Tiền lương phải là thu nhập chính và đủ sống
Tiền lương phải là thu nhập chính và phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Đây là quan điểm của đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được Hội nghị Trung ương 7, khoá XII bàn thảo trong tuần này.
Tiền lương phải là thu nhập chính và đủ sống
Tiền lương phải là thu nhập chính và phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Đây là quan điểm của đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được Hội nghị Trung ương 7, khoá XII bàn thảo trong tuần này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-5, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, một trong những chuyên gia hàng đầu về tiền lương, cho rằng “đây là quan điểm xuyên suốt và 4 lần cải cách tiền lương từ những năm 1960, 1985, 1993, 2004 đều nhắm tới.
Tuy nhiên để thực hiện được quan điểm, mục tiêu này không phải dễ, vì câu chuyện tiền lương, cải cách tiền lương là một việc vô cùng phức tạp, nó liên quan đến triệu triệu người, liên quan đến cải cách bộ máy, liên quan đến nhân sự. …”.
Lương phải đảm bảo đời sống cho người lao động
* Vậy đề án cải cách tiền lương lần này có điểm gì mới?
– Như báo chí đã nêu, với các chuyên gia về tiền lương, đề án cải cách tiền lương lần này đúng là có những điểm mới so với chính sách hiện tại, nhưng có nhiều nội dung trong đề án đã có trước những năm 1993.
Tôi khẳng định quan điểm lương phải là nguồn thu nhập chính, phải đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình họ là quan điểm mới thể hiện sự tiếp tục và quyết tâm cao.
Thứ hai về thiết kế thì đã tính đến mối quan hệ giữa khu vực hành chính và thị trường. Vấn đề là tính toán thế nào để lương thấp nhất của khu vực hành chính bằng với khu vực thị trường. Bên cạnh đó có điểm mới là mở rộng quan hệ, tiếp cận với thị trường.
Thứ ba sẽ thiết kế lại bảng lương để cùng một chức vụ thì có cùng mức lương như nhau, và thiết kế các mức lương bằng tiền.
Điểm mới nữa là cơ chế giao khoán, tự chủ trong việc trả lương, và với nội dung này, nếu các doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan đơn vị tiết giảm tốt, tiết kiệm tốt kể cả tinh giản biên chế thì anh sẽ có nguồn chi trả lương tốt và cao hơn.
Điểm mới nữa là sẽ lấy nguồn ngân sách tăng thêm ở trung ương, ở địa phương để bổ sung vào nguồn cải cách lương.
* Lương phải đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình họ. Điều này có hoàn thành khi đa số người lao động vẫn đang kêu không sống được bằng lương?
– Quan điểm này là sự kế thừa, và qua đó thể hiện sự khẳng định, sự quyết tâm của Bộ chính trị. Thực tế của ta là lương và thu nhập khác nhau rất nhiều.
Ta hay nói “lương lậu”, “lương thưởng”, và người lao động cũng luôn kêu lương thấp, nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn đảm bảo.
Đây là câu chuyện được Bộ chính trị nhiều lần bàn. Bây giờ làm sao để rõ ràng hơn, người lao động sống thực sự bằng tiền lương.
* Trong đề án, ở khu vực công, nhà nước sẽ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Tức đề án lần này về cơ cấu lương đã tách riêng khu vực công và doanh nghiệp?
– Xin bổ sung một điểm mới nữa là sẽ tiếp tục để khu vực doanh nghiệp đi theo hướng lương thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp về lương tối thiểu.
Còn lại giao cho hai bên người lao động và chủ sử dụng lao động tự thảo thuận trên cơ sở quy luật kinh tế thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn với khu vực sự nghiệp, như đề án thì sẽ có đổi mới. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, còn khu vực sự nghiệp công lập là phục vụ.
Nhưng phục vụ cũng phải tiến tới hạch toán, ngân sách sẽ không cấp theo chi thường xuyên nữa mà sẽ đổi mới thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc cơ chế đấu thầu.
Với khu vực hành chính, lực lượng vũ trang cũng sẽ cơ cấu lại. Khu vực này lấy lương từ nguồn ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước chính là thuế của dân.
Vấn đề bây giờ phải tổ chức bộ máy thế nào để hợp lý. Nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng làm sao bộ máy để người dân nhìn vào thì thấy được đây là bộ máy cần thiết. Đội ngũ công chức ở đây phục vụ thế nào, trách nhiệm và phục vụ người dân ra sao.
Bảng lương sẽ thu gọn
* Đề án lần này cũng đề cập đến sắp xếp, thu gọn lại hệ thống bảng lương và các chế độ tiền lương?
- Về các chế độ tiền lương, điểm mới là đề án đã chỉ ra việc phải đơn giản hóa hệ thống thang bảng lương. Hiện có 7 bảng thì sẽ thu gọn lại còn 5 bảng.
Sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ TƯ đến cấp xã. Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Việc sẽ thiết kế 1 bảng lương chức vụ thì sẽ đảm bảo 1 chức vụ chỉ có 1 mức lương, nó khác hiện nay vì cùng 1 ông thứ trưởng, hay 1 ông vụ trưởng thì chỉ khác nhau ở phụ cấp, còn lương chuyên môn thì anh mới vào sẽ thấp, anh lâu năm sẽ cao.
Đây là thể hiện lương trong khu vực công cũng phải theo nguyên tắc thị trường.
Đề án cũng đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng của khu vực công sẽ gồm mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.
Chắc chắn với những cải cách như này, người lao động, công chức sẽ nắm rõ mức lương của mình là bao nhiêu chứ không như hiện nay, tiền lương rất rối rắm, người lao động không biết mức lương của mình như thế nào, được tính toán ra sao.
Trước đây, khi cải cách chúng ta cũng xác định làm sao lương cơ bản phải chiếm 70-80% tổng quỹ lương. Còn phần khuyến, đãi ngộ theo ngành nghề, khu vực thì là phụ cấp, chiếm khoảng 20-30%.
Tuy nhiên khi thực hiện thì phần mềm là phụ cấp cứ dải ra, có đến 50 loại phụ cấp. Chính vì thế lại phải đưa vào lương. Nhưng đưa vào lương thì lại vướng ở một số ngành được ưu đãi hơn thành ra lương cao, đóng bảo hiểm cao hơn và đương nhiên khi nghỉ hưu thì lĩnh lương cao hơn…
Vì thế, như đề án đưa ra lần này là sẽ lại đưa (phụ cấp) ra khỏi lương. Tức là cùng tốt nghiệp đại học thì anh bác sĩ hay giáo viên sẽ có cùng mức lương như nhau, và chỉ khác nhau ở mức phụ cấp.
* Đề án xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Giờ mức lương cơ sở là 1,39 triệu, còn khu vực doanh nghiệp mức lương tối thiểu thấp nhất gần 2,8 triệu. Theo ông mục tiêu này có thực hiện được không?
– Đây cũng là vấn đề cần phải bàn nhiều. Lương tối thiểu vùng thấp nhất cho doanh nghiệp gần 3 triệu đồng, mà lương cơ sở cho khu vực công chỉ 1,39 triệu. Đây là khoảng cách lớn.
Vì thế cần tính toán tương quan giữa khu vực hành chính và khu vực thị trường, và vấn đề ở đây là nguồn để thực hiện.
* Cá nhân ông có kỳ vọng đợt cải cách tiền lương lần này?
– Vấn đề là phải xem bộ máy, tổ chức của anh có tinh gọn được không, có loại ra khỏi bộ máy những vị trí thừa không. Trước đây, chúng ta cũng có những nghị quyết là tinh giản biên chế 10% nhưng liệu giờ hỏi đã thực hiện được chưa?
Nói về thời điểm thực hiện đề án này là 2021 tôi cũng “lăn tăn”. Trung ương khóa này có trách nhiệm, đưa ra bàn thì phải xác định khóa này sẽ làm những gì.
Chứ giờ bàn mà đến khoá sau mới thực hiện thì tôi cũng chưa biết khi đó có quyết tâm không, vì cải cách tiền lương là liên quan đến tiền, đến bộ máy, con người…