trong Thánh Thần, nhưng vẫn chưa lớn lên, vẫn chỉ muốn sống trong niềm vui thụ động của Mùa Giáng Sinh với nghi lễ, quà bánh, tiệc tùng, đèn sao mà chưa dám bước vào một giai đoạn tích cực hành động với Chúa Giêsu. Ta vẫn thấy mình tầm thường, yếu đuối, nhỏ bé, để ở mãi trong vòng tay ôm của người Mẹ Thánh, chứ chưa dám dấn thân bước theo Chúa Giêsu hoà mình vào trong vũ trụ vạn vật và cộng đồng nhân loại “để hoàn thành kế hoạch tổng thể cua Thiên Chúa là tình yêu” (x. Docat, chương 1).
2. Sứ mạng của người được rửa trong Thánh Thần
Hoà mình vào vũ trụ để thánh hoá vạn vật. Vũ trụ với trời đất, với nhà cửa, xe cộ, tiền bạc được Chúa giao phó cho ta, ta có thánh hoá tất cả như Chúa Giêsu hoà mình vào dòng nước sông Jordan để dùng nước ấy thanh tẩy tội lỗi của con người không? Vũ trụ đã bị ô nhiễm nặng nề và người ta đã sử dụng vật chất chỉ để thoả mãn những tham vọng và dục vọng, ta có dùng vật chất Chúa giao để mang lại ơn cứu độ cho mọi người mọi vật, khi biết chia sẻ cho người nghèo khổ, biết xây dựng môi trường sống cho xanh, sạch, đẹp không?
Hoà mình vào cộng đồng nhân loại để rửa sạch tội lỗi và giúp họ trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dám hoà mình vào đám tội nhân khốn khổ đang chờ đợi được thanh tẩy, dù rằng Người không có tội gì. Người mang lấy tất cả tội lỗi khốn cùng của nhân loại để Thánh Thần cứu chữa tất cả. Với ân sủng và quyền năng của Thánh Thần, Người đã mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc, mở miệng cho người câm, cho người cùi được sạch, người tội lỗi được tha thứ, kẻ chết sống lại, người nghèo khổ được nghe rao giảng Tin Mừng. Đó là nhiệm vụ của Chúa Giêsu Trưởng thành và Chúa Cha đã hài lòng về Người.
Mỗi người chúng ta cũng được rửa nhân danh Chúa Cha, làm sao Chúa Cha có thể hài lòng nếu ta chưa dám hoà mình vào cộng đồng tội nhân quanh ta để mang lại niềm vui, bình an, sự chữa lành cho họ. Hàng triệu người nghèo khổ đang vây quanh ta, hàng triệu người bệnh đang chờ ta chữa lành, hàng triệu người đau khổ đang chờ ta an ủi, bao nhiêu con người bị ma quỷ ám ảnh đang chờ ta giải thoát. Chúng ta đã làm gì cho họ để làm hài lòng Cha Trên Trời?
Hình như chúng ta vẫn cảm thấy mình bé nhỏ, yếu đuối, muốn được che chở, yêu thương, muốn được đón nhận vinh quang và lời khen tặng, chứ không dám hoà mình trong dòng nước lạnh ở sông Jodan như Chúa Giêsu. Chúng ta muốn an thân, đứng trên bờ sông và xa cách đám tội nhân để nhiều người khác khỏi lầm tưởng rằng ta cũng tội lỗi như họ.
Tất cả hình như bắt nguồn từ lý do khá đơn giản, đó là chúng ta chưa thở hít được Thần Khí của Thiên Chúa, dù chúng ta đã được “rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa” như Gioan đã nhắc nhở nhân danh Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu sống lại, Người thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha” (Ga 20,22-23).
3. Lớn lên trong Chúa Thánh Thần
Thánh Thần là ơn cao trọng nhất sau ơn Chúa Giêsu. Chúa Cha yêu thương ta, đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu để ta trở thành con cái của Ngài. Chúa Giêsu sống lại cũng ban Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa cho ta. Kèm theo Chúa Thánh Thần là tất cả những ơn phúc lớn lao, kỳ diệu: 7 ơn Chúa Thánh Thần, những ơn hiện sủng giúp ta hoàn thành nhiệm vụ trong đời sống hiện tại, những đoàn sủng giúp ta phục vụ cộng đoàn như ơn tiên tri, ơn bác ái, ơn hiểu biết khoa học, những đặc sủng rất cần cho thế giới hôm nay như ơn trừ quỷ, ơn yêu thương… Hình như chúng ta chưa phát huy được các ơn phúc đó nên rất nhiều người vẫn chưa tin theo Chúa Giêsu, chưa nhận ra chúng ta là con yêu dấu của Chúa Cha chỉ vì ta chưa thở được Thần Khí của Chúa Giêsu.
Nếu so sánh với đời sống tự nhiên, ta thấy khí cần thiết như thế nào. Nhiều khi chúng ta chỉ lo ăn, ít quan tâm đến uống và hầu như không chú ý đến thở. Mỗi ngày ta chỉ cần khoảng 1,5 ký lương thực, 3-4 lít nước và hơn 10.000 lít không khí. Chính nhờ khí chúng ta hít vào từng giây sẽ biến đổi dòng máu đen thành máu đỏ và chuyển tới từng tế bào để nuôi sống và đặc biệt một phần đưa lên não để phát ra lệnh cho mọi cơ quan hoạt động. Nhờ đó, ta mới khoẻ mạnh, thông minh, xinh đẹp. Thần Khí cũng giống như vậy và cần hơn nữa, vì dòng máu đen tội lỗi của ta rất cần Thần Khí Chúa Giêsu để biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người.
Thần Khí được ban cho ta khi ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội vẫn không lớn mạnh và phát huy được hiệu quả. Từ lúc còn nhỏ ta thở yếu ớt, đến bây giờ ta vẫn thở như vậy, không thay đổi gì hơn. Trong lĩnh vực sức khoẻ, khi giúp cho hàng chục ngàn bệnh nhân, chúng tôi luôn bắt họ thở và đo dung tích thở cho họ. Tối thiểu một người bình thường phải thở 2.000ml (2 lít) không khí một hơi. Nhưng hầu như 95% người Việt Nam thở không đủ, chỉ được khoảng 1.000-1.500ml. Nhờ đo thêm được khí thở ngoài việc đo huyết áp và vòng quay máu, chúng tôi có thể đoán biết và chữa lành bệnh cho nhiều người. Đời sống Thần Khí cũng giống như vậy, người tín hữu chưa phát huy những ơn lành của Thánh Thần nên chưa biến lời của mình thành Tin Mừng để làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ như Chúa Giêsu.
Lời kết
Hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lại xem mình đã lớn lên trong Chúa Thánh Thần để làm hài lòng Cha trên Trời chưa. Trước một công việc nào đó, ta nên dành một giây cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin thánh hoá con”. Chúa Thánh Thần là tình yêu mà Cha Trên Trời đổ vào lòng ta nên bất cứ hành động nào làm vì yêu mến là chúng ta hành động theo Chúa Thánh Thần. Ta hãy xin Ngài ngự đến với chúng ta một lần nữa. Xin Chúa Giêsu lại thổi trên chúng ta làn khí thiêng của Người để ta tiếp bước theo Người.