19/11/2024

Kéo môn văn đến gần với cuộc sống

Ở nhiều trường phổ thông, việc dạy và học văn cũng có những thay đổi so với trước đây nhằm giúp học sinh yêu thích và nhận thấy sự hữu ích của môn học.

 

Kéo môn văn đến gần với cuộc sống

Ở nhiều trường phổ thông, việc dạy và học văn cũng có những thay đổi so với trước đây nhằm giúp học sinh yêu thích và nhận thấy sự hữu ích của môn học.


 

Phiên tòa giả định về tác phẩm Chí Phèo của học sinh Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM 
 /// Ảnh: Nhân Trung

Phiên toà giả định về tác phẩm Chí Phèo của học sinh Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM  ẢNH: NHÂN TRUNG

 

Nhiều tiết dạy học thú vị

Vài năm trước, giáo viên (GV) tổ văn của một trường THPT ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã thực hiện chuyên đề khá hay về “điện ảnh hóa” các tác phẩm văn học mang tính sử thi thời kỳ chống Mỹ trong chương trình lớp 12. Cũng từ chương trình lớp 12, GV và học sinh (HS) một trường THPT ở Q.Tân Phú, TP.HCM đã “tái hiện không gian văn hóa vùng” Tây Bắc, Tây nguyên và Nam bộ với nhiều tiết mục sinh động, hấp dẫn. Nhiều GV đã sáng tạo để khai thác sự hấp dẫn và đa nghĩa truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
 
Như chuyên đề “Chí Phèo và đời sống”, khai thác tính hiện thực của một “hiện tượng Chí Phèo” trong xã hội ngày nay. Hay lập một phiên tòa giả định trong tiết dạy “Phiên tòa xét xử: Kẻ đẩy Chí Phèo tha hoá thành quỷ dữ làng Vũ Đại”. Dĩ nhiên, để thực hiện những tiết học như thế này, từ trang phục cho đến hoạt cảnh, nói năng HS phải công phu tái hiện phiên tòa như thật. Hoặc như chuyên đề về “Tình yêu qua văn học” trong các tác phẩm viết về đề tài này ở lớp 10, 11, 12.

Phát huy vai trò của người học

Xu hướng chung của việc đổi mới dạy môn văn hiện nay là phát huy vai trò sáng tạo, đánh thức nội lực của người học, làm đa dạng, sinh động tiết học văn, kéo môn học này về gần hơn với cuộc sống. Vì vậy, môn văn có thêm không gian ngoài trời, tiết học thư viện. Trao phần thuyết trình, dẫn dắt cho HS, GV chỉ gợi ý, hướng dẫn. “Sân khấu hóa” các tác phẩm văn học. Thay vì cho HS đọc và phân tích tác phẩm, nhiều GV đã cho các em vẽ lại tác phẩm bằng tranh và thuyết trình về hình vẽ.
 
Xuất phát từ thực tế HS không hứng thú trong giờ học văn và bản thân cũng thấy nhàm chán với cách dạy thầy giảng trò nghe, trò chép lại nên thầy Nguyễn Đức Uy, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), đã hướng HS học theo cách khác tích cực hơn. Theo đó, thầy Uy áp dụng cách dạy và học mới bằng hình thức khuyến khích HS tự vẽ tranh, thể hiện khả năng kể truyện và cùng nhau phân tích nội dung, nghệ thuật tác phẩm…
 
Chẳng hạn, trước khi học tác phẩm Cô bé bán diêm, thay vì dặn HS soạn bài trước thì thầy Đức Uy yêu cầu: “Các em có thể tuỳ chọn thành viên cho nhóm của mình và thực hiện những tác phẩm hội họa, sau đó sẽ kể và thuyết trình lại câu chuyện tại lớp”. Mỗi nhóm HS hào hứng thể hiện tác phẩm, trao đổi với nhau và cùng tự tin thể hiện kiến thức thu nhận được sau quá trình soạn bài theo cách mới. Mỗi nhóm đã chọn từng lát cắt của nội dung tác phẩm và thể hiện qua khả năng, năng khiếu hội họa của mình.
 
Còn nhóm GV Nguyễn Minh Ngọc, Phan Hoàng Ái Trân và Nguyễn Đình Vương, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM), đã cùng học sinh khối 12 thực hiện dự án có tên Sống thêm một cuộc đời – Memeto Mori. Dự án mở ra, dẫn dắt HS đến với một hành trình đặc biệt – hành trình của người cận tử thông qua những câu chuyện có thật được viết lại, kể lại trong 3 quyển sách nổi tiếng: Điểm đến của cuộc đời (tác giả Đặng Hoàng Giang), Bốp à, mẹ bị ung thư (tự truyện của tác giả Bùi Thu Thuỷ) và Khi hơi thở hóa thinh không (tự truyện của bác sĩ Paul Kalanithi).
 
Tham gia dự án, qua các tác phẩm, HS “lắng nghe chuyện đời của họ, sống thêm một cuộc đời của họ” và đóng vai trò là nhà diễn thuyết, nhà thiết kế và nghệ sĩ để chuyển tải chuyện đời đến cộng đồng bằng diễn thuyết, nhiếp ảnh, âm nhạc nhằm lan toả những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. 13 bộ ảnh và clip do HS thực hiện kể về những hành trình của những người cận tử đã lan toả khiến người xem không khỏi xúc động.

Mô hình STEAM

Cô Trịnh Thị Minh Hương, Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), đã giúp HS lớp 12 có những tiết học khác biệt và hứng thú. Với nội dung Cảm hứng đất nước trong thơ ca giai đoạn 1945 – 1975, cô Minh Hương đã cùng học trò thực hiện chuyên đề theo định hướng STEAM.
 
Với mục đích hệ thống hình tượng đất nước qua các tác phẩm thơ giai đoạn 1945 – 1975 đã học, hiểu được những thông điệp tác giả gửi gắm và xâu chuỗi kiến thức liên môn về lịch sử, địa lý trong thời kỳ đó, cô và trò lớp 12 đã chia thành các nhóm nhỏ, nhận công việc khác nhau. Nhóm Chuyên gia kiến thức (Science) đảm trách viết tham luận, cảm nhận về hình tượng đất nước. Nhóm Công nghệ thông tin (Technology), nhận nhiệm vụ tìm kiếm thông tin cung cấp cho các nhóm, lập Facebook. Nhóm chuyên gia Quân sự (Engineering, Math) chế tạo mô hình, lược đồ. Còn nhóm Nghệ thuật (Art) chuẩn bị các tiết mục văn nghệ như múa, hát, hội hoạ và nhóm Lăng kính chịu trách nhiệm quay phim, chụp hình quá trình thực hiện chuyên đề.
 
Thành viên nhóm Chuyên gia kiến thức nhận xét: “Phương pháp giáo dục STEAM thực hiện trong giờ ngữ văn đã giúp chúng em nắm rõ kiến thức, quan trọng là phát triển kỹ năng tư duy chứ không phải ngồi chăm chăm học thuộc lòng trước kỳ thi quan trọng nữa”.
 
Đề thi vẫn còn đóng về kiến thức
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên bộ môn ngữ văn của chương trình THPT mới, đã từng băn khoăn: Với chương trình ngữ văn mới ở THPT, ngoài 3 tiết học bắt buộc, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm cho các chuyên đề học tập tự chọn dành cho những HS có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, chỉ sợ GV biến chuyên đề học tập thành các bài học lý thuyết hàn lâm, nặng nề; mà không dành thời gian cho việc HS trao đổi, thảo luận, viết bài, sưu tầm, giới thiệu, thuyết trình về các nội dung chuyên đề để tạo hứng thú hơn trong việc học ngữ văn.
 
Băn khoăn của ông Thống là có cơ sở khi cách dạy học văn ở không ít nơi vẫn chưa thay đổi nhiều. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do áp lực về điểm số, hiệu suất, chỉ tiêu thi đua, cách đánh giá giảng dạy còn quá cứng nhắc ở nhà trường phổ thông hiện nay. Chính cách làm máy móc ấy trở thành gánh nặng hình thức đè lên vai GV và chuyển thành áp lực cho người học. Việc kiểm tra, đánh giá ở nhà trường và các kỳ thi chung vẫn còn nhiều bất cập. Đề thi vẫn còn đóng về kiến thức học gì thi nấy dù đã có nhiều đổi mới. Nhiều tổ bộ môn các trường coi tài liệu học tập là “bảo bối”, nên nhất nhất từ kiến thức ôn tập cho đến giới hạn đề thi đều không nằm ngoài nó. Điều này đã hạn chế rất lớn sự sáng tạo của người học và người dạy.

 

TRẦN NHÂN TRUNG – BÍCH THANH