Mua hàng không như cam kết, phải làm sao?
Nhiều khách hàng đã mất nhiều công sức đi đòi quyền lợi khi mua phải sản phẩm không đúng như giới thiệu ban đầu và cam kết của bên bán.
Mua hàng không như cam kết, phải làm sao?
Nhiều khách hàng đã mất nhiều công sức đi đòi quyền lợi khi mua phải sản phẩm không đúng như giới thiệu ban đầu và cam kết của bên bán.Khi phát hiện chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo hoặc kém chất lượng, hư hỏng thì việc yêu cầu được bảo hành, sửa chữa cũng không phải dễ.
Về phía người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ cần tìm hiểu rõ công bố chất lượng, tính năng, chính sách bảo hành… để tránh thiệt thòi, rắc rối phát sinh
Luật sư NGUYỄN HUY VIỆT
Không giải thích rõ, thiếu thiện chí
Mới đây, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ Q.3, TP.HCM) mua điện thoại thông minh giá 22 triệu đồng tại cửa hàng điện máy ở Q.1. Theo giới thiệu là điện thoại có thể nhúng nước, nhưng sau một lần đi bơi thì con anh làm rớt xuống hồ, điện thoại không thể sạc pin được.
Anh Hùng mang điện thoại tới trung tâm bảo hành của hãng điện thoại này sửa, nhưng một tuần sau tiếp tục hư hỏng như cũ. Phía trung tâm thông báo do bị nước vào nên phải thay mới linh kiện, anh phải trả số tiền dự kiến là hơn 6 triệu đồng cộng với phí phát sinh.
Anh Hùng không đồng ý vì cho rằng điện thoại theo giới thiệu có thể nhúng nước vẫn không sao, nên bây giờ vô nước thì hãng phải chịu trách nhiệm.
Nhân viên trung tâm bảo hành trả lời chỉ được nhúng nước không quá 30 phút hoặc không nhấn chìm thiết bị sâu hơn 1,5m, trong khi điện thoại rơi xuống hồ bơi sâu hơn 1,5m, có thể bị vô nước nên hãng không chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, anh Hùng thắc mắc lúc mua điện thoại, nhân viên chỉ nói là điện thoại “kháng nước” chứ không tư vấn kỹ như vậy. Do cần sửa điện thoại ngay để sử dụng, nên anh Hùng đành chấp nhận trả số tiền trên để thay linh kiện.
Trường hợp khác là anh V.K.T. (Q.3) ký hợp đồng với Công ty TNHH TM HQ (Q.Tân Phú, TP.HCM) lắp đặt thang máy cho công trình nhà hàng tại tỉnh Bình Dương.
Theo hợp đồng, phía Công ty HQ cam kết lắp cho công trình của anh T. 4 thang máy nhãn hiệu Mitsubishi, tổng giá trị 2,6 tỉ đồng.
Khi thanh toán cho Công ty HQ gần 2 tỉ đồng, anh T. phát hiện nhiều điểm không hợp lý trong hồ sơ chứng từ nhập khẩu thang máy đã lắp đặt về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng…
Trong tháng 8 và 9-2018, anh T. liên tục yêu cầu Công ty HQ bổ sung làm rõ hoá đơn chứng từ. Tuy nhiên, phía Công ty HQ không thực hiện yêu cầu này, cũng không tiếp tục lắp đặt.
Khách hàng làm gì để không bị thiệt?
Với vụ việc của anh V.K.T., ngày 20-11, Công ty TNHH thang máy Mitsubishi Việt Nam và cả Công ty Mitsubishi Elevator Asia Co., Ltd (trụ sở tại Thái Lan) đều lần lượt có công văn xác nhận các thang máy với số hiệu như đã lắp đặt không phải là nhãn hiệu của Mitsubishi và không được sản xuất bởi Mitsubishi.
Ngoài ra, Công ty thang máy Mitsubishi Việt Nam cũng có xác nhận Công ty HQ không phải là đại lý của Công ty Mitsubishi.
“Trong khi hồ sơ năng lực, hồ sơ giới thiệu công ty và cả danh thiếp của giám đốc Công ty HQ đều thể hiện là đại lý của Công ty thang máy Mitsubishi Nhật Bản và của nhiều công ty thang máy nổi tiếng khác…” – anh T. nói.
Mặc dù vậy, phía Công ty HQ vẫn không bổ sung hồ sơ chứng từ của thang máy và vẫn không tiếp tục thi công lắp đặt. Mới đây, anh T. đã làm đơn đến cơ quan chức năng để điều tra làm rõ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tri Thắng – phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ chống hàng giả – cho biết khi khách hàng cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại do gặp phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, tuỳ vào mức độ có thể tố cáo đến cơ quan công an để xử lý hình sự đơn vị bán, cung cấp sản phẩm.
“Trường hợp thang máy được cung cấp không đúng sản phẩm của Mitsubishi theo cam kết, đã có xác nhận từ Công ty thang máy Mitsubishi thì anh T. cần cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan công an có cơ sở xử lý…” – ông Thắng nói.
Luật sư Nguyễn Huy Việt – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định thương nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có trách nhiệm bảo hành đối với người tiêu dùng.
Trong thời gian bảo hành mà hàng hóa, dịch vụ có các lỗi kỹ thuật thuộc về nhà sản xuất thì thương nhân sản xuất kinh doanh phải đổi, sửa… miễn phí cho người tiêu dùng. Nếu lỗi xảy ra hư hỏng là do người tiêu dùng thì loại trừ trách nhiệm cho bên sản xuất kinh doanh.
Luật cũng quy định về việc đơn vị sản xuất kinh doanh phải công bố, giải thích rõ các tính năng, khuyến cáo an toàn sử dụng… cho người tiêu dùng và phải cam kết chất lượng hàng hóa, dịch vụ như công bố, quảng cáo.
Tình trạng nhân viên bán hàng hóa, dịch vụ không nói rõ giới hạn tính năng, khuyến cáo an toàn sử dụng là khá phổ biến như trường hợp mua điện thoại của anh Hùng.
Thông thường cả nhân viên bán hàng và khách hàng quan tâm nhiều hơn tính năng vượt trội, độc đáo mà quên các giới hạn tính năng, khuyến cáo an toàn. Đương nhiên loại trừ trường hợp bên bán cố ý lập lờ về tính năng, chất lượng để qua mặt người tiêu dùng.
Hoặc cũng có thể yêu cầu Hội bảo vệ người tiêu dùng, Quỹ chống hàng giả lên tiếng để đòi lại quyền lợi. Cuối cùng, người tiêu dùng có thể khởi kiện ra tòa án để buộc bên bán, cung cấp sản phẩm phải bồi thường.