27/12/2024

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng có nguy cơ tăng vốn

Nhiều vướng mắc vượt quá khả năng giải quyết, UBND TP.HCM vừa phải “cầu cứu” Thủ tướng gỡ khó cho dự án chống ngập có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.

 

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng có nguy cơ tăng vốn

Nhiều vướng mắc vượt quá khả năng giải quyết, UBND TP.HCM vừa phải “cầu cứu” Thủ tướng gỡ khó cho dự án chống ngập có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.


 
 

Dự án đình trệ, chưa tìm ra phương án tháo gỡ /// Ảnh: Trung Nam

Dự án đình trệ, chưa tìm ra phương án tháo gỡ   ẢNH: TRUNG NAM

 
Tăng vốn sẽ thành dự án quan trọng quốc gia
Sau hơn 4 tháng đại công trường chống ngập 10.000 tỉ đồng phải ngưng thi công do thiếu vốn, cả TP và chủ đầu tư (Công ty TNHH Trung Nam) vẫn loay hoay chưa tìm ra phương án tháo gỡ. Đáng chú ý, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc dự án đang gặp phải, UBND TP nhấn mạnh nếu bổ sung các hạng mục: cầu giao thông Cống Mương Chuối, công suất bơm giai đoạn 2, có khả năng tổng dự toán công trình sẽ tăng so với tổng vốn đầu tư được duyệt, vượt 10.000 tỉ đồng trở thành dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét. “Đây là dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết ngập cho TP. UBND TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các bộ ngành liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho TP cũng như chủ đầu tư, đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng”, văn bản nêu rõ.
 

Một vướng mắc khác là chưa có đầy đủ mặt bằng. Văn bản của UBND TP.HCM nêu rõ: Dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp (DN). Tính đến thời điểm này, đã có 154 hộ và 25 tổ chức, DN bàn giao mặt bằng. UBND TP họp giao ban hằng tuần, chỉ đạo các quận, huyện (có các đơn vị của Bộ Quốc phòng) khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.

 
Về báo cáo xác nhận giá trị giải ngân – điều mà chủ đầu tư xác nhận là nguyên nhân chính khiến dự án phải ngừng triển khai, UBND TP thông tin: Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, liên danh tư vấn giám sát hợp đồng BT dự án đã có ý kiến về hồ sơ và đã được Ngân hàng BIDV – chi nhánh nam Sài Gòn giải ngân nguồn vốn vay cho dự án đến đợt 17. Giám đốc Sở Tài chính cũng đã thực hiện báo cáo giải ngân vốn vay đến đợt 16.
 
Chỉ nên giới hạn trong 10.000 tỉ đồng
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá việc dự án ngưng hoạt động kéo theo nhiều hệ lụy. Trước mắt, đại công trường dang dở đang khiến nguồn nước sông, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề. Đơn cử, tại khu vực thi công cống ngăn triều Bến Nghé (Bến Vân Đồn, Q.4), từ khi thi công làm chắn ngang đoạn kênh, nước sông đen kịt, rác thải nổi lềnh bềnh. Theo ông Trường, hàng rào làm cống ngăn bờ kênh chỉ còn khoảng cách rất hẹp khoảng 3 – 3,5 m, nước chảy rất chậm. Khi triều lên, nước thoát không kịp khiến bèo, rác thải tích tụ lại bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực này. Việc ngăn dòng chảy còn chặn đứng lưu thông của thuyền bè. Giao thông, du lịch đường thủy trên kênh Bến Nghé cũng vì thế mà đình trệ.
 
Về phương án bổ sung các hạng mục làm tăng tổng dự toán công trình, trở thành dự án trọng điểm quốc gia, ông Trường cho rằng không nên, vì sẽ phải báo cáo Quốc hội, qua đó tiếp tục lùi thời gian hoàn thành, ảnh hưởng tiếp đến nguồn vốn và tiến độ của dự án. “TP chỉ nên làm gói gọn trong đúng 10.000 tỉ đồng theo kế hoạch ban đầu, lấy đó là đáp số cuối cùng rồi nhanh chóng chấm dứt hợp đồng, chuyển sang thực hiện các công trình mới tổng thể, dài hơi, sử dụng nguồn vốn của nhân dân hiệu quả hơn. Nếu đã phát hiện có những sai sót trong quá trình thi công, cần nhanh chóng lập ngay hội đồng tư vấn độc lập, có thể do UB MTTQ chủ trì để báo cáo kết quả khối lượng lên TP một cách trung thực, khách quan, làm việc lại với chủ đầu tư để dự án nhanh chóng triển khai đúng với kế hoạch ban đầu”, ông Trường đề xuất.
 
Theo UBND TP.HCM, Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt VN – đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng việc sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép do chủ đầu tư thực hiện không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Ngoài ra, nhà đầu tư sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt nhưng chưa được UBND TP chấp thuận. “UBND TP đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với tư vấn giám sát hợp đồng và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu về vấn đề này. Những phần nào làm đúng thì mới xác nhận khối lượng được”, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin. 

HÀ MAI