Lưu ý gì khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển?
Điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cũng là điểm dùng để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đã đến từng thí sinh. Nếu muốn thay đổi, cần lưu ý những gì?
Lưu ý gì khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển?
Điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cũng là điểm dùng để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đã đến từng thí sinh. Nếu muốn thay đổi, cần lưu ý những gì?
Theo quy định, thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng (NV), số trường và phải sắp xếp NV theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là NV cao nhất).
Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT một lần trong thời gian quy định. Muốn thay đổi NV ĐKXT, thí sinh cần lưu ý:
1 Nếu trước đây “chọn đại” NV để ĐKXT thì nên xem lại các nguyên tắc cơ bản khi thực hiện ĐKXT.
2 Nếu kết quả làm bài thi khác so với dự tính của bản thân, có thể tốt hơn hoặc không tốt như dự tính thì thí sinh cần nhìn lại các NV đã đăng ký, dĩ nhiên cân nhắc thêm yếu tố tình hình đề thi của năm nay, xem phổ điểm chung để tham khảo thêm.
3 Sau khi thi xong, phát hiện thêm những ngành học mình yêu thích mà trước đây bản thân chưa kịp tìm hiểu như các chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng, các chương trình liên kết quốc tế…
4 Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay ngưỡng điểm nhận hồ sơ của các trường có thể thay đổi. Bởi theo quy định, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp thì Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Như vậy ngưỡng không nhất thiết là 14 hay 15 điểm như những năm trước đây và thậm chí có trường sẽ cao hơn.
Ví dụ, nếu có trường quy định ngưỡng điểm nhận hồ sơ ĐKXT là từ 17 điểm trở lên, nếu điểm của thí sinh không đạt 17 điểm và đã đăng ký NV vào trường đó thì cần phải thay đổi NV đã ĐKXT.
5 Hoàn cảnh của gia đình có thay đổi gì hay không để đảm bảo khi trúng tuyển với một trong các NV ĐKXT trước đây là thí sinh có thể nhập học, nhất là những trường hợp đã đăng ký các chương trình chất lượng cao học phí tương ứng, chương trình quốc tế, chương trình liên kết quốc tế…
Việc thêm hay bớt NV cũng nên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi ĐKXT, nhất là điểm chuẩn năm 2016, năm 2017 và tình hình kết quả thi năm 2018.
Với phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được công bố, có thể thấy khả năng điểm chuẩn vào ĐH của nhiều ngành có thể thấp hơn năm 2017. Vì vậy, thí sinh chớ vội bi quan và cũng không chủ quan. Tất nhiên, sẽ không có những đáp án chung cho tất cả thí sinh.
Những điểm liên quan trực tiếp đến xác định điểm chuẩn
1 Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm), tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
2 Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
3 Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
4 Có thể chỉ tiêu tuyển sinh đối với hình thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ khác so với các trường chỉ có một hình thức tuyển sinh.
5 Có khả năng điểm chuẩn vào ĐH của nhiều ngành năm 2018 có thể thấp hơn năm 2017.
Điều chỉnh NV từ ngày 19-7
Thí sinh sẽ chính thức thực hiện điều chỉnh NV từ ngày 19-7 đến 26-7 (theo hình thức trực tuyến) và từ 19-7 đến 28-7 (theo hình thức bằng phiếu). Tuy nhiên, để giúp thí sinh làm quen với việc này, từ ngày 13-7 đến 15-7, Bộ GD-ĐT đã mở cổng xét tuyển để thí sinh thực hành điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển. Thí sinh được thực hành điều chỉnh NV một lần duy nhất dựa trên dữ liệu mình đã đăng ký.
“Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý khi điều chỉnh NV phải thực hiện đủ quy trình, nếu thiếu một bước hoặc làm tắt một bước thì quá trình này không hoàn thành. Nếu không hoàn tất quá trình thay đổi thì các NV đăng ký xét tuyển vẫn được giữ như thời điểm đăng ký hồi tháng 4-2018” – PGS.TS Trần Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), lưu ý.
TR.HUỲNH