20/11/2024

Vì sao sinh viên có chuẩn đầu ra tiếng Anh thấp?

Nhiều khảo sát cho thấy năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam hiện nay rất kém. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến sinh viên ra trường chật vật kiếm việc làm, thậm chí thất nghiệp.

 

Vì sao sinh viên có chuẩn đầu ra tiếng Anh thấp?

Nhiều khảo sát cho thấy năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam hiện nay rất kém. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến sinh viên ra trường chật vật kiếm việc làm, thậm chí thất nghiệp.
 
 
 

Vì sao sinh viên có chuẩn đầu ra tiếng Anh thấp? - Ảnh 1.

Giảng viên dạy tiếng Anh các trường ĐH tham gia tập huấn, trình bày poster và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 10-12 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Mạng xã hội có thể trở thành cách giao tiếp tuyệt vời. Sinh viên có thể chia sẻ ý tưởng, bài tập; giáo viên có thể đăng tải bài học, yêu cầu sinh viên chia sẻ ý kiến, tạo ra nơi để tương tác giữa người dạy và người học với môi trường xã hội.

ThS Dương Kim Hương

Vậy các trường ĐH cần phải làm gì, đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?

Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu các trường ĐH không thay đổi trong việc giảng dạy ngoại ngữ thì chất lượng đầu ra của sinh viên vẫn kém về mặt này. Năng lực tiếng Anh kém là rào cản khiến nhân sự Việt thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập.

Thiếu môi trường rèn luyện

Khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM công bố mới đây cho thấy trên 85% sinh viên không đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhà trường. 

Lý giải tình trạng này, ThS Nguyễn Lê Tú Trâm – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng: “Phương thức dạy và học tiếng Anh tại nhiều trường ĐH chưa hiệu quả, còn nhiều hạn chế như thiếu môi trường rèn luyện tiếng Anh thường xuyên cho sinh viên, phương pháp giảng dạy mang tính một chiều, giáo trình và tài liệu giảng dạy kém hấp dẫn…”.

Theo ThS Tú Trâm, đối với các ngành đào tạo không chuyên tiếng Anh, chương trình đào tạo thường được thiết kế 4-6 học phần môn tiếng Anh, với thời lượng 45-60 tiết/học phần. Các học phần được phân bổ dàn trải trong 2-3 năm học. 

“Với cách thức tổ chức như hiện nay (thời lượng dạy và học ít, sĩ số lớp đông, thiếu môi trường thực hành…), đa số sinh viên không thể đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường” – ThS Trâm nhận định.

ThS Huỳnh Thị Thanh Mai – Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho rằng thực tiễn cho thấy trong thời gian dài chất lượng dạy và học tiếng Anh ở nước ta nói chung và tại các trường ĐH vẫn còn nhiều hạn chế. 

Trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp đa số vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. 

“Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngoại ngữ như sinh viên chịu ảnh hưởng bởi phương pháp dạy và học truyền thống chỉ chú trọng từ vựng, ngữ pháp; thiếu môi trường rèn luyện, thực hành các kỹ năng; sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ” – bà Mai nói.

ThS Trịnh Huỳnh Chấn – khoa ngoại ngữ Trường ĐH Thủ Dầu Một – chỉ ra thực tế học sinh VN học tiếng Anh trong thời gian dài nhưng lại không sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả những câu đơn giản. 

Đến khi vào ĐH, năng lực tiếng Anh của sinh viên vẫn không được cải thiện do nhiều yếu tố tác động. 

Đề thi, đề kiểm tra môn tiếng Anh quá nặng về kỹ năng đọc – viết (chiếm 80% trở lên, thậm chí đề thi khối THPT 100% kiểm tra hai kỹ năng này). 

Chính vì thế việc dạy của giáo viên cũng phải coi trọng kỹ năng này, thậm chí có những bài giáo viên bỏ hẳn kỹ năng nghe – nói, thay vào đó là đọc – viết.

 

“Trong khi con người muốn học về ngôn ngữ trước tiên phải tiếp xúc với ngôn ngữ đó bằng cách nghe nhiều lần, và khi cần có thể sử dụng (nói), sau đó mới học đọc và viết. 

Rõ ràng cách học của học sinh đi ngược với quy luật phát triển bản năng” – ThS Chấn khẳng định và nói thêm: “Lớp học quá đông, với sĩ số trung bình 40-50 học sinh, một tiết học kéo dài 45 phút thì trung bình mỗi học sinh chỉ được sử dụng 1 phút/tiết. Cơ hội thực hành như vậy là quá ít”.

Cải cách bằng công nghệ

TS Phó Phương Dung – phó trưởng khoa ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng các trường ĐH cần thực hiện cải cách trong giảng dạy tiếng Anh bằng sử dụng công nghệ kỹ thuật số. 

“Lĩnh vực kỹ thuật số đã mang lại nhiều thay đổi và xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ hiện nay. 

Những yếu tố cốt lõi của nó gồm trí tuệ nhân tạo, mạng Internet, môi trường thông minh và dữ liệu lớn đã trở thành khởi nguồn cho nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy ngoại ngữ trên thế giới. 

Hiện có rất nhiều công cụ công nghệ phổ biến trong giảng dạy tiếng Anh trên thế giới tập trung vào việc hỗ trợ người học nâng cao khả năng tự học và tiến bộ trong bốn kỹ năng ngôn ngữ quan trọng là nghe, nói, đọc, viết để có thể trở thành người giao tiếp giỏi” – TS Dung nói.

ThS Dương Kim Hương – Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng công nghệ là giải pháp cho việc cải cách giáo dục, giúp tăng chất lượng nội dung và thời gian học mà không làm tăng thời lượng giảng dạy trên lớp ở trường ĐH. 

“Chương trình sẽ được xây dựng dựa trên việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng. Sinh viên sẽ được học với nhiều bài học online.

Giáo viên là người tìm kiếm, cung cấp tài liệu online phù hợp với nội dung bài học. Bên cạnh giờ học trên lớp, sinh viên sẽ dành nhiều thời gian đọc báo, xem phim, thí nghiệm trên mạng, lựa chọn tài liệu học tập. 

Khi đến lớp, sinh viên có nhiều thời gian thảo luận, luyện tập kỹ năng nghe – nói với sự giúp đỡ của giáo viên” – bà Hương nói.

Không gian học tập tiếng Anh mới

TS Trần Cao Bội Ngọc, phó giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới xác nhận người học cảm thấy hứng thú với việc sử dụng công nghệ như laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng… trong học ngoại ngữ và họ thích thú sử dụng công nghệ hơn so với các phương pháp và tài liệu học tập truyền thống. Nhờ có công nghệ, người học có thái độ học tập tích cực hơn.

“Người dạy ngoại ngữ cần phải tự nâng cao các kỹ năng như ghi âm, biên tập đoạn clip, sử dụng mạng xã hội để kết nối và tạo ra các không gian học tập cho người học, khám phá nội dung mới, phát triển chuyên môn… cũng như sử dụng các công cụ hỗ trợ kỹ thuật số” – bà Ngọc đề nghị.

 

TRẦN HUỲNH