15/11/2024

MobiFone ở đâu khi mạng 3G, 4G sập?

Nhiều người dùng mạng MobiFone ở TP.HCM và Hà Nội đặt câu hỏi như vậy khi không thể truy cập dịch vụ dữ liệu trên nền 3G, 4G; gọi đến tổng đài cũng không kết nối được; thuê bao mạng khác gọi đến MobiFone cũng chập chờn.

 

MobiFone ở đâu khi mạng 3G, 4G sập?

Nhiều người dùng mạng MobiFone ở TP.HCM và Hà Nội đặt câu hỏi như vậy khi không thể truy cập dịch vụ dữ liệu trên nền 3G, 4G; gọi đến tổng đài cũng không kết nối được; thuê bao mạng khác gọi đến MobiFone cũng chập chờn.
 
 
 

MobiFone ở đâu khi mạng 3G, 4G sập? - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại cửa hàng MobiFone trên đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự cố bắt đầu diễn ra từ khoảng 11h30 ngày 6-12. Đến gần 15h cùng ngày, MobiFone cho biết đã “khắc phục hoàn toàn sự cố gián đoạn truy cập sóng data 3G/4G, mọi khách hàng của MobiFone đã có thể sử dụng dịch vụ bình thường”.

Nguyên nhân sự cố được nhà mạng đưa ra là do “lỗi thiết bị mạng data 3G/4G nên khách hàng của MobiFone tại một số khu vực nội thành Hà Nội, TP.HCM không truy cập được dịch vụ dữ liệu 3G/4G”.

Không biết chuyện gì xảy ra

Theo phản ảnh của nhiều thuê bao, sóng mạng MobiFone vẫn hiện đầy đủ trên điện thoại nhưng dịch vụ truy cập Internet di động “chết đứng”. Anh Nhật Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Điện thoại của tôi dùng mạng 4G MobiFone không truy cập được mạng, điện thoại của đồng nghiệp tôi dùng dịch vụ 3G của MobiFone cũng rơi vào tình trạng tương tự”.

Chị Thảo Nguyên (Q.3) cũng cho biết: “Trưa nay phải đi thuyết trình cho đối tác nhưng chúng tôi không liên lạc được và cũng không trao đổi qua chat với nhau được. Thấy đồng nghiệp dùng mạng khác vẫn truy cập Internet bình thường nên tôi không nghĩ đến sự cố mạng”.

Nhiều người dùng khác cho biết đã gọi đến tổng đài của MobiFone để hỏi thăm tình hình nhưng đều không kết nối được. “Gọi đến tổng đài chỉ nghe tiếng tít tít, không biết chuyện gì đang xảy ra” – chị Hương Giang (Q.3) phản ảnh.

Sự cố đã khiến rất nhiều người dùng bị gián đoạn công việc của mình. Anh Hoàng Tâm, một tài xế chạy dịch vụ xe ôm công nghệ, cho biết: “Thông thường giờ trưa và đầu giờ chiều, khách văn phòng đi ăn và đi về công ty rất nhiều, bên cạnh đó còn có các khách đặt nhờ giao hàng đồ ăn trưa, trưa nào tôi cũng chạy được rất nhiều cuốc nhưng trưa nay không bắt được đơn nào. Tôi kiểm tra thấy điện thoại vẫn có sóng bình thường nhưng không rõ chuyện gì đang xảy ra”.

Nhiều đơn vị cho thuê ôtô và vận tải hàng hóa tại TP.HCM cũng cho biết sự cố mất mạng khiến việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về máy chủ bị sai lệnh, không chính xác, ảnh hưởng đến việc kiểm tra và điều phối xe.

Trách nhiệm của nhà mạng

Theo tìm hiểu riêng của Tuổi Trẻ, sự cố của MobiFone xảy ra cùng lúc với nhiều nhà mạng khác trên thế giới. Các nhà mạng xảy ra sự cố đều dùng chung thiết bị của một nhà cung cấp và thiết bị này đã phát sinh lỗi phần mềm.

Chẳng hạn, nhà mạng O2 của Anh cũng ra thông báo xác nhận sự cố vào chiều 6-12 (giờ Việt Nam): “Chúng tôi nhận thấy nhiều khách hàng đã không sử dụng được dịch vụ dữ liệu trong sáng nay (giờ Anh). Một trong những nhà cung cấp bên thứ ba của chúng tôi đã gặp sự cố phần mềm trên quy mô toàn cầu đối với hệ thống của họ, và nó đã ảnh hưởng đến chúng tôi.

Các chuyên gia cho rằng MobiFone cần thể hiện rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của mình với người dùng. Một người (đề nghị không nêu tên) đặt vấn đề: “Vì sao MobiFone lại để sự cố xảy ra tại 2 thành phố lớn với lưu lượng thuê bao sử dụng 3G/4G cao nhất nước mà không có biện pháp ứng cứu ngay?

Đồng thời khi xảy ra sự cố, rất nhiều khách hàng liên lạc với tổng đài nhưng không được MobiFone cho biết thông tin sự cố rõ ràng cũng như thông báo thời điểm sẽ khắc phục được?”.

Theo chuyên gia này, dù lý do là chủ quan hay khách quan, một nhà mạng lớn như MobiFone cũng cần phản ứng tốt hơn. “Tương tự như cách làm của mạng O2, một tin nhắn cảnh báo hệ thống là đủ để khách hàng xử lý công việc liên quan đến mạng 3G/4G họ đang sử dụng” – vị chuyên gia đề xuất.

Nói thêm về trách nhiệm của nhà mạng, chuyên gia marketing Huỳnh Thanh Phi cho rằng thời gian xảy ra sự cố gần 3 giờ đồng hồ là khá dài với một dịch vụ cần sự đảm bảo kết nối liên tục. Do đó, nó có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như công việc của mỗi người dùng.

MobiFone ở đâu khi mạng 3G, 4G sập? - Ảnh 2.

Hàng loạt người dùng mạng O2, một trong những nhà mạng lớn nhất của Anh, bắt đầu không thể truy cập mạng từ khoảng 5h30 sáng theo giờ địa phương (tức khoảng 12h30 cùng ngày, giờ Việt Nam), với vùng ảnh hưởng rộng khắp cả nước bao gồm những thành phố lớn như London, Birmingham và Manchester – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Phải giải thích lý do sập mạng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết đến nay chưa nhận được phản ảnh, khiếu nại về thiệt hại của người tiêu dùng liên quan việc sập mạng 3G/4G của nhà mạng MobiFone.

Thông thường khi các dịch vụ điện thoại, truy cập Internet của nhà mạng cung cấp bị gián đoạn, khách hàng liên hệ và tổng đài của nhà mạng có trách nhiệm cung cấp thông tin và lý do tại sao “sập mạng”. Đồng thời, nhà mạng cũng phải báo cáo với cơ quan quản lý là Cục Viễn thông, đặc biệt liên quan đến vấn đề kỹ thuật. Vị này cũng nhấn mạnh các đơn vị cung cấp dịch vụ được lựa chọn một trong nhiều hình thức thông báo như gửi tin nhắn, thông tin trên website hay truyền thông…

Đối với những trường hợp nhà mạng cho là “sự cố bất khả kháng” để tránh trách nhiệm, vị này cũng cho rằng các nhà mạng phải chứng minh được thế nào là bất khả kháng. Theo đó, cần phải liệt kê các trường hợp bất khả kháng, thông thường là các yếu tố khách quan, hoặc thiên tai địch họa… Còn nếu sự cố gặp phải do vấn đề kỹ thuật thì cần xác định “lỗi” có phải do chất lượng dịch vụ hay không.

N.AN

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty luật Hà Huy, Đoàn luật sư Hà Nội):

Cần xác định là bất khả kháng hay lỗi mạng

Vấn đề pháp lý cần đặt ra và cần giải quyết là nếu khách hàng của các mạng viễn thông bị thiệt hại do ảnh hưởng từ sự cố của mạng viễn thông thì họ có được đền bù không? Điều quan trọng nhất, bản chất nhất là cơ quan chức năng phải xác định rõ lỗi, nguyên nhân xảy ra sự cố mạng là do đâu, là do bất khả kháng hay do lỗi chủ quan của doanh nghiệp viễn thông…

Pháp luật quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu. Nhưng nếu vì trường hợp bất khả kháng thì các bên giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

ĐỨC THIỆN