27/01/2025

Nhà mạng tung gói cước 0 đồng, đưa nhân viên tới tận nhà khách hàng

Dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu được cung cấp từ ngày 16-11, nhưng hiện nay mới áp dụng cho các thuê bao di động trả sau. Các nhà mạng đang dùng nhiều khuyến mãi, tung người tới tận nhà giúp khách chuyển sang mạng của mình.

 

Nhà mạng tung gói cước 0 đồng, đưa nhân viên tới tận nhà khách hàng

Dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu được cung cấp từ ngày 16-11, nhưng hiện nay mới áp dụng cho các thuê bao di động trả sau. Các nhà mạng đang dùng nhiều khuyến mãi, tung người tới tận nhà giúp khách chuyển sang mạng của mình.
 
 
 

Nhà mạng tung gói cước 0 đồng, đưa nhân viên tới tận nhà khách hàng - Ảnh 1.

Hướng dẫn khách hàng đến chuyển mạng giữ số tại điểm giao dịch của một nhà mạng ở TP.HCM – Ảnh: ĐỨC THIỆN

Thuê bao trả sau thường đang là những người trả nhiều tiền nhất cho các nhà mạng. Vì vậy, các nhà mạng đang có những “chiêu thức” cạnh tranh vô cùng quyết liệt, trong đó có cả những “chiêu” giữ chân khách hàng cũ.

Không dễ chuyển mạng?

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Bùi Văn Vĩnh Phúc (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện về việc anh bị nhà mạng MobiFone làm khó dễ khi anh muốn chuyển sang sử dụng mạng di động khác. 

“Tôi đăng ký chuyển mạng lên trung tâm chuyển mạng thì nhận được phản hồi là tôi vi phạm lỗi từ MobiFone. Tôi liên hệ nhân viên tổng đài MobiFone thì được trả lời là “vi phạm sử dụng mạng viễn thông”(!?). 

Tôi hỏi cụ thể lỗi gì thì nhân viên không trả lời được và hẹn lại. Tôi đã là khách hàng MobiFone 13 năm, nhưng có nhiều điều làm tôi không hài lòng nên mới như “giọt nước tràn ly” mà ra đi” – anh Phúc kể lại. 

Sau khi có phản ánh của Tuổi Trẻ đến MobiFone, anh Phúc cho biết đã được chuyển sang sử dụng mạng mình mong muốn. 

Trong khi đó, phía MobiFone chỉ xác nhận nguyên nhân là do phía nhà mạng mà khách hàng chuyển đến nhập sai tên, cộng với lỗi kỹ thuật nên anh Phúc mới bị chuyển mạng chậm(!?).

Trong một trường hợp khác, anh Trần Hoàng Hải (TP.HCM) cũng cho biết “do đặc thù công việc” nên anh phải chuyển từ VinaPhone sang một nhà mạng khác. 

Số điện thoại của anh Hải đang là thuê bao trả sau và đáp ứng đầy đủ yêu cầu để chuyển mạng giữ số. 

Anh Hải cũng cho biết đã đến điểm giao dịch nhà mạng VinaPhone và nhà mạng sắp chuyển đến để làm các thủ tục, đóng tiền hòa mạng, nhận SIM trắng và chờ kích hoạt. 

Tưởng chừng chỉ cần có tin nhắn thông báo thành công là anh Hải sẽ được sử dụng dịch vụ của nhà mạng mình mong muốn, thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy đâu.

“Giao dịch viên của VinaPhone liên tục gọi điện tung các gói cước khuyến mãi… Tôi liên lạc với tổng đài VinaPhone để hỏi lý do rất nhiều lần nhưng chỉ gặp được những giao dịch viên không có thẩm quyền. Khi đề nghị cho gặp cấp cao hơn thì chỉ nhận được hẹn. 

Tôi và những người thân trong gia đình đều đã làm thủ tục chuyển, nhưng lạ lùng là không ai chuyển được” – anh Hải kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VinaPhone cho biết đã cho nhân viên làm thủ tục cho thuê bao anh Hải được chuyển mạng giữ số theo đúng quy định. 

Tuy nhiên, đến chiều 2-12, anh Hải cho biết thuê bao của anh hiện vẫn đang là khách hàng của VinaPhone(!?).

Tung gói cước thuê bao 0 đồng

Ngay khi dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu cung cấp, các nhà mạng đã tung ra nhiều chương trình có lợi cho khách hàng muốn chuyển sang mạng của mình. 

Như nhà mạng MobiFone đã ngay lập tức tung chiêu “thay vì trực tiếp đến điểm giao dịch của nhà mạng, khách hàng của nhà mạng khác có thể thực hiện chuyển mạng giữ số tại nhà”. 

Theo đó, thuê bao trả sau mạng khác muốn chuyển sang MobiFone chỉ cần đăng ký với tổng đài, nhân viên giao dịch của MobiFone sẽ đến tận nhà phục vụ khách hàng chuyển sang mạng MobiFone. 

Song song đó, nhà mạng này cũng cung cấp gói cước trả sau MobiF với cước thuê bao hằng tháng chỉ 0 đồng. 

Bên cạnh đó, MobiFone đã đồng thời tăng hơn 6 lần dung lượng data cho người dùng truy cập Internet với giá không đổi, sử dụng được cả trên nền tảng 3G/4G.

Nhà mạng VinaPhone lại cho phép người dùng có thể đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số thông qua các kênh website bên cạnh việc đến trực tiếp các điểm giao dịch. 

Thời gian xử lý việc chuyển đổi được nhà mạng này cam kết tối đa chỉ trong hai giờ nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình thực hiện theo quy định của Cục Viễn thông. 

Ông Nguyễn Trường Giang, phó tổng giám đốc VinaPhone, chia sẻ: “Chúng tôi đã không ngừng nâng cấp chất lượng mạng 3G/4G, cải tiến các chương trình chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa gói cước với nhiều ưu đãi phù hợp với từng nhóm khách hàng nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm ngày một tốt hơn”.

Nhận thấy sự cạnh tranh quyết liệt từ hai đối thủ nêu trên, ngày 1-12, nhà mạng Viettel đã công bố hỗ trợ thực hiện chuyển sang mạng Viettel giữ nguyên số thuê bao ngay tại nhà khách hàng. 

Theo đó, ngoài hình thức đăng ký chuyển mạng tại hơn 1.000 điểm giao dịch, cửa hàng chính thức của Viettel trên toàn quốc, người dùng có thể đăng ký chuyển mạng giữ số tại nhà theo 3 cách thức: truy cập trang website viettel.vn/chuyenmanggiuso; thao tác trên ứng dụng My Viettel; gọi tổng đài 18008098 (miễn phí). 

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên Viettel sẽ đến địa chỉ khách hàng yêu cầu để hỗ trợ các thủ tục cần thiết.

Mặc dù vậy, theo bà Cao Thị Thu Huyền – phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel: “Chuyển mạng giữ số không phải là cuộc thi đấu để các nhà mạng lôi kéo thuê bao của nhau, mà là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông cải thiện chất lượng, dịch vụ để thu hút các thuê bao đến với mình một cách tự nhiên”. 

Về việc tung nhân viên tới tận nhà khách hỗ trợ chuyển mạng giữ số sang Vietel, bà Huyền giải thích “là thể hiện mong muốn của Viettel được phục vụ và chăm sóc khách hàng tận tâm nhất”.

Trong khi đó, dù đến đầu năm 2019 mới tham gia thị trường chuyển mạng giữ số nhưng đại diện Vietnamobile cũng cho biết đang chuẩn bị “cung cấp thêm nhiều dịch vụ sáng tạo” để có thể cạnh tranh với các nhà mạng lớn khác. 

“Chuyển mạng giữ đầu số không chỉ mở ra cơ hội cạnh tranh với những nhà mạng lớn về mặt sản phẩm và dịch vụ, mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự sáng tạo trong ngành viễn thông” – đại diện nhà mạng này chia sẻ.

Ông Vũ Hoàng Liên (chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam):

Nên có kiểm tra, chế tài

Việc các nhà mạng thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc để giữ chân thuê bao trả sau hiện hữu là cần thiết và rất nên hoan nghênh.

Tuy nhiên, nếu nhà mạng thực hiện những biện pháp gây khó dễ khi khách hàng muốn chuyển đi là không chấp nhận được.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà mạng, cơ quan chức năng nên có kiểm tra, đưa biện pháp chế tài cụ thể với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm khó dễ cho người dùng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng nên có đường dây nóng (hotline) tiếp nhận các phản ảnh của người dùng liên quan đến việc chuyển mạng giữ số.

Từ đó có biện pháp cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm của nhà mạng (nếu có), bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

6,5% thuê bao đủ điều kiện được chuyển mạng giữ số

Theo thống kê của Cục Viễn thông Bộ Thông tin – truyền thông, tính đến tháng 5-2018 Việt Nam có khoảng 8,1 triệu thuê bao điện thoại di động trả sau.

Trong đó ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm đại đa số.

So với tổng lượng thuê bao di động đang phát sinh lưu lượng hiện nay là 123,9 triệu, số thuê bao di động trả sau trong diện được chuyển mạng giữ số chỉ chiếm khoảng 6,5%.