Thông tin này đã được nêu ra trong hội thảo “Xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 14.12.
Đạt chuẩn ĐH nhưng thiếu chuẩn doanh nghiệp
Trong bài tham luận của thạc sĩ Nguyễn Lê Tú Trâm, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ngày nay tiếng Anh là một trong những yêu cầu bắt buộc trong thông báotuyển dụng của các cơ quan và doanh nghiệp. Nhưng tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh giữa nhà tuyển dụng và nhà trường thực sự có độ chênh lệch nhất định. Phổ biến nhất là việc sinh viên (SV) ra trường đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhà trường nhưng vẫn chưa sử dụng tốt trong môi trường làm việc tại các doanh nghiệp.
Cũng theo thạc sĩ Trâm, số liệu của Jobstreet.com công bố năm 2015 chỉ có 5% SV mới ra trường tự tin về khả năng tiếng Anh nhưng có đến 27% thừa nhận khả năng ngoại ngữ của họ rất kém. Hằng năm, SV ra trường chật vật tìm kiếm việc làm vì số người năng lực tiếng Anh kém đang chiếm số lượng không nhỏ. Đây là rào cản khiến nhân sự VN thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập.
Trước đó, số liệu gây sốc về chuẩn đầu ra tiếng Anh của SV ĐH Quốc gia TP.HCM cũng được công bố tại hội nghị “Chuẩn trình độ tiếng Anh tại ĐH Quốc gia TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” tổ chức năm 2017. Tính đến tháng 12.2016, ở bậc ĐH, tỷ lệ SV chuẩn đầu ra theo quy định chứng chỉ tiếng Anh VNU-ETP còn khá thấp, dao động trong khoảng 10 – 15%. Đối với bậc sau ĐH, tỷ lệ học viên cao học chưa đáp ứng chuẩn trình độ tiếng Anh để tốt nghiệp tăng dần: 41% khóa 2013 lên đến 50,8% khóa 2015.
Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Chấn, Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Thủ Dầu Một, cũng đặt vấn đề: “Học sinh được học tiếng Anh từ rất sớm, có những địa phương đưa vào từ chương trình lớp 2 và học xuyên suốt 11 năm cho đến khi ĐH, CĐ. Tuy nhiên sau thời gian dài hiệu quả thu lại không đáng kể, nhiều học sinh, SV không nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh hoặc nói sai ngữ pháp, phát âm không chuẩn, đặc biệt khả năng nghe rất kém”.
Thạc sĩ Lê Hoàng Tiến (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) và thạc sĩ Võ Thị Ngọc Hà (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) thông tin, qua một khảo sát nhanh với 500 SV các trường ĐH tại TP.HCM, phần lớn họ chưa có một nhận định rõ ràng về tiếng Anh chuyên ngành cũng như không tự tin giao tiếp tiếng Anh sau khi tốt nghiệp ĐH, đặc biệt trong môi trường làm việc.
Mỗi học sinh chỉ có 1 phút trong mỗi tiết học
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo thạc sĩ Nguyễn Lê Tú Trâm, phương pháp dạy và học tiếng Anh tại nhiều trường ĐH chưa hiệu quả. Chương trình đào tạo không chuyên thường chỉ có 4 – 6 học phần với 45 – 60 tiết/học phần nhưng phân bổ dàn trải trong thời gian dài 2 – 3 năm. Ngoài tiết học trên lớp, trường không tổ chức được môi trường cho SV rèn luyện, thực hành và giao tiếp tiếng Anh thường xuyên. Ngoài ra, nền tảng tiếng Anh đầu vào của SV khá thấp và không đồng đều là trở ngại lớn khi bước vào giảng đường ĐH. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, điểm thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có hơn 78% thí sinh dưới trung bình. Bên cạnh đó, khả năng tự học của SV khá thấp.
Thạc sĩ Trịnh Huỳnh Chấn thì thẳng thắn khi chỉ ra rằng đề thi, đề kiểm tra quá nặng kỹ năng đọc – viết. Dù chương trình học được biên soạn đầy đủ 4 kỹ năng, nhưng khi đánh giá thì chú ý kỹ năng đọc viết, thường chiếm từ 80% trở lên và thậm chí ở đề thi THPT quốc gia 100%.
“Bên cạnh đó, lớp học quá đông, một lớp học phổ thông sĩ số trung bình từ 40 – 50 học sinh, một tiết học kéo dài 45 phút thì trung bình mỗi học sinh chỉ được sử dụng 1 phút/tiết. Thử hỏi như vậy thì cơ hội thực hành của các em là nhiều hay ít?”, thạc sĩ Chấn đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo tác giả này, nguyên nhân còn do nhiều giáo viên chuyên môn chưa thật sự tốt ở kỹ năng nghe – nói.
Giải pháp công nghệ
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng hiện còn nhiều thách thức đặt ra với ĐH Quốc gia TP.HCM trong giảng dạy tiếng Anh giai đoạn tới. Ngoài cơ sở vật chất thì còn nhiều khó khăn khác như thiếu những giảng viên có kinh nghiệm, việc đánh giá cũng đang có vấn đề.
Về giải pháp, ông Quân cho rằng: “Công nghệ là một trong những giải pháp để phát huy các rào cản. Nếu dùng công nghệ, SV có thể học ở nhà mà không phải đến lớp. Nhưng về lâu dài, trong hệ thống chúng ta vẫn thiếu một “kiến trúc sư trưởng” – người thiết kế chương trình và xây dựng tài nguyên học tập, định hướng phương pháp đánh giá”.
“Chúng ta thường quan niệm học tiếng Anh để giao tiếp nhưng theo tôi học tiếng Anh là để học. Học ở đây là học về chuyên môn, văn hóa, lịch sử, con người. Nên trước hết cần có sự chuyển dịch rất lớn về cách nghĩ”, ông Quân nói.
|
HÀ ÁNH