Nhiều bạn trẻ, dù đi làm thu nhập khá cao nhưng cuối tháng luôn ở tình trạng rỗng túi, hoặc nợ thẻ tín dụng bởi chi tiêu không có kế hoạch.
Tiêu những phần dư ra sau khi đã tiết kiệm
Chị Tạ Minh Thuyên (26 tuổi), kế toán một công ty nhân sự ở TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều khi không biết mình đã dùng tiền vào việc gì mà hết trơn. Tôi cũng không mua đồ hiệu mấy, không đi chơi nhiều, nhưng mỗi tháng luôn bị cảm giác nợ nần đeo bám. Cách đây một tuần, tôi quyết định tải một ứng dụng trên điện thoại, ghi chú từng khoản, từng mục chi tiêu của bản thân, thấy mình chi tiêu rất bất hợp lý. Có nhiều khoản không cần thiết và hoàn toàn có thể cắt giảm. Tôi thấy được tài khoản mình không bao giờ dư tiền vì mình nghĩ phần tiền để dành là sau khi đã tiêu xài còn dư lại”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thuỳ (27 tuổi), nhân viên phòng thu mua của một công ty thiết bị hàng hải tại Q.2, TP.HCM, cho biết không biết hằng tháng chị chi tiêu những gì. Mặc dù mức lương của chị là 25 triệu mỗi tháng, nhưng tháng nào là hết tháng đó. Chị hầu như không có tiền tiết kiệm dù đi làm hơn 5 năm…
Có thể nói, trường hợp của chị Thuyên và Thuỳ là không phải hiếm, nhất là đối với người trẻ. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, giảng viên ngành kinh tế tài chính, ĐH RMIT Việt Nam: “Điều quan trọng ở đây là các bạn trẻ phải tiết kiệm một khoản trước rồi mới tiêu khoản còn lại, đừng nên tiêu trước rồi mới tiết kiệm sau. Nghĩa là hằng tháng nên theo công thức: Thu nhập – tiết kiệm = chi tiêu, các bạn trẻ cũng có thể dùng công thức 20-50-30: Tiết kiệm 20% của thu nhập hằng tháng, 50% của thu nhập là chi phí ăn ở và 30% dành cho các khoản như giải trí, ăn ngoài và du lịch. Đương nhiên là 20% tiết kiệm nên đầu tư vào sản phẩm thích hợp. Mục tiêu tiết kiệm trong giai đoạn này chủ yếu là để thực hiện ước mơ và có tiền cho những tình huống khẩn cấp như ốm đau hoặc rủi ro khác”.
Nhiều người cho rằng để dành một khoảng tiền nhỏ không giải quyết được gì. Đây là quan niệm khá sai lầm. Tiến sĩ Bình đưa ra một ví dụ khá đơn giản, tiết kiệm mỗi năm 10 triệu đồng, trong suốt 10 năm, số tiền lãi nhận được có thể giúp tăng số tiền thêm gần 50%. “Nếu tiết kiệm được 10 triệu đồng mỗi năm trong 10 năm liên tiếp (với lãi suất 7%/năm của ngân hàng hiện tại), bạn sẽ có khoảng gần 148 triệu đồng. Nếu một bạn trẻ bắt đầu tiết kiệm muộn hơn 1 năm (tức 9 năm) thì bạn đó sẽ chỉ có khoảng 128 triệu sau 9 năm. Chênh lệch ở đây đã là 20 triệu đồng rồi, gấp đôi số tiền 10 triệu đồng mà bạn trẻ tiết kiệm được hằng năm”.
Sớm lập kế hoạch tài chính
Nếu bạn không thể lao động trong 6 tháng do bệnh tật hoặc chấn thương, bạn có thể duy trì mức sống và chi trả được các hoá đơn tiền điện nước? Câu hỏi này được anh Nguyễn Minh Nhật, nhà sáng lập dự án Heo đất – Make cents make sense, chuyên tư vấn hoạch định tài chính cá nhân, hỏi rất nhiều người trẻ: “42,9% người khảo sát trả lời rằng sẽ ‘sống nhờ’ vào gia đình và 28.6% nói rằng sẽ gặp khó khăn ngay khi 6 tháng liền không có thu nhập. Kết quả này có thể phản ánh vài chuyện: Chúng ta không để ý lắm đến chuyện tài chính của bố mẹ chúng ta. Chúng ta không để ý rằng một sự kiện tài chính xảy ra với chúng ta có thể là gánh nặng cho gia đình. Chúng ta không tiết kiệm khi có bất trắc xảy ra. Chúng ta chi tiêu nhiều hơn thu nhập”.
Anh Nguyễn Minh Nhật chia sẻ: “Hoạch định tài chính đi liền với hiểu về bản thân, hiểu về lối sống, về những quan niệm của bản thân về tiền và sự thoải mái khi chúng ta xử lý mối quan hệ với tiền… Mỗi chúng ta đều cần phải lo, lo theo nghĩa biết chuẩn bị trước cho những chuyện chắc chắn sẽ xảy ra trong mối quan hệ giữa chúng ta với tiền”.
Cũng đồng ý với anh Nguyễn Minh Nhật, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình nói thêm: “Bảng kế hoạch chi tiêu sẽ giúp các bạn trẻ đạt được những ước mơ của mình sớm hơn. Nếu có kế hoạch tài chính, tích luỹ vốn từ giai đoạn còn trẻ thì cái vốn đó sẽ có nhiều thời gian để sinh lời hơn…”.
NGUYÊN TRANG