24/01/2025

Người Việt uống 5 tỉ lít nước ngọt/năm, dùng đường gấp đôi mức khuyến cáo

Tiêu thụ đường theo đầu người ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng: gấp 7 lần trong vòng 15 năm qua. Năm 2016 người Việt tiêu thụ trên 4 tỉ lít nước ngọt, trong đó có trên 2 tỉ lít trà uống liền, trên 1 tỉ lít đồ uống có gas…

 

Người Việt uống 5 tỉ lít nước ngọt/năm, dùng đường gấp đôi mức khuyến cáo

Tiêu thụ đường theo đầu người ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng: gấp 7 lần trong vòng 15 năm qua. Năm 2016 người Việt tiêu thụ trên 4 tỉ lít nước ngọt, trong đó có trên 2 tỉ lít trà uống liền, trên 1 tỉ lít đồ uống có gas…
 
 

Tại hội thảo do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 22-6, để khuyến cáo những ảnh hưởng sức khỏe liên quan đến đường, đồ uống có đường, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho hay tiêu thụ đường theo đầu người đã tăng lên nhanh chóng, gấp 7 lần trong 15 năm qua. 

Năm 2016 người Việt dùng trên 4 tỉ lít nước ngọt, năm 2018 trên 5 tỉ lít và 2025 là 11 tỉ lít.

Bà Mai cũng trích dẫn báo cáo của ngành đường cho hay năm 2017, mức tiêu thụ đường/người của Việt Nam là 46,5 g/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 gr/ngày) và gấp đôi so với mức nên tiêu thụ khuyến cáo của WHO (dưới 25 gr/ngày).

Một nghiên cứu trên 1910 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas, trong đó 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết uống mỗi ngày, gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần. 

 

Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày. Điều đáng nói là mỗi lon nước ngọt có gas chứa gấp rưỡi đến gấp đôi tổng lượng đường khuyến cáo được sử dụng mỗi ngày.

Tại hội thảo, TS Juliawat Untoro, chuyên gia kỹ thuật lĩnh vực dinh dưỡng của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cảnh báo chúng ta có khả năng đối mặt với thế hệ đầu tiên có thế chết trước cha mẹ, do các căn bệnh như béo phì, tiểu đường… 

Uống nước ngọt nhiều cũng làm gia tăng bệnh tim, thiếu máu đột quỵ, tai biến mạch máu não. Trong đó đồ uống có đường là nguồn chủ yếu cung cấp thêm đường. 

Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam đã tăng hơn 200% trong vòng 10 năm, trẻ em và vị thành niên 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì tăng 273% (so sánh 2016 và 2002). Trong đó ông Bắc đánh giá tăng tiêu thụ đồ uống có đường là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây nạn dịch béo phì.

Hiện năng lượng từ đường đang chiếm 10%/tổng năng lượng ăn vào của người Việt và các bác sĩ khuyến cáo nên giảm xuống 5% để đảm bảo sức khoẻ. Các chuyên gia của WHO khuyến cáo Việt Nam nên sử dụng các công cụ tài chính nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. 

Trong đó, các phương án đang được đề xuất là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối mức 2000đ/lít. 

Với mức thuế này, giá đồ uống có gas sẽ tăng 11%, lượng tiêu dùng sẽ giảm 100-137 triệu lít và thuế thu được sẽ tăng 2000 tỉ đồng. 

Đối với nước ép rau quả, nếu đánh thuế mức này giá  bình quân sẽ tăng 8%, lượng tiêu dùng sẽ giảm 25-34 triệu lít, thu thuế tăng 0,7 ngàn tỉ đồng. Cà phê và trà uống liền, giá sẽ tăng 13%.

Một phương án nữa là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên hàm lượng đường là 20 đồng mỗi gr đường bổ sung. 

Với phương án này, nước ngọt có gas sẽ tăng giá 12%, nước ép rau quả tăng giá 6%, cà phê và trà uống liền giá bình quân tăng 12%, nước uống tăng lực và thể thao tăng 14%, lượng tiêu dùng các mặt hàng này ước tính đều giảm nhưng thuế thu được sẽ tăng.

Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Thái Lan đã đánh thuế nước ngọt theo hướng càng ngọt thuế càng cao. 

Năm 2017 giới chức ngành thuế Singapore cũng đã sang Thái Lan để xem xét và chuẩn bị áp dụng thuế với đồ uống có đường.

 

LAN ANH