28/01/2025

Vén màn chương trình do thám Bầu trời tĩnh lặng

Truyền thông Mỹ mới đây đồng loạt loan tin về chương trình do thám gây tranh cãi: Bầu trời tĩnh lặng. Trong đó, các đặc vụ theo dõi hành khách tại sân bay và trên máy bay.

 

Vén màn chương trình do thám Bầu trời tĩnh lặng

Truyền thông Mỹ mới đây đồng loạt loan tin về chương trình do thám gây tranh cãi: Bầu trời tĩnh lặng. Trong đó, các đặc vụ theo dõi hành khách tại sân bay và trên máy bay.
 
 
 
 

Nhiều hành khách bị theo dõi ở cả sân bay /// Reuters

Nhiều hành khách bị theo dõi ở cả sân bay  REUTERS

 
Trong chương trình Bầu trời tĩnh lặng, các đặc vụ của Cục Không cảnh liên bang trực thuộc Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) được giao nhiệm vụ theo dõi những mối đe doạ tiềm tàng dựa vào danh sách hành vi (theo tờ The Boston Globe). Đáng chú ý, các hành vi tưởng như thông thường đều bị liệt vào danh sách của TSA, bao gồm thay đổi cảm xúc trên khuôn mặt, bàn tay đẫm mồ hôi, vào nhà vệ sinh, nặng mùi cơ thể, nói chuyện thì thầm trên máy bay, có cái nhìn chằm chằm hay chỉ đơn giản là sử dụng máy tính. Không những thế, đặc vụ còn bí mật theo dõi những người dân bình thường không bị tình nghi là tội phạm hay khủng bố trên các chuyến bay và tại sân bay.
 

Chương trình này bắt đầu từ năm 2011 nhưng mãi đến cuối tháng 7 vừa qua mới bị truyền thông Mỹ phanh phui. The Boston Globe dẫn lại các tài liệu cho thấy 3.000 đặc vụ tham gia chương trình, tiêu tốn ngân sách trên 800 triệu USD (18,6 nghìn tỉ đồng)/năm và ước tính có khoảng 5.000 người dân bình thường đã bị theo dõi. Trong báo cáo năm 2017, Văn phòng Kiểm toán hoạt động của chính phủ Mỹ (GAO) lưu ý không nắm được bất kỳ thông tin nào về tính hiệu quả của Bầu trời tĩnh lặng trong việc phát hiện và ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Theo GAO, TSA cũng không thể trình bằng chứng cụ thể để khẳng định liệu rằng danh sách hành vi có thể giúp nhận dạng chính xác đối tượng tình nghi hay không.

 
Nội bộ TSA thậm chí cũng tỏ vẻ bất mãn trước nhiệm vụ được giao. Một số đặc vụ giấu tên tiết lộ họ bức xúc khi phải do thám tiếp viên hàng không hay hành khách chỉ vì họ từng đến Thổ Nhĩ Kỹ. “Lẽ ra các đặc vụ phải được giao trách nhiệm kiểm tra an ninh để kịp thời ngăn chặn tay súng, tội phạm hay phần tử khủng bố, thay vì đi lang thang rình rập người dân”, Chủ tịch Hiệp hội Không cảnh Mỹ John Casaretti nói. Các tổ chức nhân quyền và hàng loạt thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đã lên tiếng chỉ trích TSA xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Hiện vẫn chưa rõ vì sao TSA thu thập lượng lớn thông tin cá nhân hành khách như vậy và đã làm gì với dữ liệu này.
 
Hơn 2 tuần sau khi truyền thông Mỹ loan tin về chương trình gây tranh cãi trên, Giám đốc TSA David Pekoske ngày 15.8 mới chính thức lên tiếng khẳng định Bầu trời tĩnh lặng thật sự cần thiết (theo Đài CBS). Ông nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là loại trừ các mối đe dọa an ninh trên máy bay”. Tuy nhiên, văn phòng tổng thanh tra của Bộ An ninh nội địa Mỹ sau đó tuyên bố sẽ tiến hành điều tra và tái đánh giá chương trình này.
 
Được thành lập sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001, TSA thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả (theo Đài ABC). Báo cáo điều tra của Bộ An ninh nội địa Mỹ năm 2017 kết luận máy quét và quy trình kiểm tra an ninh của TSA tại các sân bay có tỷ lệ “sai sót” đáng báo động, lên đến 80%. Điều này làm hạn chế khả năng của lực lượng an ninh trong công tác phòng chống khủng bố, tội phạm buôn vũ khí, thuốc nổ và ma tuý. Sau đó, TSA tuyên bố điều chỉnh quy trình, kiểm tra trang thiết bị và tăng cường huấn luyện cho đội ngũ nhân viên an ninh sân bay.

 

PHÚC DUY