23/01/2025

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Trẻ em, người lớn ai cũng từng được thầy cô dạy bài học không xả rác bừa bãi. Trẻ em có thể hồn nhiên, nhiệt tình nhặt rác. Người lớn có làm được không?

 

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

 

Trẻ em, người lớn ai cũng từng được thầy cô dạy bài học không xả rác bừa bãi. Trẻ em có thể hồn nhiên, nhiệt tình nhặt rác. Người lớn có làm được không?

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu - Ảnh 1.

Đống rác bừa bãi gần cổng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM – Ảnh: THIÊN THẢO

Thời tôi đi học, năm 1985, cô giáo thường dạy rằng: “Các con rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp và không xả rác…”. Cả lớp đồng thanh: “Thưa cô ạ, chúng con ghi nhớ”. 

Bây giờ con gái tôi học lớp 4, cô giáo căn dặn giữ gìn vệ sinh, không xả rác, dùng hình vẽ hướng dẫn cách bỏ rác vào thùng rác. Lúc thì cô chỉ thùng rác ở sân trường, dặn trẻ bỏ rác vào thùng, kể cả hướng dẫn phân loại rác.

Có lần, tôi dẫn con gái đến công viên, thấy một người mẹ trẻ ngồi trên ghế, ăn xong bánh liệng bao nilông xuống cỏ, cậu con trai khoảng 6-7 tuổi nói: “Sao mẹ lại xả rác vậy? Cô dặn không được xả rác” rồi chạy tới lượm lên, đem bỏ vào thùng rác gần đó. Người mẹ đã nói “mẹ xin lỗi…”. Sẵn đó, cậu nhặt luôn rác vương vãi xung quanh, con gái tôi cũng chạy tới cùng nhặt rác. Trong hai phút, xung quanh sạch trơn.

Lần khác, tôi chờ đón con trước cổng trường, vài phụ huynh nhận tờ rơi quảng cáo đọc xong vứt xuống đường, nhóm học sinh ra về cúi xuống nhặt lên cầm trên tay rồi đi tiếp. Những người vừa vứt rác có người đỏ mặt, xấu hổ. Tôi quan sát những người đang cầm tờ rơi, người giữ lại trên tay, người xếp lại, bỏ vào túi áo.

Xả rác khắp nơi nào phải do ngành giáo dục! Không giáo dục nào dạy cái xấu cả. Xả rác bừa bãi là thói quen, tiện tay thì vứt đi, thấy người khác xả rác mình cũng làm theo có sao đâu! Thói xấu này ở người lớn nhiều hơn trẻ em. 

Và cũng người lớn hay đổ lỗi cho giáo dục. Có chăng là “sự giáo dục” từ những người lớn, gia đình, xã hội chưa nêu gương đúng mức cho trẻ. Kiểu như: người mẹ đưa cho đứa con hộp sữa, uống xong đứa con nói “mẹ ơi không có thùng rác”, người mẹ nói “vứt đại vào gốc cây đi”, rồi miệng nói tay làm ngay… Một gốc cây, một vỏ hộp sữa và sau đó nơi này có cả đống rác. Đi đâu cũng thấy người lớn thản nhiên xả rác ngay nơi mình đứng, ngồi, đi qua.

Đừng đổ lỗi hay oán trách người khác! Ai từng chịu khó một chút bỏ rác đúng chỗ, ai từng nghĩ cho nỗi vất vả của chị lao công, nhọc nhằn của anh công nhân nạo vét cống? Ai từng nghĩ mình sẽ làm sao để đường phố sạch hơn, con sông kia đỡ ô nhiễm? Ai từng thấy rác nhặt bỏ vào thùng? Ai từng nhắc nhở nhau đừng xả rác? Những chuyện này ai cũng có thể làm, làm ngay được mà.

Và cần làm hằng ngày. Từ đời thực đến nhắc nhau trên mạng. Một gương người tốt, hành động tốt, câu chuyện nhân văn có thể tác động tới nhận thức giúp con người nhìn nhận và hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực. 

Tất nhiên phải có biện pháp xử lý nghiêm, phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi. Trước tiên, áp dụng triệt để ở các đô thị lớn như TP.HCM. Bên cạnh phạt tại chỗ khi phát hiện, gắn camera quan sát làm bằng chứng phạt nguội. Phạt nghiêm là cách thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật về môi trường và góp phần thay đổi dần thói quen xả rác mọi lúc mọi nơi.