12/01/2025

Khi trường đại học làm ‘bà mai’

Các đại học Thụy Sĩ luôn đồng hành “nâng khăn sửa túi”, tạo cơ hội cho cử nhân, thạc sĩ của mình sớm tìm được bến đỗ.

 Giáo dục Thuỵ Sĩ tự hào về đào tạo thanh niên lành nghề:

Khi trường đại học làm ‘bà mai’

Các đại học Thụy Sĩ luôn đồng hành “nâng khăn sửa túi”, tạo cơ hội cho cử nhân, thạc sĩ của mình sớm tìm được bến đỗ.
 
 
 
 
Gian hàng của Tập đoàn General Electric tại hội chợ tuyển dụng của ĐH EPFL năm 2018 /// THỤC MINH

Gian hàng của Tập đoàn General Electric tại hội chợ tuyển dụng của ĐH EPFL năm 2018   THỤC MINH

 
So với nhóm tốt nghiệp từ các trường nghề và ĐH thực nghiệm, những cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ từ các ĐH tổng hợp mạnh về học thuật thường trải qua quá trình tìm việc gian nan hơn, do thiếu lợi thế “quen việc, quen người” trong môi trường doanh nghiệp.
 
Vì thế, khâu hướng nghiệp nhằm kết nối sinh viên (SV) sắp ra trường với nhà tuyển dụng và trang bị cho họ những kỹ năng tìm việc được các trường rất coi trọng. ĐH nào cũng có trung tâm hướng nghiệp và tổ chức hội chợ tuyển dụng thường niên. Lớn nhất ở Thuỵ Sĩ là hội chợ của ĐH Bách khoa Liên bang Lausanne (EPFL). Diễn ra trong nửa đầu tháng 10 tại Trung tâm triển lãm công nghệ Thuỵ Sĩ (STCC) nằm sát trường, hội chợ có tên Forum EPFL kéo dài một tuần gồm một loạt hoạt động quy mô lớn và phong phú, thu hút trên 18.000 SV EPFL lẫn các trường khác tham dự, phản ánh trình độ tổ chức chuyên nghiệp, sự năng động và chu đáo đáng để học hỏi.
 

“Nâng khăn sửa túi”

Nhiều tháng trước khi Forum diễn ra, SV EPFL sắp tốt nghiệp cần tìm việc làm hay học bổng thực tập (internship) được mời gọi nộp hồ sơ cá nhân vào ngân hàng CV online. Trên 1.500 hồ sơ đã được tập hợp cho Forum 2018, diễn ra từ 8 – 12.10 vừa qua. Để giúp các ứng viên có được bản hồ sơ hoàn hảo trong mắt nhà tuyển dụng, Forum mời chuyên gia từ công ty săn đầu người đến gặp gỡ trực tiếp từng SV có nhu cầu để tư vấn và giúp chỉnh sửa lý lịch nghề nghiệp (CV), viết thư bày tỏ nguyện vọng, hướng dẫn cách giới thiệu bản thân và dự án cá nhân trong vòng 90 giây (elevator pitch)… Thợ ảnh cũng được mời đến Forum chụp miễn phí cho SV ảnh chân dung chuyên nghiệp để kèm hồ sơ, vì chụp ở tiệm rất đắt. Chưa hết, các SV còn được giáo viên từ cơ sở tư nhân đến hướng dẫn các động tác thể dục đơn giản, cách hít thở để chống mỏi, tê chân, mất bình tĩnh… trước nhà tuyển dụng.
 
 
Tự thân
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, giới trẻ Thuỵ Sĩ theo con đường học thuật thường bắt đầu đi làm sau khi lấy bằng thạc sĩ. Để có được tấm bằng này, họ buộc phải có thời gian thực tập tại doanh nghiệp (internship) từ 3 – 6 tháng. Các sinh viên nhóm này cũng chủ động đi làm thêm, tham gia tổ chức các hoạt động hội nhóm để có kinh nghiệm. Khảo sát bỏ túi của Thanh Niên qua mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn cho thấy, khoảng 6/10 sinh viên EPFL có học thêm các khóa quản trị kinh doanh, tài chính, marketing… bên cạnh chuyên môn kỹ thuật chính.

 

Trung tâm hướng nghiệp của trường cũng đưa ra các bài viết hướng dẫn tỉ mỉ từ kỹ năng trả lời phỏng vấn, thủ thuật thương lượng mức lương, tự giới thiệu bằng hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn… cho đến việc chọn trang phục và phụ kiện, trang điểm khi đi phỏng vấn, tư thế ngồi dự tiệc cùng nhà tuyển dụng, phép lịch sự trong các hình thức tiếp xúc nghề nghiệp khác nhau…

Cũng là một cách kinh doanh
Là ĐH nổi tiếng nhất vùng nói tiếng Pháp của Thuỵ Sĩ, EPFL với gần 11.000 SV và nghiên cứu sinh hằng năm cho “ra lò” trên dưới 2.500 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được sàng lọc gắt gao thuộc các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, kiến trúc và khoa học sự sống. Forum EPFL vì thế là nơi các công ty có hàm lượng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cải tiến cao nhắm đến. Mỗi năm, Forum có khoảng 170 công ty và 70 doanh nghiệp trẻ (start-up) tham gia. Các tập đoàn lớn từ ngành dược, chế tạo đồng hồ, xe hơi, thực phẩm cho đến ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, săn đầu người… dường như ít năm nào vắng mặt. Chính quyền liên bang đặt ở vùng nói tiếng Đức và chính quyền tiểu bang Vaud mà Lausanne là thủ phủ cũng đến đây tìm kiếm tài năng làm việc cho nhà nước. Có cả những công ty không có văn phòng ở Thuỵ Sĩ cũng tham gia. Một số công ty chỉ ghi danh mà không xuất hiện tại hội chợ.
 
Để được có tên trong danh sách tham gia, mỗi công ty phải nộp phí 2.500 CHF (gần 60 triệu đồng). Khoản phí này cho phép công ty được tự giới thiệu 2 trang trong quyển cẩm nang hội chợ phát hành 3.000 bản và quyền truy cập ngân hàng CV. Phần lớn các công ty tham gia sẽ thuê phòng để tự giới thiệu và thông báo kế hoạch tuyển dụng, thuê gian hàng để tiếp xúc người tìm việc. Nhiều công ty lớn cũng thuê thêm không gian bên ngoài kèm bánh trái để tiếp xúc gần hơn với cử tọa sau phiên giới thiệu.
 
Tại Forum 2018, trong số 172 công ty tham gia, có 83 thuê phòng trình bày, 157 thuê gian hàng trong một hoặc 2 ngày. Giá thuê dĩ nhiên phụ thuộc vào diện tích mặt bằng và thời lượng sử dụng. Chẳng hạn, một phòng có 30 ghế sử dụng trong 25 phút giá 300 CHF, 55 phút giá 600 CHF; gian hàng tối thiểu 6 m2 giá 2.000 CHF/ngày, tối đa 36 m2 giá 12.000 CHF/ngày. Từ việc thuê đứt STCC suốt một tuần rồi “bán lẻ” lại cho doanh nghiệp kèm dịch vụ hậu cần, Forum EPFL kiếm được kha khá lợi nhuận, chưa kể phần đến từ nhà tài trợ, một thành viên ban tổ chức nói với Thanh Niên.
 
Sinh viên điều hành
Khởi đầu cách đây 35 năm với vài hoạt động lèo tèo, Forum nay là một hiệp hội có thu trực thuộc ĐH EPFL, được chứng nhận quốc tế về quản lý chất lượng ISO 9001 và bảo vệ môi trường ISO 14001. Doanh thu hằng năm 850.000 CHF (20 tỉ đồng). Điều đặc biệt là ban trị sự 20 người đều đang là sinh viên tuổi không quá 25, có thể từ EPFL hoặc trường khác, được tuyển chọn gắt gao, nhưng làm việc hoàn toàn tự nguyện không lương.

 

THỤC MINH