26/12/2024

Châu Á – Thái Bình Dương tăng tốc hoàn thiện RCEP

Các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang gấp rút hoàn tất đàm phán về hiệp định thương mại RCEP để đối phó những biến động kinh tế toàn cầu.

 

Châu Á – Thái Bình Dương tăng tốc hoàn thiện RCEP

Các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang gấp rút hoàn tất đàm phán về hiệp định thương mại RCEP để đối phó những biến động kinh tế toàn cầu.

 
 
Một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Singapore /// AFP

Một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Singapore  AFP

 
Xung đột thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như xu hướng bảo hộ mậu dịch đang dần mạnh lên trên thế giới đặt ra những nguy cơ mới cho các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Trong những tháng qua, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu áp thuế lên hàng hóa của nhau trị giá hàng chục tỉ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây yêu cầu các bộ ngành liên quan cân nhắc tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Bắc Kinh. AFP dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo bối cảnh tình hình này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực, vốn đều là đối tác thân thiết với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha kêu gọi các nước châu Á – Thái Bình Dương tìm ra những sáng kiến mới nhằm tăng cường hợp tác ứng phó thách thức từ bảo hộ mậu dịch.
 
Chính vì thế, các thành viên ASEAN cùng các đối tác khu vực đang hết sức khẩn trương hoàn thiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo ra môi trường thương mại tự do, bình đẳng và rộng mở. Hiệp định này được ASEAN đề xướng từ năm 2012 nhưng ít được chú ý hơn so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, RCEP lại trỗi dậy để trở thành tâm điểm chú ý mới. Cả hai hiệp định được kỳ vọng sẽ bổ trợ cho nhau nhằm củng cố hợp tác thương mại đa phương và mang lại phát triển thịnh vượng cho khu vực.
 

RCEP hiện đang được đàm phán giữa ASEAN cùng 6 đối tác gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Nếu được hoàn thiện và chính thức ra đời, đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, trải rộng trên khu vực chiếm một nửa dân số và 1/3 GDP toàn cầu. Theo chuyên san The Diplomat, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình đàm phán RCEP, chẳng hạn như khoảng cách phát triển giữa các bên còn lớn hay Ấn Độ ngần ngừ mở cửa thị trường vì lo ngại hàng hóa Trung Quốc xuất hiện tràn lan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez khẳng định những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo “nhu cầu cấp bách” trong đẩy nhanh đàm phán để sớm đạt được đồng thuận về RCEP.

 
Đài CNBC dẫn phát biểu của Bộ trưởng Lopez bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (từ ngày 28.8 – 1.9 tại Singapore) cho hay các bên liên quan “đã có nhiều bước đi nhằm giải tỏa khác biệt” và dù hiệp định có thể không được ký trong năm 2018 nhưng quá trình đàm phán có thể kết thúc trong năm nay. Trong khi đó, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long tuyên bố đàm phán đã đi đến “giai đoạn then chốt” và “RCEP sẽ là tín hiệu quan trọng cho thế giới thấy rằng ASEAN cùng các đối tác đề cao giá trị của thương mại tự do, liên kết khu vực và hợp tác quốc tế”. AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Singapore trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN đang nỗ lực để sớm hoàn thiện RCEP trước khi trao lại ghế cho Thái Lan vào năm 2019.
 
Tổng thống Trump không dự đợt hội nghị tháng 11
Nhà Trắng hôm qua thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ không dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ và Cấp cao Đông Á ở Singapore, thuộc đợt hội nghị cấp cao ASEAN mở rộng vào tháng 11 cũng như vắng mặt tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea. Theo Reuters, Washington chưa công bố lý do mà chỉ cho hay Phó tổng thống Mike Pence sẽ đại diện chủ nhân Nhà Trắng dự các sự kiện này. Năm ngoái, Tổng thống Trump có mặt đầy đủ tại các hội nghị nói trên.

BẢO VINH