27/12/2024

Trường ĐH quốc tế tại VN tuyển sinh thế nào ?

Trong khi hầu hết các trường ĐH trong nước đều tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia với mức độ khác nhau, thì các trường ĐH có yếu tố nước ngoài tại VN tuyển sinh lại dựa vào các tiêu chí khác.

 

Trường ĐH quốc tế tại VN tuyển sinh thế nào ?

Trong khi hầu hết các trường ĐH trong nước đều tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia với mức độ khác nhau, thì các trường ĐH có yếu tố nước ngoài tại VN tuyển sinh lại dựa vào các tiêu chí khác.
 

 

 

Sinh viên "Năm học đồng kiến tạo" của Trường ĐH Fulbright VN	 /// Ảnh: Xuân Linh

Sinh viên “Năm học đồng kiến tạo” của Trường ĐH Fulbright VN  ẢNH: XUÂN LINH

 
Yêu cầu về khả năng học thuật và tiếng Anh
Trường ĐH RMIT VN không tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Theo bà Lê Thị Anh Thư, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH RMIT VN, năm 2019 trường này tuyển thí sinh vào học ĐH không qua kỳ thi đầu vào mà xét dựa trên các yêu cầu về khả năng học thuật ở bậc THPT và trình độ tiếng Anh.
 
Cụ thể, trường yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT với điểm trung bình lớp 12 từ 7.0 trở lên. Nếu học sinh (HS) đã tốt nghiệp hoặc hoàn thành một phần chương trình CĐ, ĐH thì có thể được xét miễn giảm tín chỉ đầu vào.
 
Bên cạnh đó, thí sinh phải đáp ứng điều kiện tiếng Anh tối thiểu trình độ IELTS 6.5 trở lên (không kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL iBT 79+ (điểm tối thiểu từng kỹ năng gồm: đọc 13, nghe 12, nói 18, viết 21). Nếu không đạt chuẩn trên, thí sinh trúng tuyển phải theo học chương trình tiếng Anh dự bị ĐH tại trường để đủ khả năng học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
 
Trường thực hiện 3 đợt nhập học vào các tháng: 2, 6 và 10.
 
Nộp hồ sơ trực tuyến và 2 vòng phỏng vấn
Bà Lê Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính, Trường ĐH Fulbright VN (FUV), cho biết FUV triển khai quy trình tuyển sinh riêng biệt, nhằm đánh giá HS một cách toàn diện.
 
Quá trình tuyển sinh ĐH của trường đã được khởi động ngay từ ngày 1.9.2018, bao gồm 3 vòng: nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến, phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân. Quá trình tuyển sinh sẽ kết thúc vào ngày 1.12 năm nay.


Bà Trâm cũng cho biết bộ hồ sơ tuyển sinh của FUV được thiết kế theo hướng gợi mở và tạo không gian để HS với những cá tính, tài năng và khuynh hướng học thuật khác nhau đều được bộc lộ. Ví dụ, hồ sơ yêu cầu HS viết về bất kỳ một chủ đề nào mà các em thực sự quan tâm, thu âm một đoạn audio chia sẻ vì sao các em nghĩ rằng FUV chính là môi trường cho em phát triển bản thân, và trình bày một sản phẩm hay tác phẩm do chính các em thực hiện. Với thiết kế như vậy, điểm số không còn là yếu tố trọng tâm mà chính sự đầu tư công sức và tâm huyết vào bộ hồ sơ của mình mới là điều khiến các em trở nên một ứng viên cạnh tranh. Nhờ vào đó, FUV có thể tìm kiếm ứng viên có những phẩm chất phù hợp với chương trình cử nhân theo hướng giáo dục khai phóng như khát khao 
học hỏi, tinh thần tiên phong, hướng tới cộng đồng, tận tâm và chính trực.

 
Phần phỏng vấn nhóm chính là cơ hội để ứng viên được thể hiện mình trực tiếp với Hội đồng tuyển sinh của nhà trường. Vào ngày phỏng vấn nhóm, HS sẽ tự làm việc với nhau để giải quyết một vấn đề mà trường đặt ra dưới sự hướng dẫn của một giảng viên. Hình thức này hiện nay đang được áp dụng ở một số ít các trường ĐH ở Mỹ, chú trọng vào sáng tạo. HS sẽ học cách hợp tác với nhau, sử dụng các thế mạnh của cá nhân trong làm việc nhóm để giải quyết một vấn đề liên ngành và có tính ứng dụng.
 
Vòng phỏng vấn cá nhân thực hiện trực tuyến, HS được thoải mái trao đổi riêng với Hội đồng tuyển sinh về các điểm mạnh và điểm yếu của mình. Vào giữa tháng 4, HS sẽ nhận được kết quả tuyển sinh và mức hỗ trợ tài chính của 4 năm học tại FUV. “Quy trình tuyển sinh của chúng tôi bao gồm nhiều vòng vì chúng tôi muốn các em có nhiều cơ hội thể hiện các điểm mạnh về phẩm chất và kỹ năng, và phía Hội đồng tuyển sinh cũng cần đảm bảo không bỏ sót bất kỳ ứng viên tài năng nào”, bà Trâm chia sẻ.
 
Trong mùa tuyển sinh năm ngoái, có 2/3 sinh viên của trường được nhận hỗ trợ tài chính, trong số đó một nửa là nhận được hỗ trợ từ 95% trở lên.
 
Kiểm tra năng lực từ viện khảo thí Đức
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Đức, năm 2019 trường vẫn sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh được thực hiện từ ngay năm đầu thành lập và giữ ổn định trong nhiều năm qua.
 
Cụ thể là dành 80% chỉ tiêu xét thí sinh từ việc tổ chức riêng kỳ kiểm tra năng lực thường tổ chức vào tháng 5 hằng năm theo đề thi TestAS hoàn toàn bằng tiếng Anh của Viện Khảo thí Đức và 20% chỉ tiêu xét bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, đối với thí sinh tốt nghiệp các trường THPT quốc tế, có thể sử dụng các chứng chỉ tú tài quốc tế như SAT, A-Level, IGCSE… để đăng ký xét tuyển.
 
Theo tiến sĩ Viên, TestAS là kỳ kiểm tra đầu vào dành cho sinh viên quốc tế vào các trường ĐH của Đức, gồm 3 thành phần: bài thi tiếng Anh onSET – thi trực tuyến trên máy tính; bài thi trắc nghiệm kiến thức cơ bản (Core test) và bài thi trắc nghiệm kiến thức chuyên ngành (Subject-specific test module).
 
“Bài thi là sự tích lũy kiến thức, đặc biệt trong 3 năm phổ thông nhưng tập trung kiểm tra khả năng xử lý, suy luận, phán đoán hơn là kiến thức phải sử dụng trí nhớ. Bài thi kiến thức chuyên ngành hướng đến đánh giá xem các năng lực của thí sinh có phù hợp với ngành học đã chọn hay không, chứ không tập trung vào kiểm tra một nội dung kiến thức cụ thể”, tiến sĩ Viên nói.
 
Thí sinh có thể dự thi nhiều lần trong năm TestAS nếu muốn cải thiện kết quả của mình, tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Theo tiến sĩ Viên, trước chủ trương thay đổi kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường đang cân nhắc sẽ tổ chức thêm các kỳ thi TestAS tại trường để đem đến cho thí sinh nhiều cơ hội hơn.
 
Riêng với kỳ thi THPT quốc gia, tiến sĩ Viên cho biết nhận hồ sơ với thí sinh có điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 21 trở lên, đồng thời đạt 5.5 điểm IELTS trở lên.
 
Bất ngờ với phát biểu của bộ trưởng
PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết ông thực sự bất ngờ với phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là kỳ thi THPT quốc gia sẽ không phục vụ mục tiêu “2 trong 1”, mà sẽ chỉ tập trung cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.
 
Theo PGS Tớp, đành rằng từ trước đến nay chúng ta vẫn nói mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp, còn “2 trong 1” chỉ là một cách nói, nhưng thực tế là kỳ thi có cả mục tiêu xét tuyển, từ đó mà ảnh hưởng tới cấu trúc đề thi. Còn nếu như bây giờ đặt vấn đề là kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ theo nguyên tắc là những người trung bình đã có thể tốt nghiệp, thậm chí là nội dung đề thi chỉ tập trung vào lớp 12. Điều này trước hết là sai với tinh thần của lộ trình mà Bộ GD-ĐT đã vạch ra (năm đầu tiên tập trung lớp 12, năm sau thêm cả kiến thức lớp 11, và sắp tới sẽ có cả nội dung của lớp 10). Thứ hai, do nội dung kiến thức đề thi sẽ chỉ ở mức cơ bản nên dễ dẫn đến nguy cơ đỉnh tháp chuông phổ điểm sẽ lệch hẳn về phía điểm 9 – 10.
 
“Cụ thể thế nào thì phải chờ hướng dẫn của Bộ và nhất là phải chờ xem đề thi minh hoạ ra sao. Nếu đề thi minh họa đi theo hướng không phân hóa được thì đây là vấn đề để cho các trường phải suy nghĩ”, PGS Tớp nói.
 
 
Quý Hiên

ĐĂNG NGUYÊN – HÀ ÁNH